328Thứ Ba, 12/10/2021, 06:12

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 670

TRẺ NHỎ KHÔNG NGHE LỜI KHÔNG NÊN TRÁCH CHÚNG

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Hai ngày 11/10/2021.

****************************

Người xưa nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Con người vốn dĩ thuần thiện, thuần tịnh. Trẻ nhỏ không nghe lời là do tập nhiễm của chúng. Khi đến thế gian này, chúng vốn dĩ là lương thiện. Trong hoàn cảnh ở thế gian, được người lớn nuông chiều cho nên chúng trở thành phản nghịch. Sự giáo dục của gia đình rất quan trọng. Cha Mẹ là những người Thầy đầu tiên, là những hình ảnh đầu tiên mà con cái nhìn thấy và tiếp nhận. Chúng ta dạy con không phải là dùng ngôn giáo mà phải chính từ thân giáo. Con cái làm theo y hệt những hành động mà Cha Mẹ làm ra, không khác một chút nào. Ví dụ Cha Mẹ ngồi ăn mà gõ đũa lóc cóc thì con sẽ làm y như vậy. Đó là ví dụ nhỏ mà chúng ta nhìn thấy, việc lớn là đức hạnh cũng như vậy. Cha Mẹ dạy con phải hiếu thảo, lễ phép, cung kính nhưng bản thân Cha Mẹ không hiếu thảo, không lễ phép, không cung kính, lại còn làm ra những biểu hiện tiêu cực, khiến trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.

Bạn của Cô Dương Thục Phương có một đứa con 2 tuổi. Em bé này đi mẫu giáo đã nói lời yêu đương, khiến Cô giáo phát hoảng. Cô giáo hỏi người Mẹ thì người Mẹ cho biết khi mang thai, cô ấy thường xem phim Hàn Quốc. Thai nhi học từ trong bào thai. Khi đứa trẻ sinh ra đời, biết thấy, biết nghe, biết quan sát thì tất cả mọi hành động của Ông Bà, Cha Mẹ và các bậc trưởng bối đều khắc sâu vào trong tâm khảm của chúng. Người xưa nói: “Tiên nhập vi chủ”. Cái gì vào trước sẽ làm chủ. Chúng ta tưởng rằng trẻ nhỏ sinh ra thì mới biết nhưng chúng đã tiếp nhận giáo dục từ trong bào thai. Vì vậy người xưa dạy chúng ta phải chú trọng thai giáo. Người Mẹ trước và trong khi mang thai đều cần phải chú trọng đến sự đoan nghiêm của thân tướng, khởi tâm động niệm đều phải chỉn chu.

Trên thực tế đã có những nghiên cứu khoa học về thai giáo, trong đó chú trọng nhất vẫn là giáo dục đức hạnh của người Mẹ. Mẹ của Ngài Chu Mao Sâm là bà Triệu Lương Ngọc, khi vừa mang thai thì người Mẹ đã về bên ngoại ở. Suốt thời kỳ mang thai đó, người Mẹ trải qua đời sống ly dục, xa rời tất cả mọi dục vọng, tham cầu để sống một đời sống thanh tịnh, cả thân và tâm đều giữ gìn. Chính vì vậy Ngài Chu Mao Sâm khi lớn lên rất thông minh, học hành đỗ đạt cao. Bây giờ Ngài là Pháp sư Định Hoằng, tu hành rất nghiêm túc. Mẹ của Ngài có một câu nói nổi tiếng: “Ta không phải là Tiến sĩ, nhưng ta là Mẹ của Tiến sĩ”. Bà đã làm được. Bà không chỉ là Mẹ của Tiến sĩ, mà còn mà Mẹ của một Pháp sư tu hành nghiêm túc, tương lai bà là Mẹ của một vị Bồ Tát.

Hòa Thượng nói: “Trẻ nhỏ không nghe lời, chúng ta không nên trách chúng mà phải xem lại chính mình. Ông Bà, Cha Mẹ và những người lớn xung quanh đều chiều chuộng chúng thì thử hỏi làm sao chúng không hư hỏng cho được!”. Chúng ta không thể để cho trẻ muốn gì được nấy, khi nào người lớn cho phép thì trẻ mới được làm. Nếu trẻ phạm sai lầm thì người lớn phải răn dạy.

Người xưa nói: “Nghiêm sư xuất cao đồ. Nghiêm phụ xuất hiếu tử”. Thầy giáo nghiêm thì học trò mới giỏi. Cha Mẹ nghiêm thì con mới hiếu. Cha Mẹ hầu hạ, chiều chuộng con cái, cơm dâng đến miệng, quần áo phục vụ tận nơi, cuối cùng chúng trở thành thứ không ra gì, trở thành đồ phá hoại. Những người chưa có con hoặc đã có con thì phải mau mau phản tỉnh! Con gái, con trai đến bữa cơm thì được phục vụ cơm bưng nước rót, chúng đòi cái gì cũng được đáp ứng nên chúng tưởng Cha Mẹ có tiền bạc rủng rỉnh. Chúng hút chất cấm, trở thành người nguy hại, không những không giúp ích được cho xã hội mà bản thân chúng sống như người thực vật, không chí hướng, không lý tưởng, không tương lai, tương lai vô định. Ai làm ra vậy? Là Cha Mẹ!

Ông Bà ta đã dạy: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Ngài Tăng Quốc Phiên là một vị quan quản lý bốn tỉnh, được gọi là “tiểu Hoàng đế”. Gia quy gia huấn của Ngài rất nghiêm khắc, việc trong nhà không để cho người hầu làm. Trong nhà có nhiều gia nhân nhưng gia nhân không làm việc nhà mà làm những việc nặng nhọc lao tác khác. Con cái phải làm việc nhà. Người thời xưa đã có cách giáo dục con cái như vậy. Ngài Tăng Quốc Phiên có những bộ gia huấn rất nổi tiếng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook