Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Bảy ngày 30/10/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 689
“THỪA NHẬN NHÂN QUẢ THÌ KHÔNG OÁN TRỜI, KHÔNG TRÁCH NGƯỜI”
Chúng ta biết con người đến thế gian này đều do nhân quả. Nhà Phật có câu: “Nhân sanh thù nghiệp”, có nghĩa là con người đến thế gian này để thọ nghiệp. Nếu tạo ác nghiệp thì phải trả báo, nếu tạo thiện nghiệp thì vẫn phải đến để hưởng phước. Cho nên con người đến thế gian này để nhận quả báo. Nghiệp nhân quả báo không hề mảy may sót lọt. Chúng ta đừng nghĩ rằng trong vòng đời mênh mông vô tận của đời người, ta làm thiện, làm ác thì nhân quả sẽ có sai sót. Sổ sách ghi chép có thể còn có sót lọt, nhưng nhân quả không có một chút sót lọt nào. Bởi vì nghiệp thiện, nghiệp ác xuất phát từ tâm của chúng ta, tất cả đều in đậm trong tâm của chúng ta cho nên không thể sót lọt. Vì vậy chúng ta hoan hỉ, thừa nhận nhân quả thì không oán trời, không trách người.
Hòa Thượng nói: “Tự tác, tự thọ”, tự làm tự chịu. Trong “Kinh Nhân Quả”, Phật nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Trước khi làm, Bồ Tát quán chiếu rõ ràng để không làm sai trái. Chúng sanh chúng ta chỉ làm theo cảm tính và tập nghiệp của mình nên tùy tiện làm ra sai phạm. Khi quả báo đến rồi, chúng sanh mới khiếp sợ, thậm chí còn oán trời trách người. Bồ Tát không sợ quả báo vì các Ngài biết nhân đã tạo thì phải vui vẻ tiếp nhận. Nợ tiền phải trả tiền, nợ mạng phải trả mạng, làm sao mà trốn được!
Chúng ta biết nhân quả rõ ràng nên không oán trách, không van xin, vì không thể van xin được. Hòa Thượng nói: “Người biết rõ ràng và thừa nhận nhân quả thì họ không oán trời, không trách người. Người thế gian oán trời trách người đã gây phiền cho họ, khiến họ khổ đau”. Tất cả đều là nhân trước quả sau. Nhân quá khứ đã tạo thì phải nhận quả báo hiện tại. Nếu không nhận quả báo trong đời này thì đời sau, đời sau nữa phải nhận, không thể tránh khỏi. Chúng sanh vui thích mà tạo tác, tùy tiện mà tạo tác, phóng túng mà tạo tác. Khi quả báo kết thành thì chúng sanh khiếp sợ, cầu xin Thánh Thần và Phật Bồ Tát nhưng Phật Bồ Tát cũng không giúp được. Hòa Thượng nói: “Thập đạo vô thần”. Mười cõi này không có vị Thần nào có đủ quyền năng ban phước hay giáng họa cho chúng ta. Chúng ta chính là vị Thần ban phước hay giáng họa cho chính mình.
Muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì phải làm theo nguyên lý nguyên tắc, làm đúng, làm đủ tiêu chuẩn để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Muốn tái sanh làm người thì phải làm theo nguyên lý nguyên tắc, làm đúng, làm đủ tiêu chuẩn để tái sanh làm người. Phật Bồ Tát đã từ bi vì chúng ta thực nghiệm, thể nghiệm, chứng nghiệm chắc chắn rồi mới nói cho chúng ta những nguyên lý nguyên tắc đó để chúng ta làm theo. Đó chính là sự từ bi của Phật, sự từ bi của Cổ Thánh Tiên Hiền.
Chúng sanh thế gian rất khờ dại. Trong “chúng sanh” có chúng ta, mỗi chúng ta đều khờ dại. Chúng ta không nhận rõ ra được đâu là thiện tri thức chân thật. Chính vì nhiều đời nhiều kiếp chúng ta lơ là qua loa cho nên chúng ta mãi trôi lăn trong vòng sanh tử. Nhiều người nói: “Làm sao con biết đó là lời của Phật nói? Làm sao con biết đó là thiện tri thức?”. Lời của Phật nói đều y theo nhân quả, y theo tự tánh, không có sự trái ngược với những điều này. Thầy tốt bạn lành không bao giờ nói “phải nghe tôi! phải làm theo tôi!” mà dạy chúng ta phải làm theo lời Phật dạy trong Kinh Pháp, phải làm theo lời dạy của người xưa. Kinh Pháp đã được các bậc Tổ Sư, Đại Đức hành trì, làm có kết quả chứ không phải là “xúc tình tác ý” (xúc động tình cảm mà tác ý).
Ngài Lý Bỉnh Nam luôn bảo những người đến với Ngài phải hướng đến Tổ Ấn Quang mà quy y và học tập. Hòa Thượng Tịnh Không thì luôn dạy mọi người hướng đến Phật, hướng đến những vị Tổ Sư Đại Đức để học tập. Các Ngài không nói mọi người phải làm theo mình, phải nghe theo mình. Thiện tri thức chân thật bảo chúng ta làm theo lời Phật dạy, hành theo Bồ Tát Hạnh. Sáu phép Ba La Mật trong Bồ Tát Hạnh là: “Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ”. Phật dạy: “Cần tu Giới, Định, Tuệ. Diệt trừ tham, sân, si”. Các vị thiện tri thức luôn bảo chúng ta nương theo lời dạy của người xưa bởi vì người xưa đã ấn chứng theo thời gian, không gian, đã công thành quả mãn, bảo đảm không sai.