283Thứ Ba, 26/10/2021, 10:30

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Ba ngày 26/10/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 685

“KHÔNG ĐỂ KHỞI TỨC GIẬN – NHẤT ĐỊNH PHẢI KIỀM CHẾ”

Phàm phu chúng ta đa phần làm theo tập khí phiền não của chính mình. Chúng ta rất dễ khởi tức giận, năng lực kiềm chế rất kém. Đa phần chúng ta cứ để cho tức giận khởi lên, hoành hành, phát tác, tạo nghiệp rồi chúng ta mới nhận ra. Nhận ra quá muộn màng! Khởi ý niệm, hành động tạo tác đã trở thành nghiệp thì làm sao mà thoát khỏi nghiệp.

Bài học hôm nay, Hòa Thượng dạy chúng ta: “Phải có năng lực kiềm chế, không để khởi tức giận”.

Nhà Phật có câu:

“Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai.

Nhất niệm sân tâm khởi, tiên đọa luân hồi”.

Khi một niệm sân khởi lên, nhiều tập khí xấu xấu ác khác cũng ùa lên, chúng ta lập tức rơi vào vòng luân hồi. Ngọn lửa sân nổi lên, thiêu đốt rừng công đức. Công đức là tâm thanh tịnh. Chúng ta cứ nghĩ công đức của mình rất lớn, nhưng hễ khởi tức giận thì bao nhiêu công đức bị thiêu đốt hết. Phước đức thì còn, mà công đức thì không còn. Khi nào tâm chúng ta thanh tịnh thì mới có công đức, tâm chưa thanh tịnh thì chưa có công đức. “Công đức” mới giúp chúng ta thoát sanh tử, “phước đức” thì không thể. Trong “công đức” có “phước đức”, trong “phước đức” không có “công đức”.

Người ngày nay đa phần cứ làm được một việc gì tốt, cho ai cái gì thì cứ nghĩ là công đức vô lượng vô biên. Vậy thì sai rồi! Công đức dễ tạo nhưng dễ mất. Chỉ cần một niệm sân khởi lên thì chúng ta đã đánh mất tâm thanh tịnh của mình. Oan gia trái chủ của chúng ta muốn hại chúng ta rất đơn giản. Lúc chúng ta sắp lâm chung, họ đến chọc giận chúng ta. Chỉ cần chúng ta khởi lên tâm sân hận thì tâm thanh tịnh tan biến. Cho nên khoảng thời gian khỏe mạnh này là lúc chúng ta phải rèn luyện để mình có sức định, có sự kiềm chế.

Cách tốt nhất để kiềm chế tâm sân hận là chúng ta chuyển đổi ý niệm:

⮚ Khi người ta đến hại mình khổ đau đến cùng tận thì chúng ta nghĩ rằng họ không được học giáo huấn của Phật Bồ Tát, không được học giáo huấn của Thánh Hiền cho nên như vậy. Chúng ta đã học rồi mà còn chưa tốt được thì huống gì họ chưa được học.

⮚ Trong quá khứ, chúng ta đã hại họ thảm hại hơn, hại họ lên bờ xuống ruộng, chết không được, sống không xong. Chúng ta hại họ nhà nát mạng vong, tan nhà nát cửa. Chúng ta đã lấy mạng của họ mà họ còn từ bi chưa lấy mạng của chúng ta.

⮚ Họ rất từ bi. Họ chờ đến lúc chúng ta biết tu, biết chuyển hóa, biết tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền, giáo huấn của Phật Bồ Tát mới đến đòi nợ. Ta hại họ khi họ chưa biết giáo huấn của Phật Bồ Tát, chưa biết giáo huấn của Thánh Hiền. Vậy ai từ bi hơn ai? Hòa Thượng nói: “Oan gia trái chủ họ từ bi hơn mình nhiều. Họ đến tìm mình chẳng qua để nhắc nhở mình tiến đạo”. Nếu không có sự nhắc nhở của họ thì chúng ta mãi chạy theo danh vọng lợi dưỡng, chìm đắm trong năm dục sáu trần, tham sân si mạn.

Khi chuyển đổi ý niệm như vậy thì tâm sân hận của chúng ta tan biến, cơn thịnh nộ sẽ không phát khởi mà nhanh chóng lắng dịu. Khi chúng ta chuyển đổi ý niệm, không những chúng ta không tạo nghiệp mà chúng ta còn có cơ hội tiến đạo. Sáng nay tôi lạy Phật, tôi cũng có ý niệm như vậy. Bệnh khổ cứ bám riết đã nhắc nhở tôi rằng: Con đường giải thoát mới là quan trọng. Ta cứ mải lo thế sự, mải lo làm việc tốt, cuối cùng trở thành người tốt nhiều chuyện. Vậy thì “đáng sanh tử như thế nào vẫn sanh tử như thế đó, đáng đọa lạc như thế nào vẫn đọa lạc như thế đó”.

Tất cả mọi hoàn cảnh đều là để chúng ta khởi tâm tri ân, đều nhắc nhở chúng ta tu tập. “Tu tập” không phải là ngồi thời khóa, mắt lim dim, tụng Kinh gõ mõ. “Tu tập” là luôn luôn kiểm soát dòng tư tưởng của mình, luôn luôn kiểm soát tập khí phiền não của mình, không cho tập khí dấy khởi, vượt rào. Không cho tập khí xấu ác sai khiến là tu hành. “Tu” là sửa, “hành” là hành trì. Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát.

Phật dạy: “Tham là ngã quỷ, sân là địa ngục, si là súc sanh”. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta: “Cần tu Giới, Định, Tuệ. Diệt trừ Tham, Sân, Si”. Phật không dạy chúng ta đổi đối tượng, nhưng chúng ta đa phần đổi đối tượng tham. Chúng ta không tham cái này thì tham cái khác, tâm tham vẫn diễn biến. Từ xưa đến nay, đối với chuẩn mực thì tôi mới dùng từ “phải”, phải như thế này, phải như thế kia. Đối với việc phát triển Hệ thống thì tôi dùng chữ “tùy”, không dùng chữ “phải”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook