CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 633
HỌC THEO ĐỜI SỐNG CỦA PHẬT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng Chủ nhật ngày 05/09/2021.
*****************************
Chúng ta phải học theo đời sống của Phật, học theo cách khởi tâm động niệm của Phật, học theo cách làm của Phật. Chúng ta phải dùng tâm của Phật, lời nói của Phật, hành vi của Phật thì mới được gọi là học Phật. Chúng ta không thể “một bước lên trời” vừa học Phật thì giống được ngay. Chúng ta phải làm từ những điều nhỏ, dần dần sẽ giống Phật. Nhiều người phải trải qua vô lượng kiếp tu hành, nhiều người chỉ cần trong một thời gian ngắn. Ngài Lục Tổ Huệ Năng vốn là một người đốn củi, tâm hồn rất thuần lương chất phác, chỉ nghe một câu thì bừng tỉnh ngộ và trở thành một con người hoàn toàn khác. Chúng ta thì khó vì vọng tưởng phân biệt chấp trước của chúng ta quá nhiều, nhiều đến mức không chỉ làm phiền bản thân mình mà còn làm phiền người khác.
Phật dạy rất kỹ: “Y trí bất y thức”, phải y theo trí tuệ, không y theo tình cảm. Đời sống của Phật không có tự tư tự lợi, không có tình riêng mà quan tâm đến tất cả chúng sanh. Chúng ta đa phần thì ngược lại. Chúng ta y theo tình cảm, thương ai đó thì sinh tâm chiếm hữu, khống chế, nhớ ai đó thì cứ gọi điện cho người đó, mua quà tặng người đó. Đó là tâm phân biệt chấp trước. Ví dụ chúng ta nhớ đến Thầy thì nên bắt chước làm theo Thầy, như vậy mới đúng! Chúng ta dính mắc hoàn toàn, sai lầm khi tự cho mình quyền yêu thương ai đó, bảo vệ người đó, thường xuyên thăm hỏi người đó. Đó là phiền phức, đó là cá nhân. Việc làm đúng nhất là chúng ta học tập điểm tốt của người đó và bắt chước làm theo.
Chúng ta học Phật thì phải học theo tâm của Phật, học theo lời nói của Phật, học theo hành vi của Phật. Thầy học Hòa Thượng thì cả đời Thầy luôn cố gắng làm theo Hòa Thượng, nhưng không mong cầu bất cứ điều gì từ Hòa Thượng. Thầy chưa bao giờ được trực tiếp gặp Hòa Thượng. Thầy chưa bao giờ tranh thủ cơ hội để gặp Ngài, để chụp hình kỷ niệm với Ngài. Thầy gặp Hòa Thượng trong những lần tham gia pháp hội ở Singapore, ở Anh (London & xứ Wales) nhưng Thầy đứng ở xa. Thầy đứng cách Ngài khoảng 5m nhưng không cố gắng được nói chuyện với Ngài bằng ngôn ngữ của Ngài để giới thiệu bản thân hoặc nói về những đĩa giảng của Ngài mà Thầy đã dịch. Thầy chỉ đứng nhìn, dùng mắt của mình để chụp hình lại vóc dáng, cử chỉ, thân tướng của Ngài. Trên giảng đường Ngài đoan nghiêm như thế nào thì ở bên ngoài Ngài cũng đoan nghiêm y như vậy.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn học Phật thì cách học là nương theo tiêu chuẩn của Phật để sửa đổi nơi chính mình. Chúng ta sửa đổi tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình theo tư tưởng, kiến giải, hành vi của Phật. Đành rằng nhất thời ta chưa giống Phật nhưng ta cố gắng làm, làm một cách chuyên cần, miệt mài thì chắc chắn sẽ giống”.
Trong cuộc sống này, Phật đã cảnh bảo mọi sự với chúng ta. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho nội tâm tinh thần của mình thì đến lúc gặp sự, đến lúc sanh lão bệnh tử chúng ta sẽ bị khủng hoảng. Lúc đó chúng ta vội vàng tìm sự bám víu thì Phật cũng không giúp được. Chúng sanh tâm cảnh như vậy nhiều vô số kể. Đến lúc đối mặt với sinh tử mới vội vàng đi tìm cầu sự màu nhiệm thì làm sao có được! Khi Thầy bị bệnh khổ, đối mặt với sanh tử, một mình Thầy âm thầm vượt qua. Thầy không nhắn tin thông báo cho mọi người, không làm cho mọi người bị động tâm. Một anh Trưởng tràng bên Mỹ hôm qua xem lễ tri ân Cha Mẹ, khi nghe Thầy Phương chia sẻ, anh ấy giật mình vì hồi Thầy sang Mỹ để tham gia Phật sự và các nghi lễ phóng sinh, Thầy đang ốm nặng mà anh ấy không hề hay biết. Chúng ta phải có sự chuẩn bị, không ỷ nhờ, không nương cậy.
Chúng ta học Phật thì phải đem tất cả những hành vi trái ngược với tự tánh thảy đều thay đổi lại. Như vậy mới là tu hành. Tu hành không phải là một ngày tụng bao nhiêu biến Kinh, lễ bao nhiêu lễ. “Hành” chính là hành vi.
⮚ Khởi tâm động niệm là hành vi của tư tưởng.
⮚ Lời nói là hành vi của miệng.
⮚ Tất cả những tạo tác của thân thể là hành vi của thân.
Hành vi dù nhiều nhưng Phật chỉ dùng 3 chữ Thân – Khẩu - Ý thì hoàn toàn bao gồm đầy đủ. Ta phải từ nơi đây mà sửa bản thân, nhìn vào tiêu chuẩn của Phật để sửa chính mình, nhìn vào tiêu chuẩn của những bậc Thầy khả kính như Hòa Thượng để làm theo. Như vậy mới đúng!