162Chủ Nhật, 24/10/2021, 10:03

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Năm ngày 07/10/2021.

*****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 666

GIA HÒA VẠN SỰ HƯNG

Một gia đình muốn hưng vượng thì phải có sự hòa thuận, trên thuận dưới hòa, trên nghiêm dưới kính. Như vậy thì gia đình mới hưng vượng về mọi mặt, không chỉ hưng vượng về tiền tài vật chất mà hưng vượng cả về thuần phong, gia phong mỹ tục.

Trong nhà Phật, Hòa Thượng Hải Hiền là một Lão Tăng không biết chữ. Trước khi mất một vài tháng, Ngài nói: “Nếu muốn Phật pháp hưng thịnh, chỉ có Tăng khen ngợi Tăng”. “Tăng” chỉ quý Thầy, chỉ một đoàn thể hòa hợp. Nếu Tăng không khen ngợi Tăng thì Phật pháp không thể trường tồn và hưng vượng. Mỗi người đều có sở trường, chúng ta tán thán sở trường đó. Chúng ta cố gắng không phô bày sở đoản. Đây gọi là “ẩn ác dương thiện”, nêu cái tốt, không nêu cái xấu. Gia đình nhỏ của chúng ta cũng phải như vậy, mỗi đối phương đều tiếp nhận phần thiệt thòi về mình thì sự bất hòa sẽ không xảy ra.

Tôi cũng là cư sĩ, là người thế gian. Ngày xưa, tôi tổ chức câu lạc bộ “Biển Tuệ”. Các bác trong câu lạc bộ nói: “Chúng ta lên bờ xuống ruộng thì mới biết thế nào là yêu, thế nào là khổ. Chúng ta trải qua hơn 40 năm trong hoàn cảnh mới biết được đắng cay ngọt bùi chua chát như thế nào”. Một bác 70 tuổi tâm sự với tôi rằng bác ấy sống với người vợ cả cuộc đời rồi mà vẫn không hiểu vợ của mình vì vợ rất phức tạp. Bác ấy nói với vợ của mình: “Em ơi, đến bây giờ anh vẫn không biết em là ai”. Nếu hai bên cùng thấy nhau phức tạp thì mâu thuẫn sẽ chất chồng. Chúng ta biết đối phương phức tạp thì chúng ta tiếp nhận họ, nhường hết cho họ. Các bác ấy giờ này chắc đã mất hết rồi, chỉ còn một cụ bà hơn 80 tuổi vẫn đang sống. Sau khi nói chuyện với tôi, bây giờ cụ cũng đã niệm Phật. Con rể của cụ nghiên cứu đĩa Hòa Thượng và cũng niệm Phật. Ấn tượng mà các bác để lại cho tôi là các bác ấy nghiên cứu rất nhiều pháp, rất nhiều tông phái. Nhưng tôi chỉ học theo một pháp môn. Tôi tổ chức câu lạc bộ đó để mọi người sách tấn nhau tu học. Tôi chỉ một lòng học theo pháp môn Tịnh Độ và chỉ học theo Hòa Thượng Tịnh Không. Các bác tinh thông nhiều pháp nhưng tôi chưa bao giờ đuối lý khi nói chuyện với họ.

Hòa Thượng nói: “Mình tưởng vấn đề ở đối phương, nhưng vấn đề lại ở chính mình. Mình còn không bằng lòng với chính mình, không chấp nhận chính mình thì có thể bằng lòng được với ai, chấp nhận được ai? Khi nào chúng ta không còn chướng ngại thì mọi việc sẽ không còn chướng ngại”. Thật ra, rõ ràng chướng ngại ở nơi chính mình. Cái thấy của họ là như vậy thì chúng ta không nên áp đặt cái thấy của chúng ta đối với họ. Đây chính là thuận.

Ngài Vĩnh Gia đàm đạo với Ngài Lục Tổ Huệ Năng. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Ngài cũng phân biệt ư?”. Ngài Vĩnh Gia nói: “Phân biệt diệc phi ý”. Phân biệt nhưng không phải là ý của mình như vậy, vì chúng sanh phân biệt nên chúng ta phải phân biệt, người khác chấp trước nên chúng ta phải chấp trước. Công phu ở ngay chỗ này. Chúng ta phải biết những Bồ Tát xung quanh ta hàng ngày ra đề thi để khảo nghiệm chúng ta. Tổ Sư dạy chúng ta: “Xem thấy tất cả chúng sanh là Bồ Tát, chỉ riêng mình là phàm phu”. Nhưng chúng ta lại tưởng mình là Bồ Tát. Người trí tuệ không cố biện luận ra sự thật mà chấp nhận sự thật.

Cho nên muốn gia đình hưng thịnh, đôi bên hòa thuận thì chỉ có biện pháp là khen ngợi lẫn nhau. Tuy khó làm nhưng làm lâu dần cũng quen. Ai cũng có điểm tốt gì đó để được khen. Người xưa nói: “Cọng rêu mọc trên tường, nhìn lâu ngày cũng đẹp”. Huống gì một con người biết nói biết cười, làm gì mà không có cái đẹp! Vì chúng ta quá chấp trước nên chúng ta không chấp nhận. Khi nào chúng ta cần chấp trước? Nếu chấp trước thì vì người mà chấp trước, vì người mà chấp nhận. Điều này phải có công phu. Thế gian hay xuất thế gian đều như vậy. Thế gian muốn hòa vui thì trên thuận dưới hòa, vĩnh viễn không nhìn thấy khuyết điểm của đối phương, chỉ thấy ưu điểm của đối phương. Tập khí của chúng ta chỉ nhìn thấy khuyết điểm của đối phương. “Chúng ta” ở đây bao gồm cả tôi. Chúng ta tập nhìn ưu điểm của đối phương. Chúng ta phải có tâm hồn thư thái, an vui thì học Phật mới có kết quả. Chúng ta “chín bỏ làm mười”, nhận hết phần thiệt thòi về mình. Thật ra chúng ta không thiệt thòi. Chúng ta quá dại khờ nên mới tranh giành hơn thua, thiệt hơn!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook