259Thứ Tư, 27/10/2021, 15:00

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Tư ngày 27/10/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 686

PHẬT DẠY TA, KHÔNG PHẢI DẠY NGƯỜI KHÁC

Khi chúng ta tiếp nhận giáo huấn của Phật, khi đọc Kinh sách, những lời giáo huấn của Phật trong Kinh là dạy chính ta, chứ không phải dạy ai khác. Chúng ta cảm nhận đó là lời dạy chính mình thì mới thật làm và làm một cách nghiêm túc. Nếu ta cho rằng Phật dạy người khác, dạy người mới tu, dạy người mới học, còn chúng ta là người đã tu học lâu rồi, đó là ý niệm vô cùng sai lầm.

Thái thú Bạch Cư Dị nghe đến danh tiếng, đạo hạnh của Ngài Ô Sào Thiền Sư liền băng rừng vượt suối lên tận núi cao để tìm gặp, mong được tiếp nhận sự uyên thâm nhất của Phật Pháp. Khi đến nơi, ông hỏi: “Thưa Ngài, thế nào là cốt tủy của Phật pháp?”. Ông không ngờ Thiền Sư trả lời: “Đừng làm các việc ác, vâng làm các việc lành, giữ tâm mình trong sạch”. Thái Thú Bạch Cư Dị không những không vui mà còn trách: “Tôi trèo đèo lội suối đến đây để nghe những tinh túy của Phật pháp, vậy mà Ngài chỉ nói cho tôi nghe những lời con nít cũng biết!”. Thiền Sư trả lời: “Trẻ nhỏ 3 tuổi cũng biết, nhưng lão ông 80 tuổi chưa chắc đã làm được”. Đây là sự khai thị cho chúng ta, là tâm cảnh của tất cả chúng ta.

Mỗi người học Phật chúng ta cần ghi nhớ: Chính mình đọa lạc, cũng chính mình giải thoát. Sự đọa lạc hay giải thoát là việc của riêng mình, không liên quan đến người khác. Phật dạy chính chúng ta phải thật làm, người khác có thật làm hay không là việc của họ, không liên quan đến mình.

Thầy Tịnh Sang ở Tây Ninh thời gian qua đã phát tâm chăm sóc và dạy dỗ một số các con học sinh. Các con khỏe mạnh, thành tích học tập rất tốt, biết nghe lời, ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết nhiều kỹ năng làm việc. Hôm qua, Tịnh Sang nói chuyện với tôi rất lâu. Một số người đến nói với chú ấy rằng: “Anh đã sai lầm! Anh nên trả những đứa trẻ đó về với Bố Mẹ của chúng để lo niệm Phật vãng sanh. Thầy Vọng Tây làm giáo dục là duyên của Thầy, còn chúng ta không có duyên đó!”.

Họ ngày ngày đi hộ niệm, khuyên người niệm Phật nhưng bản thân không hiếu thảo Cha Mẹ, không quan tâm đến đối nhân xử thế. Gia đình của họ không êm ấm mà rất nhiều chuyện phức tạp. Tôi bảo chú Tịnh Sang nói với họ: “Kính chúc mọi người thanh tịnh niệm Phật vãng sanh. Tôi nguyện một đời này vì mọi người làm giáo dục, xin một đời này đọa lạc. Đừng ai làm phiền tôi nữa!”.

Chúng ta làm những việc đáng làm, cần làm, nên làm, vì lợi ích chúng sanh mà làm. Mọi người thấy tôi có bỏ tu không? Tôi có chìm trong danh vọng lợi dưỡng không? Tôi có tự tư tự lợi không? Tôi đã buông xả, đã gỡ sẵn hết mọi vướng mắc để lúc nào cần ra đi thì ra đi. Có thể lát nữa tôi ra đi, hoặc ngày mai, hoặc năm sau, hoặc 10 hoặc 20 năm sau, tất cả tôi đều phó thác cho Phật A Di Đà. Lúc nào Phật bảo tôi đi thì tôi đi.

Trong buổi học online “Học tập chuẩn mực của người xưa để dạy con” vào tối thứ Hai hàng tuần, tôi hết sức cảm động khi nghe một chị ở bên Mỹ chia sẻ rằng con trai chị mong muốn đưa giáo dục đạo đức vào nhà trường. Một thanh niên sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ mà còn có tư tưởng phát huy văn hóa truyền thống thì rất tuyệt vời. Vì đâu mà bạn ấy có được tư tưởng đó? Tôi đề xướng phát huy Văn hóa Truyền thống, ngày ngày vẫn tu tập, ngày ngày niệm Phật, ngày ngày bố thí, tôi dám chểnh mảng sao!

Từ lúc chưa hình thành những buổi lễ tri ân Cha Mẹ, chưa có những lớp học Văn hóa Truyền thống, chưa có những lớp học để giáo dưỡng các con cho đến tận bây giờ, khi mà các hoạt động đã hình thành và phát triển tốt, tôi có bỏ tu ngày nào không? Trong suốt quá trình học tập 700 chuyên đề vừa qua, ngày nào tôi cũng đúng giờ, không trễ nải. Sau khi đọc bài xong, tôi lạy Phật, niệm Phật, tới giờ thì học tập một cách nghiêm túc. Sau đó tôi đi trồng rau và thu hoạch rau để tặng mọi người.

Chú Tịnh Sang nói: “Mỗi ngày chúng con ra vườn rau, cắt rau tặng mọi người thì vui không gì bằng!”. Thầy trò họ chỉ ăn rau xấu, mang rau tốt đi tặng người khác. Tôi cũng làm như vậy, tặng cho người rau tốt, còn mình ăn rau xấu hơn. Vậy mà họ nói với chú ấy rằng: “Huynh đừng có cho tặng nhiều như vậy! Huynh sống tình cảm quá không được!”. Người ta không có niềm vui đó, không có tâm cảnh đó. Thầy Tịnh Sang đã dạy ra những đứa con ngoan hiền như vậy mà họ bảo phải trả những đứa trẻ đó về. Tâm từ bi của họ ở đâu? Họ sống bất chấp, không biết Cha Mẹ là ai, tình người cũng không có thì làm sao trở thành Bồ Tát Tây Phương Cực Lạc!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook