257Thứ Năm, 28/10/2021, 15:22

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Năm ngày 28/10/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 687

NGƯỜI GIÁC NGỘ THÌ TÂM BÌNH KHÍ HÒA - HỌ THẬT TỰ TẠI

Bài này Hòa Thượng muốn nhắc chúng ta: Người tu hành chân thật có công phu tỉnh giác, công phu phản tỉnh thì họ đạt được tâm bình, khí hòa. Tâm bình, khí hòa rồi thì họ tự tại, an vui. Cho nên người học Phật là người phải giác ngộ, có nghĩa là lúc nào cũng ở trạng thái tỉnh thức, trạng thái phản tỉnh. Người tâm bình khí hòa thì đối với mọi hoàn cảnh không có chướng ngại. Khi có chướng ngại là trong tâm chúng ta chướng ngại chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Con người đầy tự tư, tự lợi, đầy tham, sân, si, ngạo mạn nên không bao giờ hết chướng ngại. Khi tâm chúng ta không còn chướng ngại thì mọi việc bên ngoài không tác động được đến chúng ta.

Ngoại cảnh bên ngoài cũng là thắng duyên. Nhiều người tìm cách xa lánh chốn ồn ào, tìm nơi tịnh tĩnh. Bớt đi sự ồn ào, bớt đi sự cám dỗ thì tâm chúng ta an ổn hơn nhưng chúng ta phải biết rõ chướng ngại đến từ tâm chứ không phải đến từ ngoại cảnh. Các vị Tổ Sư Đại Đức tìm đến am tranh, nơi tịnh tĩnh để không bị mọi người đến làm phiền. Một ngày có nhiều người đến thăm hỏi rất phiền não. Hiện nay, không ai được phép vào thăm hỏi Hòa Thượng. Các thị giả đều là những người tịnh tu, âm thầm lặng lẽ, cứ đúng giờ thì đổi ca để hộ pháp cho Ngài. Kể cả trước đây, nếu thấy Hòa Thượng đi đến thì mọi người đứng lại chờ Ngài đi qua, Ngài có sai bảo gì thì lắng nghe và làm theo. Chúng ta thăm hỏi toàn là mang tới phiền não, vọng tưởng. Khi tôi nghe điện thoại thì câu đầu tiên mọi người hỏi tôi có khỏe không, câu thứ hai là họ bắt đầu đem “rác” trút vào tôi.

Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ tâm bình, khí hòa. Tâm bình khí hòa thì không có chướng ngại. Tâm không bình, khí không hòa, cho dù chúng ta đi gặp Phật thì Phật cũng không giải quyết được”. Trong nhà Thiền có câu chuyện Thần Quang gặp Tổ Sư Đạt Ma. Thần Quang nói: “Xin Ngài làm cho con an tâm, tâm của con quá xao động”. Tổ Đạt Ma nói: “Hãy đưa tâm ra đây để ta an cho!”. Ông bình lặng, quán sát hồi lâu thì không thấy tâm ở đâu. Ông nói với Tổ rằng: “Thưa Ngài, con không thấy tâm con ở đâu”. Tổ Đạt Ma nói: “Ta đã an tâm cho con rồi đó”.

Người giác ngộ luôn tỉnh thức, phản tỉnh, kiểm soát khởi tâm động niệm của mình. Những người lăng xăng khi nói chuyện tôi cắt ngay cuộc nói chuyện với họ, bởi vì lúc đó họ không được lợi ích, chính mình cũng không có lợi ích. Chúng ta cần hiểu: Khi tâm bình, khí hòa thì ở trong mọi hoàn cảnh đều như vậy, đó mới là công phu chân thật của chính mình. Có nhiều người lầm tưởng chí mạng, tôi không định nói nhưng hôm nay phải nói. Nhiều người họ công phu được 17 đến 18 giờ mỗi ngày, họ rất an lạc, nhưng rời công phu thì phiền não y như cũ. Đó là công phu thật hay giả? Họ ở trong trạng thái khinh an là do ma hỗ trợ. Bởi vì khi chúng ta niệm Phật, ma trú vào cũng được an ổn. Trạng thái này nhiều người không nhận ra được. Tại sao mình thấy đó là không thật, vì tự tánh là thanh tịnh, khi trở về được thanh tịnh thì đối diện với hoàn cảnh nào cũng an lạc. Làm gì có chuyện rời công phu lại đầy phiền não, nhìn thấy mọi người đầy lỗi. Trong tâm chúng ta còn có chướng ngại thì khi rời công phu sẽ có chướng ngại, đó không phải là công phu thật. Đây là tầng công phu cao rồi.

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát vô địch nhân”. Phật Bồ Tát không có kẻ thù, không có người đối địch. Vậy chúng ta tu hành thế nào mà xung quanh đều là những người chướng mắt, người này tu dở, người kia xen tạp, phan duyên. Khi chúng ta rời thời khóa tu thì tất cả tập khí y như cũ, thử nghĩ xem công phu đó là thật hay giả? Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn dĩ thanh tịnh”. Nếu quay về với tự tánh rồi thì 18 giờ ngồi trong Điện Phật đường hay trong hội trường cũng như nhau. Đó mới là công phu chân thật!

Ngài Bảo Chí Công ngồi với nhà vua xem biểu diễn hát kịch. Tâm của Ngài luôn không rời “Đạo”, luôn ở trong trạng thái chánh niệm, luôn tỉnh giác, không chạy theo thế giới muôn màu ở bên ngoài. Nhà Vua hỏi: “Ngài xem biểu diễn có thấy hay không?”. Ngài trả lời: “Tôi không biết”. Nhà vua rất ngạc nhiên. Trước màn biểu diễn múa hát tưng bừng của các mỹ nữ mà Ngài cũng không động tâm. Ngài Bảo Chí Công nói với nhà vua: “Ngày mai, Bệ Hạ hãy cho một tử từ xem biểu diễn, trên đầu đội một thau nước. Nếu thau nước bắn ra một giọt nước thì người tử tù đó sẽ bị chém chết”. Hôm sau, nhà Vua làm đúng như vậy. Sau khi người tử tù xem múa hát, nhà Vua hỏi người tử từ: “Tiết mục này có hay không?”. Người tử tù nói: “Thưa Bệ Hạ, con chỉ lo giữ thau nước mà còn không xong cho nên không còn tâm cảnh để xem múa hát”. Nhà vua đã hiểu ra: Một người luôn lo cho sinh tử thì không còn tâm rảnh để mà mà quan tâm đến chuyện khác.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook