269Thứ Năm, 14/10/2021, 16:09

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 673

 “CHÚNG TA CÙNG HỌC VỚI PHẬT, HỌC CÁI GÌ?”

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô,

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 14/10/2021.

********************************

Phật là giác ngộ. Vậy chúng ta học Phật là học sự giác ngộ! Muốn có giác ngộ thì chúng ta luôn ở trạng thái tỉnh thức, nói dễ hiểu hơn là chúng ta luôn ở trạng thái kiểm soát. Kiểm soát ngay trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế, đối người tiếp vật hàng ngày, đó là đang ở trong trạng thái giác ngộ.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay chúng ta học Phật là học điều gì? Chính là học sự giác ngộ”. Học Phật quan trọng nhất là học “đại trí, đại giác” của Phật. Muốn học được “đại trí, đại giác” của Phật cần phải dùng “TÂM CHÂN THÀNH, TÂM THANH TỊNH, TÂM BÌNH ĐẲNG, TÂM CHÁNH GIÁC, TÂM TỪ BI” thì chúng ta mới tiếp cận được. Dùng năm tâm này để chúng ta đối nhân xử thế, tiếp vật thì chúng ta mới tiếp cận được “đại trí, đại giác” của Phật. Nếu ta dùng tâm khác thì vĩnh viễn chúng ta không bao giờ có cơ hội tiếp cận!

Cho nên Hòa Thượng nói: “Tu hành, học Phật của mỗi người chúng ta luôn luôn phải ở trong trạng thái tỉnh thức, có nghĩa là luôn ở trong trạng thái phản tỉnh. Không phải cứ quy định ra thời khóa sáng tối thì cho rằng đó là thời gian tu, kiểm soát mình. Bạn nghĩ vậy là sai rồi! Một ngày có 24 giờ mà bạn chỉ có 2 giờ tỉnh thức, vậy 22 giờ còn lại bạn sống trong mê mờ”. Lúc chúng ta ngồi đó để nhận lỗi, quán chiếu thì lỗi đã xảy ra rồi. Phải nhận ra khi tập khí, thói xấu vừa phát khởi thì mới ngăn chặn được, không thể để nó phát tác dẫn tới hành động. Để tập khí dẫn đạo trong hành động tạo tác và kết thành quả rồi mới nhận ra thì đã quá muộn, lúc đó là nhận quả báo.

Cho nên Hòa Thượng dạy chúng ta: “Người học Phật quan trọng nhất là học sự tỉnh thức vô cùng nhạy bén của Phật. Đó gọi là “đại trí, đại giác”. Dùng tâm “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh giác, Từ Bi” để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong đối người tiếp vật thì dần dần tiếp cận được Đại trí, Đại giác của Phật”. “Đại trí, đại giác” có đầy đủ trong mỗi chúng ta. Tiếp cận “đại trí, đại giác” là tiếp cận được Phật nơi tự tánh của mỗi chúng ta chứ không phải ở đâu xa.

Hiện tại thế gian này phần đông mọi người ngay đến cả ý niệm thiện cũng không có. Chân thật là như vậy! Chúng ta muốn sống trong một bầu không khí tràn đầy sự yêu thương, quan tâm, hy sinh phụng hiến đối với người khác tưởng dễ làm sao? Khó lắm! Không dễ gì lấy được của người đưa về làm của mình, huống chi là những thứ họ vô cùng yêu thích. Đó là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, khi chúng ta làm những thứ nhỏ nhặt như hái một trái ớt, lấy một xe đất chẳng hạn, chẳng lẽ pháp luật đến trừng trị? Nên nhớ, tuy pháp luật không chạm đến nhưng có luật nhân quả vô hình tác động tới. Cổ nhân từng nói: “Vật phi nghĩa bất thủ - Vật trái đạo lý thì không lấy. Nhơn phi nghĩa bất giao - Người không có đạo đức thì không kết giao”. Người ngày xưa họ luôn có cảnh giác cao độ. Nếu không phải vật của mình thì không lấy khi không được sự cho phép.

Chúng ta sống trong thế giới này, bên trong có phiền não, có tập khí, bên ngoài có ác duyên, năm dục sáu trần, danh vọng lợi dưỡng mê hoặc. Cho nên tâm của chúng ta không chân thành, không thanh tịnh, không chánh giác, không từ bi. Hòa Thượng đã phân tích rất rõ đoạn này cho chúng ta. Bên trong có tập khí phiền não, bên ngoài thì có mê hoặc, ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng rất phiền phức. Chúng ta có sự tiếp nhận giáo huấn của Phật biết đó là phiền phức. Chúng ta đã hiểu thì được cho những thứ đó cũng không nhận. Nhưng người thế gian thì khi nào rơi vào phiền phức mới kêu trời. Người ta thì làm sao cho thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng. Khi tiếp cận với những người sống danh vọng lợi dưỡng, chúng ta sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Họ rất sợ mất đi địa vị danh vọng lợi dưỡng của mình, luôn tìm mọi cách để có được và giữ bằng được, rất là khổ! Như vậy thì làm sao mà đề khởi được tâm Chân thành - Thanh tịnh - Bình Đẳng - Chánh giác - Từ bi. Không bao giờ!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook