CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 639
LÒNG NGƯỜI KHÁC THƯỜNG NÊN HOÀN CẢNH ĐỜI SỐNG KHÁC THƯỜNG
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Bảy ngày 11/09/2021.
*****************************
“Lòng người khác thường nên hoàn cảnh đời sống khác thường”. Đây là lời Hòa Thượng nói cách đây hơn 30 năm, là lời dạy của bậc chân tu. Ngài luôn luôn không ngừng cảnh báo chúng ta. Từ Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến những vị Tổ Sư Đại Đức trong quá khứ và hiện đời đều cảnh báo chúng ta. Khi xưa, Ngài A Nan hỏi Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng sanh thời Mạt Pháp biết lấy gì để nương tựa?”. Phật trả lời: “Cần tu Giới, Định, Tuệ. Diệt trừ tham, sân, si”. Đây là then chốt làm cho hoàn cảnh sống của chúng ta tốt lên hoặc xấu đi. Nhưng không có mấy người nghe theo lời dạy của Phật.
Trái đất ngày càng nhiều thiên tai, động đất, sóng thần, gió bão. Trái đất ngày một nóng lên, nhiệt độ ngày càng tăng cao một cách khác thường. Bắc Cực vốn là một vùng xưa nay chưa từng bao giờ có mưa, nhưng tháng trước lại có mưa, khiến cho nhiệt độ nơi đó tăng lên, những dải băng vĩnh cửu tan ra. Nguyên nhân của những hiện tượng này đều là do tham sân si của con người. Ngày xưa, chúng ta không tin tưởng y tế trong nước mà có tâm hướng ngoại. Hễ bị bệnh nặng thì người có tiền sẽ đi ra nước ngoài để chữa bệnh. Một số đất nước giàu có thường hống hách, cho rằng bệnh khổ chỉ có ở những nước nghèo nàn lạc hậu. Nhưng giờ đây, những đất nước càng nổi danh lại càng thê thảm.
Hôm qua Thầy nói chuyện với một học trò sống ở bên Đức. Học trò báo rằng tình hình dịch bệnh bên ấy bây giờ bắt đầu tăng lên. Chính phủ đau đầu vì dân chúng biểu tình không chịu tiêm vắc xin. Họ cống cao ngã mạn, không tuân thủ theo chính phủ. Lòng người cống cao ngã mạn là nguyên nhân trọng yếu khiến cho làn sóng dịch bệnh ở đó đã tăng cao. Hòa Thượng nói: “Các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân, những đó chỉ là những nguyên nhân thứ yếu. Họ không tìm được nguyên nhân trọng yếu là tham, sân, si, mạn”. Gìn giữ thân tâm của mình cũng chính là tạo hoàn cảnh sống tốt đẹp cho chính mình.
Chỉ ở một câu lời Phật dạy: “Cần tu Giới, Định, Tuệ. Diệt trừ tham, sân, si”. Chúng ta đem lời dạy này của Phật áp dụng trong giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục tôn giáo. Người ta cứ bó chặt, cho rằng đây là Phật giáo nên họ không tiếp nhận. Chúng ta có thể giải thích lời Phật dạy một cách gần gũi hơn, dễ hiểu hơn. “Giới” là quy tắc của Quốc gia, chúng ta phải triệt để tuân thủ. Người làm bất cứ một nghành nghề nào trong xã hội cũng phải tận tâm tận lực làm một cách tốt nhất, biết hi sinh phụng hiến, biết lo nghĩ cho người khác, làm ra tấm gương tốt để mọi người học tập. Là một công dân thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ những chuẩn mực sống, tuân thủ phép nước lệ làng. Việc tuân thủ vừa là trách nhiệm, vừa bảo vệ và mang lại lợi ích cho chính chúng ta. Ví dụ trong giai đoạn dịch bệnh Covid, chính phủ đưa ra quy định 5K thì chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ. Khi tham gia giao thông, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ luật giao thông, đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình.
Phật dạy từ hơn 2500 năm trước, chỉ cần một câu thôi, chúng ta áp dụng vào cuộc sống thì sẽ bình ổn nội tâm, hài hòa cuộc sống, hài hòa thiên nhiên. Người ta càng lúc tham càng lớn, sân càng nặng, càng triền miên trong si mê, sống không tuân thủ, không phép tắc, không luật lệ. Họ tự đưa ra luật của riêng mình, gây chướng ngại cho bao nhiêu người.
Hôm trước, một người Mẹ chở con ra đường đi chơi, không đeo khẩu trang giữa mùa Covid, rồi chống đối lại lực lượng an ninh. Cảnh này đã làm náo loạn cư dân mạng. Con người ta khác thường, đầu óc không bình thường mà chính mình không nhận ra. Người xưa nói: “Y giáo phụng hành”. Câu này nói theo ngôn ngữ ngày nay là “nghe lời dạy mà làm theo một cách triệt để”. Quốc gia dạy bảo, Cha Mẹ dạy bảo, Thầy Cô dạy bảo thì chúng ta cứ nghe lời dạy mà làm theo một cách triệt để thì sẽ không dẫn đến hoàn cảnh khác thường.
Có người nói với Thầy rằng: “Thưa thầy, con làm nghề buôn bán nên con không thể không nói dối”. Thầy mắng luôn: “Nhìn cái miệng là biết đã nói dối quen rồi nên không quen nói thật!”. Người đó nghe Thầy nói một lần như vậy thì không dám gặp Thầy nữa.