280Chủ Nhật, 26/09/2021, 18:01

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 653

THẤY LỢI QUÊN NGHĨA

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Bảy ngày 25/09/2021.

*****************************

Từ xưa đến nay, con người ở thế gian đều chiếm phần lợi cho mình, thấy lợi thì quên đạo nghĩa. Nếu người ta xem trọng đạo nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa thì sẽ không chiếm thế thượng phong để hành xử. Nếu người ta xem thường đạo nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa thì người ta sẽ chiếm thế thượng phong, mất hết đạo nghĩa. Không chỉ người hiện nay mà người xưa đa phần cũng đều như vậy nhưng thời xưa ít người như vậy hơn vì họ được tiếp thu giáo dục của Thánh Hiền. Dần dần, khi giáo dục đức hạnh ngày một ít đi thì người ta xem trọng lợi hơn tình nghĩa. Chúng ta phải chú ý đề cao giáo dục đức hạnh.

Thời xưa có nhiều quân tử. Những người dân dù nghèo nàn, bần hàn nhưng vẫn có hành động của người quân tử. Họ thấy lợi thì tránh xa, thấy khó thì dấn thân vào. Ở trong khó khăn, họ có cơ hội để rèn luyện bản thân. Họ hiểu được đạo lý “sắt càng rèn càng rắn chắc” cho nên họ không ngại khổ, không ngại khó, việc càng khó càng tốt.

Thời nay quân tử ít, tiểu nhân rất nhiều bởi vì người ta thấy lợi quên nghĩa. Họ chọn cái lợi ổn định, cái lợi chắc chắn. Thật ra, cái thấy cái nhìn của họ khiến họ tưởng đó là lợi nhưng không phải là lợi chân thật. Chúng ta thấy, con người ta xem trọng cái lợi, thấy lợi quên nghĩa, đem luân lý đạo đức bỏ qua một bên. Họ không xem trọng đạo lý nhân quả và sự thật. Hòa Thượng nói: “Đây là nhân tố chủ yếu làm cho thế giới hiện tại mà chúng ta đang ở đã bệnh lại càng bệnh nghiêm trọng hơn”.

Trong “Kinh Kim Cang”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói : “Bố thí phải tâm luân không tịnh”. Khi bố thí thì phải không thấy người thí, không thấy người nhận, không thấy vật cho, phải làm hoàn toàn với tâm hi sinh phụng hiến, không có một chút tư tâm. Chúng ta khởi tâm động niệm đều vì ta, đều so đo thành bại, được mất, hơn thua, lợi cho ta hay tổn thất cho ta. Đó chính là lợi. Người trọng lợi thì xem nhẹ nghĩa, vì lợi mà quên nghĩa. “Nghĩa” có đạo nghĩa, nghĩa lý, nghĩa tình, ân nghĩa.

Có người thấy chúng ta thúc đẩy luân lý đạo đức thì rất tâm đắc, họ “chín xe mười vàng”, muốn hợp tác để làm ra những phim hoạt hình mang lại lợi ích cho xã hội. Nhưng khi so sánh thấy làm việc với đối tác khác nổi tiếng hơn chúng ta thì họ quên đi lời đã hứa với chúng ta. Nếu họ làm với đối tác khác mà mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội thì chúng ta hoan hỉ tán thán. Nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa triển khai việc đó.

Lấy những người tài năng, có năng lực phục vụ đại chúng, phục vụ mọi người để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Đây cũng là thấy lợi quên nghĩa. Chúng ta phải đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích đại chúng lớn hơn lợi ích của bản thân.

Thấy nghĩa quên lợi là quân tử. Thấy lợi quên nghĩa là tiểu nhân. Người học Phật thấy cái lợi vi tế hơn, sâu sắc hơn mà thấy lợi quên nghĩa thì càng nguy hiểm. Chúng ta đừng tin vào cái thấy cái biết của mình, vì đó là cái thấy cái biết của phàm phu. Chúng ta phải lấy cái thấy, cái biết của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát để học và làm theo thì mới chính xác. Chúng ta cứ nương vào cái thấy cái biết của những bậc trưởng bối đáng kính.

Thầy may mắn vì đã dành nhiều thời gian nghe Hòa Thượng giảng pháp. Hòa Thượng dạy bảo như thế nào thì Thầy làm theo y như thế đó. Hòa Thượng nói: “Internet có thể là ma vương, nhưng cũng có thể là công cụ để hoằng truyền Thánh giáo, làm lợi ích cho chúng sinh”. Chúng ta dùng internet để lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, những tấm gương hi sinh phụng hiến. Những tin tức tốt đẹp liên tục được cập nhật thì những tin xấu sẽ bị trôi đi. Thầy hướng dẫn một chú tạo một trang Fanpage trên Facebook, đưa những bài khai thị của Hòa Thượng lên đó. Chú ấy đã làm theo. Chỉ sau một thời gian ngắn, trang Fanpage đó đã có rất người theo dõi và đọc bài. Chúng ta tích cực đưa Phật pháp lên internet thì Phật pháp sẽ chiếm ưu thế.

Chúng ta từ từ phân tích, nhận định bốn chữ “thấy lợi quên nghĩa” này, nhưng phân tích cả đời này cũng chưa hết. Chỉ cần chúng ta sơ hở không kiểm soát thì ngay ý niệm của mình đã “thấy lợi quên nghĩa”, chúng ta đã trở thành kẻ phản nghịch. Kẻ phản nghịch thì chắc chắn gặp quả báo. Oan gia trái chủ của chúng ta, những người bị chúng ta làm cho đau khổ sẽ tìm đến để gây phiền não cho chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook