173Chủ Nhật, 24/10/2021, 17:49

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Tư ngày 13/10/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 672

KHÔNG ĐỂ VỌNG NIỆM NỐI NHAU MÀ PHẬT HIỆU NỐI NHAU

Chúng ta một ngày hai mươi tư giờ gần như là vọng niệm triền miên. Ngay trong lúc ngủ, chúng ta cũng vọng niệm, mộng mị, thấy tất cả các cảnh vật thì đó chính là vọng niệm. Cho nên Hòa Thượng nói: “Đừng để vọng niệm nối nhau mà để Phật niệm nối nhau”, có nghĩa là niệm Phật liên tục, khởi niệm chỉ là niệm Phật chứ không để vọng niệm tiếp nối. Việc này khó! Hiện tại chúng ta hạn chế được ác niệm đã khó. Ác niệm là những gì thuộc về tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn. Ngăn những ác niệm đó rất khó! Chúng ta cần phải không khởi ác niệm, chỉ khởi thiện niệm, hãy khởi niệm ngược lại 16 chữ này. Hòa Thượng nói: “Không để vọng niệm nối nhau, cho dù đó là thiện niệm hay ác niệm mà phải để Phật hiệu nối nhau. Đó chính là công phu!”.

Thật ra cái gì cũng là do thói quen. Chúng ta cứ thả cho tâm mình tự do. Vọng niệm của chúng ta như dòng suối chảy róc rách ngàn đời, lúc thì chảy mạnh, lúc thì chảy nhẹ, nhưng chưa bao giờ ngừng chảy. Chúng ta phải ngăn nó lại, đầu tiên là thay đổi niệm ác thành niệm thiện. “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” dạy chúng ta mười nghiệp thiện của thân, khẩu, ý.

THÂN: Không sát, đạo, dâm

KHẨU: Không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác

Ý: Không tham, sân, si

Hòa Thượng nói: “Tu hành chẳng qua là thay đổi thói quen xấu thành thói quen tốt”.

Sáng nay tôi dạy lúc 2h55’. Ý niệm đầu tiên của tôi là: “Chưa đến giờ dậy đâu! Ngủ tiếp đi! Dậy giờ này sớm quá!”. Tôi nằm thêm một lúc nữa đến 3h15’ thì cơ thể báo “ngủ như vậy đủ rồi”, tôi liền thức dậy. Đó là thói quen của cơ thể.

Chúng ta đừng để vọng niệm nối nhau bằng những niệm bất thiện. Chúng ta hãy thay đổi ác niệm bằng thiện niệm. Tiến lên một bước, chúng ta không niệm thiện, không niệm ác mà chỉ giữ niệm Phật, dần dần tâm sẽ được định. Chúng ta đừng tưởng rằng một ngày hai thời khóa sáng tối, tụng bộ “Kinh A DI Đà”, niệm vài ngàn danh hiệu Phật là công phu. Thời gian ở trên niệm phật đường là công phu phụ chứ không phải là công phu chính. Một ngày có 24 giờ, 2 giờ thời khóa so với 22 giờ còn lại thì đâu là chính, đâu là phụ? Khởi tâm động niệm đều là loạn động, là vọng niệm tà vại không chánh niệm chứ không phải là niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Đừng để vọng niệm nối nhau mà phải để cho Phật hiệu nối nhau”.

Nhiều người nói: “Có hai thời công phu niệm Phật là tốt lắm rồi!”. Điều đó không sai, nhưng quan trọng là chúng ta phải công phu ngay trong cuộc sống thường ngày. Xưa nay rất nhiều người cho rằng một, hai giờ công phu đó mới là thời khóa. Ngoài thời khóa, người ta thả rông cho vọng niệm nối nhau. Vọng niệm là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Chúng ta cần phải chuyển đổi lại: Trong mọi lúc mọi nơi, thời gian sinh hoạt ăn, ngủ, làm việc, đối nhân xử thế, đối người tiếp vật mới là công phu chính.

Chúng ta vẫn hay nói: “Tập khí của tôi nặng quá! Tôi không làm được việc này, không làm được việc kia”. Bởi vì chúng ta không hạn chế, không kiểm soát tập khí của mình. Một ngày chúng ta thời khóa thì chỉ có 2 giờ tâm se se thanh tịnh thôi, nhưng cũng chưa chắc vì chúng ta ngồi đó có khi còn vọng niệm nhiều hơn. Chúng ta ngồi công phu nhưng chiếu phim 3D trong đầu chứ chưa chắc có 2 giờ thanh tịnh. Trong 22 giờ còn lại trong ngày, chúng ta không kiểm soát, tham vẫn để tham, sân vẫn để sân, ngạo mạn vẫn để ngạo mạn, tự tư danh vọng lợi dưỡng vẫn còn nguyên. Chúng ta làm thế nào để hạn chế được tập khí của mình? Người xưa nói: Đối với tập khí của mình phải đuổi cùng diệt tận, không để tập khí manh nha dấy khởi thì mới chặn được thói quen xấu”.

Trong 670 đề tài mà chúng ta đã học qua, tôi chưa trễ một buổi học nào. Buổi sáng thức dậy, tôi thường giải quyết thư từ, tập thể dục, nghe một bài pháp, mở Zoom lúc 4h và đọc bài trước khi vào giờ học. Trong quá trình học tập, có nhiều hôm tôi dậy rất sớm và thường có ý niệm: “Mình muốn ngủ tiếp, chờ đến khi nào chuông reo thì mới dậy”. Nhưng ý niệm đó vừa khởi lên thì ý niệm thứ hai đã được tôi khống chế. Trước khi triển khai 1200 đề tài, từ rất lâu, cách đây hơn chục năm, tôi đã có thói quen dậy rất sớm để dịch Kinh, vậy mà tập khí vẫn đeo đẳng. Đó chỉ là ý niệm thoáng qua, tôi không để cho ý niệm đó trở thành hành động. Đó là đuổi cùng diệt tận tập khí xấu của mình. Chúng ta tưởng chừng mình đã quen với tập khí tốt, nhưng chỉ cần một lần cho phép tập khí xấu trỗi dậy thì nó sẽ “vượt mặt” gọi là “qua mặt không cần bóp còi”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook