139Thứ Năm, 30/09/2021, 15:47
658 · Làm Việc Tốt Không Cần Người Khen

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 658

LÀM VIỆC TỐT KHÔNG CẦN NGƯỜI KHEN

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Tư ngày 29/09/2021.

*****************************

Chúng ta làm việc tốt, đó là việc mà chư Phật Bồ Tát, Thánh Hiền nhân đều làm. Nhiều người cả đời làm việc tốt nhưng không ai biết đến. Đến lúc họ ra đi, người ta mới nhớ đến họ. Trong khi chúng ta hàng ngày chỉ làm được một chút việc tốt mà đã thích được mọi người tán thán, thích được nêu tên tuổi của mình, được như vậy chúng ta mới xứng ý vừa lòng. Vậy thì chúng ta đã dùng hết tất cả phước chúng ta có.

Chúng ta cần để cho mọi người biết lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta nghe mắng, nghe phê bình, chỉ trích thì mới tiêu được nghiệp. Khi chúng ta làm được một chút việc tốt mà chúng ta muốn người khác biết để được nghe người ta ca ngợi, tán thán thì chúng ta đã tiêu hao hết phước báu. Chúng ta âm thầm làm việc tốt mà không có người biết thì chúng ta đang tích âm đức. Chúng ta làm việc tốt mà muốn để cho người khác biết thì đó là dương đức. Chúng ta cần hiểu rõ việc này.

Từ lâu, Thầy làm nhiều việc, cho tặng rất nhiều nhưng không hề để lại tên tuổi. Nhiều người âm thầm đóng góp và làm việc thiện, họ cũng không để lại tên tuổi. Chúng ta cũng không biết họ là ai. Như vậy mới chính là tích âm đức. Cụ Hứa Triết lúc sinh tiền làm nhiều việc thiện nhưng không hề bận tâm, không hề khắc ý. Thấy ai đang gặp khó khăn, đang cần tiền thì Cụ cho họ tiền. Người ta hỏi tiền ở đâu, Cụ cũng không biết.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta là người học Phật, giữ tâm tốt, làm việc tốt, tu việc thiện, không cần người khác biết, không cần người khác tán thán. Chúng ta tận tâm tận lực mà làm, không cầu quả báo thì quả báo vô cùng to lớn, không thể nghĩ bàn, không thể tính đếm được. Chúng ta không cầu công đức thì công đức vô lượng vô biên. Việc tốt cần làm nên làm không công không đức”.

Chúng ta làm với tâm không mong cầu thì vẫn có công đức. Chúng ta không cầu quả báo thì quả báo mới không không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải ghi nhớ đạo lý này. Nhiều người làm việc tốt nhưng mong cho người khác biết, hoặc cố tình làm cho người khác thấy. Chúng ta làm việc tốt mà không có người thấy, không có người biết, không có người tán thán thì chúng ta đang tích âm đức. Người thế gian ngày nay luôn tự cho mình đang làm việc thiện: “Mỗi ngày ta làm được nhiều việc tốt như vậy thì chắc hẳn có rất nhiều công đức mà không có người tán thán!”. Đây là ý niệm sai lầm.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phạm phải rất nhiều sai phạm. Chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, buồn vui, ưa thích, chán bỏ đều là tạo nghiệp, một niệm không vui đã là tạo nghiệp. Chúng ta vô tình làm cho chúng sinh phải vì chúng ta mà đau khổ, vì chúng ta mà chết, vô tình giết những con vật nhỏ bé như kiến muỗi. Từ nơi tâm niệm, từ hành động chúng ta làm ra đều làm cho chúng sanh đau khổ, dù vô tình không cố ý. Khi chúng ta bước đi, chúng ta cũng dẫm đạp lên côn trùng. Thầy thấy có một con kiến trong nhà vệ sinh, Thầy thò tay vớt nó lên. Có lần Thầy vô tình cầm lên tay một con ốc nhỏ thì nó đã bị chết. Thầy đi lại trong vườn, cố nhìn để không dẫm lên những con vật nhỏ bé nhưng vẫn không phát hiện ra. Đó là chúng ta vô tình sát hại chúng sanh. Chúng ta phải cẩn trọng hơn đối với chúng sanh nhỏ bé, để chúng không vì chúng ta mà bị thương tổn. Chúng ta phải tích cực làm việc nhiều việc tốt hơn để có một chút hồi đáp cho chúng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta hàng ngày đang tạo phước. Hàng ngày bạn không làm phiền chúng sanh đã là phước của chúng sanh rồi, đừng nói bạn đang độ chúng sanh”. Chúng sanh trong cõi Ta Bà, khởi tâm động niệm, hành động tạo tác đều là bất thiện. Chúng sanh trong đó có chúng ta, chúng ta không ngoại lệ.

Oan gia trái chủ sở dĩ đến gây phiền với chúng ta vì chúng ta không làm ra được việc gì khiến họ cảm động. Chúng ta phải làm ra những việc công đức phước báu lớn lao để họ cảm động, hồi tâm chuyển ý. Hòa Thượng nói: “Oan gia trái chủ của ông Trần Quang Biệt thấy ông tu hành thành tựu, niệm Phật được vãng sanh thì sinh tâm hoan hỉ. Họ hồi tâm chuyển ý, cũng muốn phát tâm tu hành”. Tổ Sư Ấn Quang dạy chúng ta: “Xem thấy tất cả chúng sanh là Phật Bồ Tát, chỉ có riêng mình là phàm phu ít tu, phước mỏng, nghiệp dày”. Chỉ cần chúng ta có ý niệm mình đã hi sinh phụng hiến thì chúng ta đã không có công đức.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook