209Thứ Sáu, 15/10/2021, 17:12

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 664

CHÂN THẬT TỰ LỢI MỚI CÓ NĂNG LỰC LỢI THA

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Ba ngày 05/10/2021.

*****************************

Tự lợi” ở đây là trước tiên chúng ta phải hàng phục được tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn, làm cho những tập khí của bản thân giảm thấp. Nếu chúng ta chỉ “lợi sanh” mà không “tự lợi”, không hàng phục tập khí của mình thì không khác gì nói mà không làm.

Nhiều người hiểu lầm, cho rằng trước tiên phải tự lợi, rồi sau đó mới lợi tha, hoàn thiện bản thân xong, bản thân thành tựu rồi mới lợi tha, độ chúng sanh. Lúc nào chúng ta thành tựu? Đến lúc chúng ta thành tựu thì rất nhiều chúng sanh đã bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận. Chúng ta không nên tách biệt “tự lợi” và “lợi tha” bởi vì hai việc này liên kết với nhau. Hoàn thiện bản thân và độ chúng sanh không phải là hai việc tách rời mà là hai việc liên tục, liên kết với nhau, một mặt hoàn thiện mình, một mặt lợi ích chúng sanh. Tự lợi là lợi tha, lợi tha là tự lợi. Trong lúc giúp người, chúng ta phản tỉnh bản thân, vừa có thể sửa mình. Trong tự lợi có lợi tha, trong lợi tha có tự lợi, gọi là tương bổ tương thành, thành tựu lẫn nhau.

Trước đây, có nhiều người thấy Thầy bôn ba thì họ cho rằng Thầy xen tạp. Họ bảo Thầy chỉ ở thất niệm Phật vãng sanh thì tốt hơn. Nếu chỉ như vậy thì Thầy rất sung sướng, an nhàn, rau trái đầy vườn, không khí mát mẻ, không ai làm phiền. Giai đoạn cần phải “hóa tha” thì họ bảo Thầy “độc thiện kỳ thân”. Như vậy hoàn toàn sai!

Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật dạy: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Phát tâm Bồ Đề thì đồng thời phải một lòng chuyên niệm. Một lòng chuyên niệm đồng thời cũng phải phát tâm Bồ Đề. Hai điều này tương bổ tương thành, chứ không tách biệt. Không phải là khi nào thành tựu rồi chúng ta mới phát tâm Bồ Đề. Chúng ta cần hiểu rằng: Tự độ giúp cho độ tha tốt hơn. Độ tha giúp cho tự độ tốt hơn.

Nhiều năm qua, Thầy bôn ba khắp nơi. Đó là Thầy đi du học, chứ Thầy không xen tạp. Chúng ta cần hiểu rằng: Chúng ta giúp chúng sanh, giúp mọi người nhưng tâm chúng ta phải thanh tịnh. Nếu chúng ta giúp người làm nhiều việc mà tâm chúng ta không thanh tịnh thì nguy hại rất lớn. Giúp người là việc phải làm, đó là phát tâm Bồ Đề, nhưng làm thì không được để tâm mình ô nhiễm.

Nhiều người sợ Thầy làm việc nhiều như vậy thì Thầy phiền não nhưng thật ra Thầy làm xong thì quên hết. Thậm chí có người hỏi hai buổi giảng trước Thầy đã nói gì mà Thầy còn không nhớ. Nhưng việc gì cần nhớ thì chuyện của năm xưa Thầy vẫn nhớ. Thầy phiên dịch, ai hỏi bất cứ một câu nói nào của Hòa thượng thì Thầy có đáp án liền. Thầy quên khi không cần nhớ, điều gì cần nhớ thì phải nhớ. Như vậy mới không bị lẫn lộn, làm việc không bị chồng chéo.

Độ chúng sanh, giúp ích chúng sanh là việc cần thiết nhưng tâm của chúng ta phải không dính mắc, không ô nhiễm. Chúng ta không thể hoàn toàn không dính mắc nhưng chỉ dính mắc rất ít, thì mới không bị phiền não.

Những người niệm Phật chúng ta đem pháp môn niệm Phật để khuyên bảo người. Như vậy là đúng, nhưng bản thân chúng ta cũng phải niệm Phật. Chúng ta khuyên mọi người “nhất tâm xưng niệm”, “nhất môn thâm nhập” thì chính chúng ta cũng phải “nhất tâm xưng niệm”, “nhất môn thâm nhập”. Chúng ta khuyên mọi người không được xen tạp thì chúng ta cũng phải không xen tạp. Cho nên chân thật tự lợi thì mới có năng lực lợi tha. Nhưng người ta lại hiểu sai, người ta tách riêng 2 việc này, cho rằng phải tự lợi trước, rồi sau đó mới lợi tha. Đến lúc chúng ta thành tựu thì chúng sanh lỡ duyên rồi.

Hòa Thượng đã nói cách đây 30 – 40 năm: “Nếu bây giờ bạn không mau mau truyền dạy cho người văn hóa truyền thống, đạo đức Thánh Hiền thì 5 – 10 năm nữa, 20 năm nữa, bạn đem Phật pháp và đạo đức truyền dạy cho người ta thì người ta sẽ không nghe”. Đó là lỡ duyên!

Có một điều vô cùng quan trọng, chúng ta cần ghi nhớ: Chúng ta không làm thì ai làm? Chúng ta phải thay Phật tuyên dương giáo huấn của Phật bằng cách chúng ta chính mình làm ra biểu pháp để mọi người làm theo. Chúng ta tuyên dương giáo huấn của Thánh Hiền cũng vậy. Chúng ta chính mình thực hành, làm ra tấm gương tốt khiến mọi người cảm động, cảm hóa người khác, khiến người khác bắt chước làm theo. Độ chúng sanh không cần dùng lời nói, chỉ cần chúng ta làm ra biểu pháp thì đã là độ chúng sanh rồi. Hòa Thượng nói: “Hoàn thiện chính mình để ảnh hưởng chúng sanh”. Chúng ta ngày ngày chính mình hoàn thiện bản thân, mọi người nhìn vào sẽ học theo. Chúng ta nên nhớ: Ngôn từ nhiều chỉ là vọng tưởng, dư một câu không bằng ít một câu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook