CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 640
ĐEM YÊU VÀ HẬN ĐỔI THÀNH A DI ĐÀ PHẬT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng Chủ nhật ngày 12/09/2021.
*****************************
Con người sống ở thế gian này cả một cuộc đời chìm ngập trong yêu và hận. Yêu và hận luôn nặng trĩu trong tâm. Yêu không chỉ là tình yêu, mà còn là sự ưu thích. Hận, oán hận là những điều mình không ưu thích, mình chán ghét, ghét bỏ. Có người vì yêu mà cả cuộc đời đau khổ. Có người vì hận mà cả cuộc đời tìm cách trả hận.
Hòa Thượng nói: “Sao không đem yêu và hận biến thành A Di Đà Phật! A Di Đà Phật là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Giác. Nếu chúng ta đem yêu và hận biến thành Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Giác thì có phải là tốt hơn không! Vậy thì chúng ta sẽ không còn chấp trước, dính mắc, khổ đau”.
Hòa Thượng dạy chúng ta đem tất cả buồn, vui, thương, ghét, giận, hờn đều biến thành A Di Đà Phật. Mọi việc đều để cho Phật lo. Ngài Lý Mộc Nguyên hỏi Cụ Hứa Triết: “Cụ không lo cho cuộc đời của mình sao?”. Cụ trả lời rằng: “Tôi lo cho những người kém may mắn hơn tôi. Ông Trời sẽ lo cho tôi”. Quần áo Cụ mặc vô cùng đơn giản. Cụ nhặt quần áo từ thùng rác, mang về khâu lại để mặc. Nhân sinh như vậy quá tự tại! Hôm Cụ đến Cư Sĩ Lâm để quy y, Cụ mặc chiếc quần dài qua đầu gối mà Cụ nhặt từ thùng rác. Chúng ta thì mặc quần nọ áo kia mà vẫn cảm thấy tự ti. Giá trị của con người không phải ở quần áo, không phải ở dáng vẻ bề ngoài mà ở thực chất từ nội tâm của chính mình, ở lòng chân thành, ở trong sự tận tâm tận lực khi chúng ta đối người tiếp vật.
Chúng ta lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác. Chỉ cần chúng ta phát tâm hàng ngày đi quét rác, cọ nhà vệ sinh phục vụ mọi người cũng đã là siêu phàm rồi. Có lần Thầy đi qua một trạm dừng chân trên đường. Nhà vệ sinh nơi đó rất bẩn, rác rưởi, hôi thối, dường như lâu rồi không có người quét dọn. Ai vừa đi vào cũng phải đi ra luôn. Vì ở đó không có dụng cụ làm vệ sinh nên Thầy đã dùng tay làm vệ sinh sạch sẽ toàn bộ nhà vệ sinh đó rồi mới đi. Đó là việc làm khác thường nhưng không có gì lớn lao. Người ta đứng nói dốc cả buổi, nhưng nội tâm trống rỗng, quen sống trong ảo vọng.
Chúng ta phải sống thật là mình, không cần phải tỏ vẻ ta đây là người văn minh, trí thức, học giỏi, con nhà giàu. Ngày xưa, khi Thầy bắt đầu biết kiếm tiền, Thầy cũng từng có tâm lý như vậy. Mỗi ngày Thầy bỏ ra 1- 2 giờ đồng hồ để lau chùi chiếc xe đạp cho bóng bẩy, Thầy lau từng nan hoa xe đạp rồi mới đi. Một thời gian sau, những điều đó ít dần, rồi đến một lúc Thầy không còn quan tâm đến vẻ bên ngoài nữa. Thầy nhận ra rằng khi nội tâm trống rỗng thì chúng ta rất cần đến bề ngoài, khi nội tâm đã đầy thì chúng ta không cần chú trọng đến nó nữa. Nhiều người sống ảo, kể cả người đã học Phật cũng ảo, thích thể hiện bản thân bằng đồng hồ, túi xách... Người chú trọng bề ngoài thì nội tâm trống rỗng. Chúng ta cần trang bị cho nội tâm của mình đầy đủ nghị lực và trí lực để sự dũng mãnh, kiên cường giúp chúng ta tự tin với mọi hoàn cảnh.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng không đi học ngày nào, Hòa Thượng Tịnh Không chỉ học đến Trung cấp. Thầy học Đại học. Thầy phải thi lại mấy lần môn tiếng Hán mới đủ điểm để được tốt nghiệp. Hồi đó, Thầy học tiếng Hán một cách chểnh mảng, không chịu nỗ lực. Sau đó, Thầy hoàn toàn thay đổi, học tập rất nghiêm túc. Thầy tên là Trần Văn Ánh. Các bạn học cũ của Thầy khi biết đến những đóng góp của Thầy đối với xã hội, không nhận ra Thầy nên hỏi: “Có phải đây là ông Ánh không?”. Thầy đã thay đổi. Sau 15 năm đã là một giai đoạn trong kiếp người rồi.
Bất cứ một giai đoạn nào, một thời điểm nào, chúng ta đều phải dụng tâm chân thành. Chúng ta không nên tự ti, mặc cảm, không nên xem thường mình. Nếu chúng ta không hoàn thành được trong 3 năm thì chúng ta kiên trì cố gắng trong 5 năm, 8 năm, 10 năm, nhất định chúng ta sẽ có thể hoàn thành.
Khi xưa, có người xem thường Thầy vì Thầy chỉ là một cư sĩ có gia đình, có vợ con. Trong tâm Thầy không hề oán hận khi họ nói ra như vậy. Thầy tự nhắc nhở chính mình phải nỗ lực học tập, phải nỗ lực hoàn thiện bản thân, xa lìa, hạn chế đến mức thấp nhất những hưởng thụ trong cuộc sống. Mười năm sau, họ nhìn thấy Thầy mà không còn dám khinh bỉ, xem thường. Họ xấu hổ và muốn rút lại những lời họ đã nói.