228Thứ Hai, 25/10/2021, 06:54

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng Chủ Nhật, ngày 24/10/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 683

“DÙNG VỌNG TÂM SẼ GIÀ, DÙNG CHÂN TÂM THÌ KHÔNG GIÀ”

Trong chuyên đề này, Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại nhiều lần dạy bảo chúng ta “Phải dùng chân tâm, không nên dùng vọng tâm”. Vì sao Ngài phải nhắc đi nhắc lại vấn đề này nhiều lần như vậy? Vì phần nhiều chúng ta chỉ dùng hư tình giả ý, dùng vọng tâm chứ không dùng chân tâm. Chân tâm cũng có đề khởi nhưng chỉ thoáng qua chốc lát, hay chỉ thời gian ngắn mà không thường hằng. Cho nên có nhiều người đôi lúc cũng đề khởi được, tưởng còn nhưng đã mất từ lâu, còn lại chỉ là giả chân, giả nên mới thường thay đổi. Cái thật đã hiển lộ rồi thì không bao giờ mất.

Chúng ta phải biết rằng chỉ có Bồ Tát mới dùng được chân tâm, ngay cả A La Hán, Bích Chi Phật vẫn chưa hoàn toàn dùng được chân tâm. A La Hán là “Tứ Thánh quả”, là “Lậu tận thông”, không còn sanh tử nữa, thế nhưng vẫn chưa trở về thân tâm chân thật. Ngài nói vậy để chúng ta hiểu được rằng đừng tưởng mình đã dùng được chân tâm, rồi tự lừa dối chính mình. Tập khí phàm phu chúng ta rất sâu nặng, biến hình trong rất nhiều trạng thái khác nhau mà mình không nhận ra. Ban đầu những khởi tâm động niệm của chúng ta tưởng chân thật vì chúng sinh mà làm, mà lo nghĩ nhưng cuối cùng rồi “cái của ta”, vì “ta” len lỏi trong đó. Nếu chân thật vì chúng sinh thì không có phiền não, Phật Bồ Tát chân thật vì chúng sinh nên không có phiền não. Chúng ta làm hơn phân nửa là có “ta” trong đó nên mới có phiền não.

Hòa Thượng nói: “Suốt ngày bận rộn, tất bật nhưng vì chúng sinh mà lo nghĩ. Làm mà không thấy mình làm, không làm nhưng đang làm, đang làm như không làm”. Tất cả mọi việc đều vì chúng sanh mà làm, không có “ta” trong đó. Có phiền não, ưu tư, lo buồn, là ai lo buồn? Chính là “ta”! Có “ta” nên mới có ưu tư, phiền não. Vì sợ được hay mất, thành hay bại nên chúng ta mới lo buồn.

Chúng ta phải hiểu chính mình đang phàm phu nên chắc chắn tập khí sẽ mai phục sẵn, nên không bao giờ tin tưởng nó. Biết rõ “tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, năm dục lục trần, tham sân si mạn” đang nằm sẵn trong chúng ta. Không nên nghĩ chúng ta tu lâu rồi thì không còn những thứ này, chỉ là đang ẩn mình mà thôi. Đó là suy nghĩ sai lầm! Phật nói: “Bao giờ các ông là A La Hán thì mới tin vào chính mình, nếu chưa phải là A La Hán thì đừng tin vào chính mình!”.

Có nhiều người nghĩ mình đã vượt qua nhiều thứ nên đã ổn lắm rồi. Nhưng thực tế gần sắc dính sắc, gần danh dính danh, gần ăn dính ăn, gần ngủ dính ngủ, gần lợi dính lợi. Cho nên đừng vội tin mình. Trước đây tôi khuyên mọi người tốt nhất đừng bao giờ cho mình có cơ hội tiếp xúc gần với những thứ đó, phải tạo khoảng cách xa ra.

Ngày xưa, có một người sếp của tôi ăn chay trường, tu hành rất nghiêm túc, nhiều năm không gần gũi vợ, con lớn hết rồi. Ông tu lâu năm nên nghĩ rằng mình cũng ổn. Sau đó ông tìm một người giúp việc quê lên, biết nấu đồ chay, đi đâu cũng mang cô ấy theo để nấu đồ chay cho ông ăn. Một thời gian sau người giúp việc đó có bầu, có con, chẳng những một đứa mà hai năm sau thêm một đứa nữa. Lúc đó người vợ lớn tuổi và thậm chí những người xung quanh cũng không hiểu tại sao. Bản thân ông cũng biết lỗi của mình, tất cả tài sản ông để lại cho vợ con hết và ra đi tay không, gây dựng lại sự nghiệp từ đầu. Đây là một người trường chay nhiều năm, dụng tâm tu hành cũng rất tốt mà còn dính mắc như vậy. Cho nên chúng ta phải biết mình là một phàm phu, vẫn đang là một phàm phu, vậy thì không để có cơ hội tiếp cận. Vì nếu có cơ hội thì gần thứ gì sẽ dính thứ đó.

Có một người rất lớn tuổi rồi mà chỉ muốn cưới một cô bé còn trẻ, sau khi cưới xong thì chết. Đây cũng là người có nhiều năm tu hành. Trong phần “Chính tín” của Tịnh Độ có một câu chuyện về người cha niệm Phật. Ông viết di chúc dặn con: “Cha cả đời tu hành, trường chay, giữ giới. Nếu lúc sắp chết cha làm gì sai trái với việc tu hành thường ngày thì phải đập chết đi, đừng có chiều, vì đó không phải là cha”. Chúng ta thấy họ xác quyết và nhìn xa trông rộng như vậy. Cho nên mỗi chúng ta hàng ngày quen dùng vọng tâm. Chúng ta dùng cách này, cách nọ để hợp lý hóa vọng tâm thành chân tâm. Đó chính là đang hại mình, phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Nếu thấy đó là vọng tâm thì phải kiểm soát và dừng lại ngay, không dùng cách để che đậy. Giống như bầy ngựa hoang thả ra rồi tìm cách bắt lại chắc chắn rất khó.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook