CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 656
HỌ ƯA THÍCH BẠN THÌ BẠN MỚI DẠY ĐƯỢC HỌ
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Hai ngày 27/09/2021.
*****************************
Hòa Thượng nói: “Họ ưa thích bạn thì bạn mới dạy được họ”. “Ưa thích” ở đây ý nói là phải có “duyên” thì mới ưa thích được. Không có duyên thì “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Nếu vô duyên mà gặp nhau thì không thể hoan hỉ để ngồi lại với nhau được. Phật pháp chúng ta nói đến chữ “duyên”, chú trọng chữ “duyên”. “Nhân” thì đã có rồi, chỉ cần chúng ta làm tốt chữ “duyên”.
Chúng ta phát tâm giáo hóa chúng sanh. Chúng ta có ý niệm đó, có nguyện vọng đó nhưng phải chú trọng đến nhân duyên, xem coi nhân duyên đã đầy đủ chưa. Không phải là chúng ta có ý niệm độ chúng sanh, có nguyện giúp chúng sanh thì chúng ta dùng tâm cưỡng cầu để làm. Nếu chúng ta dùng tâm cưỡng cầu để làm thì chắc chắn có phiền não. Khi duyên đã chín muồi, chúng ta nói thì họ sẽ tiếp nhận. Khi duyên chưa chín muồi thì chúng ta nói, họ không tiếp nhận, khiến cho chính chúng ta và họ đều phiền não. Đôi khi chúng ta không để ý đến nhân duyên, chúng ta cố gắng, cưỡng cầu, phan duyên. Mình thì chưa đủ lực, người ta thì chưa đến cơ duyên tiếp nhận, cho nên cả 2 bên đều phiền não. Người ta không muốn tiếp nhận thì thôi. Khi nào họ đau khổ, họ quay đầu thì họ sẽ tiếp nhận. Trong vòng luẩn quẩn này, chúng sinh rất nhanh chóng cảm nhận sự đau khổ, te tua.
Phật cũng không thể độ những người không có duyên. Phật đã thí dụ, chứng minh điều này. Ngài quán cơ thấy một người không có duyên. Phật xuất hiện trước mặt người đó, họ quay mặt đi chỗ khác, không muốn gặp Phật. Phật hiện thân 4 phía Đông Tây Nam Bắc để gặp mặt người đó. Người đó nhất định không muốn gặp Phật, liền nằm xuống đất kêu lên: “Tôi đã không muốn gặp ông mà sao ông cứ xuất hiện trước mặt tôi vậy?”.
Hòa Thượng nói: “Các vị nên tạo duyên. Bạn đi nghe giảng pháp thì bạn có thể đến sớm hơn, dọn dẹp, sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi cho tươm tất. Bạn đứng ở cửa đón khách và tặng mỗi người một viên kẹo thì chắc chắn họ rất vui. Đó là kết thiện duyên với họ. Sau này, đến lúc bạn giảng pháp thì họ đã có cảm tình với bạn nên sẽ đến nghe. Dù chúng ta giảng không hay nhưng họ cũng sẽ cố gắng ngồi nghe đến cuối buổi giảng, không nỡ bỏ đi vì không nỡ làm thương tổn chúng ta. Họ ưa thích bạn rồi thì họ sẽ nghe theo lời giáo huấn của bạn. Nếu họ không ưa thích bạn thì dù bạn nói đúng, nói phải họ cũng không nghe. Tiếp dẫn chúng sanh, chúng ta phải xem căn tánh họ như thế nào, họ ưa thích nghe cái gì thì chúng ta nói cái đó cho họ nghe để tiếp độ họ”.
Rõ ràng kết duyên với chúng sanh rất dễ. Một người trong xóm nhiều năm trước đây không bao giờ chào hỏi Thầy. Họ cục mịch, thiếu văn hóa, vì sống ở trong vùng núi nên không có năng lực giao tiếp. Khi bà vợ mất, ông ấy nhờ Thầy nhập liệm, cúng thất. Thầy giúp họ nhiệt tình nhưng không nhận tiền của họ, lại còn tặng quà cho họ. Từ đó ông ấy trở nên rất ân cần, thân thiết. Bây giờ hễ đi ngang qua lúc nào ông ấy cũng chào hỏi Thầy và hay tặng quà cho Thầy.
“Chúng sanh” là một danh từ chung chỉ đối tượng rất rộng lớn, trong đó bao gồm tất cả những người xung quanh chúng ta như Cha Mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân... Họ ưa thích cái gì thì chúng ta tìm cách giúp họ rồi dần dần chúng ta nói cho họ nghe những điều cần nói. Đó là dùng phương tiện khéo léo để giáo hóa họ. Công cuộc chinh phục và giáo hóa chúng sanh của Phật Bồ Tát vô cùng gian nan. Phật Bồ Tát đã chờ đợi chúng ta từ rất lâu rồi. Chính bản thân chúng ta cũng không dễ giáo hóa. Chúng ta không phải là học trò ngoan của Phật. Vậy mà chúng ta mong muốn mình vừa nói ra thì người khác phải tiếp nhận ngay, phải hiểu ngay. Làm gì có chuyện mọi người khi vừa tiếp xúc thì liền tiếp nhận ngay, hiểu ngay, làm theo ngay!
Hòa Thượng nói: “Trong vòng luân hồi đau khổ này, bạn không cô đơn một mình. Phật Bồ Tát luôn dõi theo bạn. Chỉ cần bạn quay đầu, chỉ cần bạn tiếp nhận thì Phật Bồ Tát sẽ tìm cách để tiếp độ bạn”. Hòa Thượng nói: “Giáo hóa chúng sanh, dẫn độ, dạy bảo mọi người không phải là một việc dễ dàng mà là một đại học vấn”.