117Chủ Nhật, 26/09/2021, 18:01

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 652

DÙNG ĐỊNH HUỆ ĐỂ ĐIỀU TÂM, DÙNG GIỚI LUẬT ĐỂ ĐIỀU THÂN

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Sáu ngày 24/09/2021.

*****************************

Chúng ta từng nghe câu: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Cảnh chuyển do tâm. Cảnh giới quan trọng nhất, gần gũi nhất chính là thân ta. Thân do tâm chuyển. Nếu tâm khỏe mạnh, tâm tốt thì điều thân được tốt. Nếu tâm không khỏe, tâm không tốt thì thân bị ảnh hưởng theo.

Chúng ta thấy, thân bệnh thì dễ trị, tâm bệnh thì rất khó trị. Hòa Thượng nói: “Yếu tố tinh thần chiếm 90%, yếu tố sinh lý chiếm 10%”. Thân sinh lý chỉ chiếm 10%. Khi tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng. Người tinh thần khỏe mạnh có thể vượt qua bệnh khổ dễ dàng. Người xuống tinh thần thì bị bệnh tấn công rất nhanh. Chúng ta điều thân và điều tâm, điều tâm được tốt thì thân cũng sẽ tự tốt. Nhà Phật dạy: “Nhất thiết vi tâm tạo”. Tất cả đều do tâm tạo ra.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu chúng ta từ xưa đến nay tạo tác ác nghiệp quá nhiều cho nên rước lấy cả thân đau bệnh. Trong bệnh khổ có thân bệnh và tâm bệnh. Thân bệnh thì dễ trị nhưng tâm bệnh rất khó trị”. Chỉ cần ta giảm bớt nhu cầu của bản thân thì những tập khí từ nơi thân sẽ được khống chế và giảm bớt. Ví dụ: Người có bất cứ bệnh gì chỉ cần nhịn đói 3 ngày, chỉ uống nước trong 3 ngày thì tự nhiên hết bệnh bởi vì cơ thể sẽ tự cân bằng. Tâm bệnh thì quá phiền phức! Tâm bệnh hình thành từ tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp điều trị tâm bệnh. Tâm bệnh của người hiện tại là tư tưởng kiến giải sai lầm. Chỉ có Phật pháp mới có thể điều trị được tốt nhất”. Chúng ta phải nhớ: Chánh pháp mới có thể điều trị được tâm bệnh. Trong Kinh Phật nói: “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Chúng ta không phân biệt được chánh pháp và tà pháp. Tà pháp làm chúng ta tăng trưởng tư tưởng kiến giải sai lầm.

Trước đây, người ta xúm nhau niệm Phật, nhiều người mở đạo tràng niệm Phật. Đạo tràng mọc lên như nấm, nhưng cuối cùng đều lụi tàn. Buồn thay! Họ giải thể đạo tràng và chính họ cũng không niệm Phật nữa. Phong trào hộ niệm cũng mọc lên như nấm. Người ta tranh giành đối tượng hộ niệm, rất rối ren. Người người rủ nhau tham gia Tam Thời Hệ Niệm, người cư sĩ cũng tổ chức Tam Thời Hệ Niệm. Người ta mở lớp dạy Đệ Tử Quy nhưng chính mình không thực hành, chỉ tổ chức lớp để dạy người. Cuối cùng lớp học cũng tan rã, không có kết quả gì.

Phật pháp vô cùng quan trọng đối với tư tưởng kiến giải của chúng ta, nhưng phải là chánh pháp, phải có sự truyền thừa, gọi là chánh mạch. Chúng ta không thể nói lung tung, không thể nói những điều đặc thù không ai nhắc đến để mình có cái riêng. Họ đem tư tưởng kiến giải, đem cái nhìn cái biết của riêng họ để truyền dạy cho bao nhiêu người. Phật pháp như vậy rất nguy hiểm! Nhiều người trước đây cực lực tán thán và đề xướng lời dạy của Hòa Thượng Tịnh Không, nhưng bây giờ họ không nhắc đến Hòa Thượng nữa.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp quan trọng nhất là phải tu Tâm Chân Thành, phải tu Tâm Thanh Tịnh, phải tu Tâm Bình Đẳng. Như vậy mới có thể giúp chúng ta đối trị được tâm bệnh của chúng ta, giúp chúng ta thay đổi, làm mới hành vi tạo tác của chúng ta”. Thế nào là “chân thành”? “Nhất niệm bất sanh”, không có một niệm nào sanh khởi mới là chân thành. Chúng ta chưa đạt đến Tâm Chân Thành, tâm vẫn còn bệnh nên chắc chắn còn phiền não. Chỉ cần chúng ta không kiểm soát chính mình thì tâm lại bị bệnh như cũ. Người dính vào cái thấy biết của mình, ta có tu, ta có học, ta làm đúng, ta làm sai... lại bị bệnh tiếp. Chúng ta ở trạng thái lui sụt rất nhanh. Chúng ta tưởng mình tiến nhưng lại lùi khá xa.

Thấy cảm ngộ rất sâu sắc lời nói của Hòa Thượng: “Cả đời tôi là một mảng chân thành. Tôi sống rất chân thành với mọi người, không có một chút ý niệm lừa dối ai cả”. Muốn trị được tâm bệnh thì không gì khác hơn là phải tu Tâm Chân Thành, phải tu Tâm Thanh Tịnh, phải tu Tâm Bình Đẳng. Hòa Thượng nói: “Thân bệnh thì dễ trị, tâm bệnh rất khó trị. Nếu thân có một chút bệnh khổ thì dễ dàng trở lại trạng thái bình thường. Tâm bệnh phiền phức hơn thân bệnh rất nhiều. Người thế gian không dễ gì điều được tâm”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook