182Thứ Tư, 03/11/2021, 17:51
690 · Không Có Tâm Được Mất Thì Bạn Sẽ Tự Tại

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Ba ngày 02/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 692

KHÔNG CÓ TÂM ĐƯỢC MẤT THÌ BẠN SẼ TỰ TẠI

Sở dĩ người ta không tự tại, tâm luôn vướng bận vì người ta luôn đặt sự được mất lên trên. Tâm chúng ta chỉ một lòng vì phục vụ chúng sanh, không sợ được sợ mất thì làm gì mà không tự tại! Muốn xa lìa được mất thì phải nhìn cho thấu, buông cho được. Nhìn thấu như thế nào? Trong “Kinh Kim Cang”, Phật dạy chúng ta: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Tất cả hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Ngay cái thân ta còn không có thật, không chắc nữa thì có cái gì là chắc đâu! Cho nên phải nhìn cho thấu rồi mới buông xuống được. Cái thân còn không có thì phiền não chẳng qua là vọng tưởng, chấp trước. Đã không có cái thân thì được mất càng không có.

Ta cứ cho mọi thứ là thật: “Việc này là thành quả của tôi! Tôi mới làm được thế này! Tôi mới làm được thế kia!”. Cuối cùng ta dính vào vướng mắc, khi vướng mắc mà không được ai khẳng định thì ta phiền não.

Hòa Thượng dạy: “Không có tâm được mất thì bạn được tự tại. Chỉ có tâm phụng hiến thì không có phiền não”.

Hòa Thượng dạy: “Phàm phu chúng ta sáu căn dính mắc ở trong cảnh giới sáu trần. Chúng ta ở ngay trong tất cả các cảnh duyên đều tranh danh đoạt lợi, sợ được sợ mất, khi không được thì tính trăm phương ngàn kế để có được, nhưng khi có được thì lại lo sợ nó sẽ bị mất đi. Bạn thử nghĩ xem, con người như vậy thì làm sao mà tự tại được, con người như vậy thì làm sao mà không khổ đau được!”

Ta tu hành thì phải tìm cách để cho tâm ta càng lúc càng thanh tịnh, chứ không phải là để cho danh tiếng, tên tuổi của ta ngày một lên cao. Tên tuổi danh tiếng lên cao là chuyện của thiên hạ, người ta tranh giành nhau những thứ đó là chuyện của người ta. Chúng ta phải như câu nói của người xưa: “Ta vẫn là ta từ thuở nào, từ thời xưa ấy đến ngàn sau”. Đó là tâm cảnh tự tại của tự tánh.

Dính mắc thì phiền não. Cho nên nhìn phải được thấu thì mới buông được xuống, nhìn chưa thấu là chấp trước, dính vào được mất, thành bại, hơn thua tốt xấu, vậy thì ta cả đời này không tự tại, chứ đừng nói đời sau có thể được tự tại. Đa phần người ta học Phật để mong được phước, được tai qua nạn khỏi, khỏe mạnh, sống lâu. Chúng ta không cần nghĩ tới những thứ đó vì chúng ta đã hiểu được “người phước ở đất phước, đất phước chỉ dành cho người phước”. Người có phước thì tự tại, tất cả mọi thứ tự nhiên đầy đủ, người phước không bị đói.

Cách đây mấy năm, tôi có chuyến đi công tác. Trước khi đi tôi đã cho hết toàn bộ gạo, mỳ và thức ăn vì sợ đi lâu đến khi quay về thì thực phẩm sẽ bị hỏng. Khi tôi trở về, trong nhà không có một chút đồ ăn nào. Nhà tôi cách chợ 7 – 8 cây số, lúc đó tôi không tiện đi chợ. Tôi đang nghĩ “bữa nay mình sẽ ăn gì?” thì bỗng nhiên có một người mang rau đến cho. Tôi thấy lạ vì người này cả năm tôi cũng không gặp mặt. Tôi đem rau đi luộc được bát nước canh và chấm rau ăn với nước tương.

Phật dạy: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. “Tiền định” không phải là do Trời định, Phật định mà là do phước báu trong vận mệnh của chúng ta đã định sẵn. Chúng ta chỉ cần phát tâm một lòng hướng đạo, “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh” thì chúng ta không cần phải lo cơm áo gạo tiền vì Phật sẽ lo. Trước đây tôi không tin điều này, nhưng dần dần tôi dịch đĩa Hòa Thượng và ngày càng tin sâu. Hòa Thượng nói: “Nếu quý vị hỏi tôi có gì chướng ngại không, tôi xin nói cho quý vị biết: Tôi không có gì chướng ngại hết, cả đời tôi là tâm tưởng sự thành”. Ngài tâm tưởng sự thành bởi vì Ngài không nghĩ cho mình mà chỉ nghĩ cho chúng sanh. Ngài muốn xây dựng Trung tâm Giáo dục Đệ Tử Quy, mới vừa nghĩ đến thì có người mang tiền đến để xây dựng một Trung tâm rộng lớn. Ngài vừa mới nghĩ đến việc in khoảng 100 Bộ “Kinh Địa Tạng” thì có người mang tiền đến để in Kinh.

Điều quan trọng là chúng ta có vì chúng sanh hay không. Phật chỉ thành tựu việc tốt cho người, không thành tựu việc xấu cho người. Cho nên chúng ta không cần đi tranh danh đoạt lợi. Chúng ta cứ tích cực làm việc lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng và cứ làm tròn mọi trách nhiệm trong vai trò của mình. Làm con phải làm tròn trách nhiệm của người con hiếu thảo, làm Thầy Cô giáo phải làm tròn trách nhiệm của người Thầy Cô giáo, làm học trò phải làm tròn trách nhiệm của người học trò. Chúng ta làm tròn tất cả mọi vai trò trách nhiệm của mình thì chúng ta có phước. Người xưa dạy: “Người phước ở đất phước. Đất phước dành cho người phước ở”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook