Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Bảy ngày 23/10/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 682
TU HÀNH PHẢI LẤY ĐÂY LÀM TIÊU CHUẨN
Tiêu chuẩn Hòa Thượng muốn nói chính là chư Phật Bồ Tát, các bậc Tổ Sư, Đại Đức. Đó là tiêu chuẩn. Các Ngài một mặt đã tu hành chứng đắc, một mặt đã trải qua không gian, thời gian minh chứng, đã chứng thực cho chúng ta cho nên không thể sai được. Nếu chúng ta lấy một ai đó làm tiêu chuẩn, hiện tại có thể rất tốt nhưng rồi đây có sai sót thì sao, vì chưa được trải qua thời gian, không gian chứng minh. Phải được trải qua thời gian, không gian chứng minh mới được chứng thực. Hiện tại cho dù người đó rất nổi tiếng, làm việc lợi lạc chúng sanh nhưng chưa chắc là chuẩn mực. Hòa Thượng nói: “Tiêu chuẩn chư Phật Bồ Tát, các bậc Tổ Sư, Đại Đức đã được minh chứng, đã trải qua thời gian, không gian ”.
Người xưa định nghĩa thế nào gọi là “Phật ?”. Một người mà tư cách, hành vi, sự nghiệp đều làm mô phạm, chuẩn mực cho thế nhân thì được gọi là Phật. Phật không phải là một vị Phật nhất định nào đó như Thích Ca Mâu Ni Phật hay Phật Di Đà mà người nào đạt tiêu chuẩn như đã nói ở trên thì được gọi là Phật. Mỗi chúng ta đều có khả năng, đều có năng lực làm Phật. Cho nên, Nhà Phật là giáo dục, là giáo học chứ không phải mê tín, không phải cầu cúng, van xin, nịnh hót, bợ đỡ. Mỗi chúng ta đều nằm trong quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian này cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng sinh ra, lớn lên, già, rồi cũng ra đi. Sinh, lão, bệnh, tử không thể thay đổi.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay chúng ta lạy Phật để mong cầu sự gia trì, bảo hộ của Phật. Lời của Phật dạy chính là gia trì, lời của Phật dạy chính là sự bảo hộ. Phật gia trì cho chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta tường tận mọi sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta. Đó là gia trì, bảo hộ”.
Ngài còn nói “Giữa thế gian loạn động, đầy sự bất an, đầy sự tham dục sai khiến, nếu chúng ta muốn sự bình an thì chúng ta tuân thủ lời của Phật dạy, giữ cho, luôn kiểm soát mình không loạn động giữa sự bất an thì chúng ta an ổn giữa những người không an ổn”.
Họ không an ổn, luôn cảm thấy bất an, nhưng chúng ta an ổn, bởi vì chúng ta kiểm được soát dục vọng và tập khí của mình. Phật dạy chúng ta hàng ngày phải luôn luôn kiểm soát mọi khởi tâm động niệm của chính mình. Phải tỉnh thức, cảnh giác nhận ra lỗi lầm của chính mình chứ không phải là nhận ra lỗi lầm của người khác. Đó là một điều sai phạm vô cùng nghiêm trọng ở mỗi chúng ta. Tu hành là ngày ngày kiểm soát khởi tâm động niệm và lỗi lầm của chính mình. Tu hành không phải là ngày ngày đọc tụng mấy bài Kinh cho Phật nghe, nhưng tập khí phiền não vẫn hiện hành, không những gây phiền cho mình mà còn gây phiền não cho người khác.
Ngày nay chúng ta mong cầu sự gia trì, bảo hộ của Phật. Lời của Phật dạy chính là gia trì, lời của Phật dạy chính là bảo hộ. Chúng ta đem lời giáo huấn của Phật soi rọi, áp dụng trong đối nhân xử thế, đối người tiếp vật để luôn phản tỉnh, kiểm soát bản thân thì mọi việc luôn đạt được sự chừng mực. Không để đến lúc bị sai rồi mới nhận ra rồi bất an, rồi đi sám hối. Chúng ta không tạo ác nghiệp thì sẽ được bình an.
Chỉ có Hòa Thượng mới giải thích như vậy để chúng ta hiểu đúng. Người ta lừa dối mình thì chúng ta cũng lấy đó để lừa dối mình, tự cảm thấy an ổn. Nghĩ rằng mình được bình an vì được Phật bảo hộ, che chở, trong khi đó tâm hồn vẫn loạn động, làm theo sai xử của tập khí phiền não thì không thể an được. Pháp sư Định Hoằng nói “Phép Tắc Người Con” chính là cảnh giới của “Kinh Hoa Nghiêm”. Chúng ta dùng tâm rộng lớn quán chiếu sẽ thấy “Phép Tắc Người Con” rộng lớn vô cùng tận. “Cha Mẹ gọi, trả lời ngay”. Trong nhà có Cha Mẹ, ngoài có hàng xóm, có Quốc gia, các vị lãnh đạo, Thầy Cô, trên còn có Phật Bồ Tát, các vị Thánh Thần. Vậy đi thưa về trình không chỉ có Cha Mẹ.
Lời giáo huấn của Phật chính là sự bảo hộ và sự gia trì. Chúng ta áp dụng lời giáo huấn của Phật vào đời sống hàng ngày trong đối nhân xử thế, tiếp vật đều có chừng mực và kiểm soát thì không làm gì sai. Như vậy sẽ có được bình an trong hiện tại cũng như trong tương lai. Vì chúng ta không tạo nghiệp ác nên không phải nhận quả ác. Ngược lại, nhiều người cứ tưởng cúng Phật trái cây, thắp nén nhang là được Phật gia trì. Nhưng tập khí thì không sửa đổi, vẫn còn nguyên thì không thể có sự bình an trong hiện tại, tương lai còn thê thảm hơn.