CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 627
LỜI CHÚC MỪNG KHÔNG THẬT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng Chủ nhật ngày 29/08/2021.
******************************
Hòa thượng nói: “Không nên nói những lời chúc mừng không thật”. “Người thời nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Khi họ nói lời không thật mà chúng ta tán tụng họ thì chúng ta đang hại họ. Hàng ngày, chúng ta chúc tụng nhau những lời khách sáo. Ngày lễ tết, người ta nói những lời chúc mừng sáo rỗng, thỏa mãn tự tư tự lợi, thỏa mãn năm dục sáu trần, thỏa mãn tham sân si mạn, thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng. Đây là những lời nói gây tội. Phật Bồ Tát và những người chân chính tu hành không bao giờ nói những lời này. Chúng ta phải đặc biệt chú ý!
Một trong “Ngũ giới” là khẩu: Không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác. Người học Phật mà nói lời hoa mỹ thì đó là lời nói vọng ngữ, nói lời không thật thì đó là lời nói thêu dệt. Chúng ta ngày ngày phạm lỗi lầm, phạm giới nặng, ngày ngày tạo tội báo mà không biết tại sao mình bất an, phiền não, tâm không Thanh Tịnh. Trong 5 giới thì 4 giới đầu (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối) là trọng giới, không có khai giới, không mở. Giới thứ 5 (không uống rượu) có khai giới, uống một chút rượu thuốc để chữa bệnh thì có thể uống.
Hòa thượng nói: “Năm mới đến, mọi người gặp nhau ai cũng nói: “Chúc mừng! Chúc mừng!”. Có điều gì đáng để chúc mừng đâu! Năm nay chúng ta đã già hơn năm trước, tháng này chúng ta đã già hơn tháng trước, ngày hôm nay chúng ta đã già hơn ngày hôm qua. Thời gian của chúng ta đã ngắn lại. Người trí tuệ nhìn thấy mà đau lòng. Người bất tri bất giác thì không đau lòng vì họ không nhận ra”.
Hiện nay, cả nước đang cực lực chung tay góp sức để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên vô cùng cực khổ. Nhiều người đã ngất xỉu vì mệt, nhiều người đã phỏng rộp toàn thân vì mặc bộ đồ bảo hộ suốt nhiều ngày. Vậy mà trong khi đó, nhiều người vẫn đang khoe của, khoe tài sản, khoe sự giàu có, khoe thân thể vòng 1, vòng 2, vòng 3. Đó là sự vô cảm. Nếu chúng ta là Cha Mẹ của những người này, là Tổ tiên của những người này thì chúng ta có xấu hổ không?
Thân tứ đại này một ngày nào đó sẽ tàn theo năm tháng. Đến một ngày nào đó khuôn mặt ta chảy xệ vì già nua, ta mới nhận ra đời là vô thường thì không còn kịp. Phật không dạy chúng ta bi quan mà dạy chúng ta sự thật để khi sự thật hiển bày ngay trước mắt thì chúng ta không tá hỏa, không khổ sở, không chạy khắp nơi để cầu khẩn.
Trước đây, sếp của Thầy bị bệnh sắp chết. Người nọ người kia mách cho ông ấy mua sừng tê giác mấy trăm triệu để chữa bệnh. Ông ấy đã mua, thậm chí không biết đó có phải là sừng tê giác thật hay không, nhưng cuối cùng ông ấy vẫn chết. Sắc đẹp, tiền của cũng nằm trong sự vô thường mà thôi. Người ta đã quay lại được quá trình tan rã của một xác chết. Một ngưởi rất đẹp nhưng khi họ chết, thân thể sình lên, vô số những con giòi ăn thịt cơ thể. Nơi nào đẹp nhất thì nơi đó những con giòi chui ra nhiều nhất. Cuối cùng cái xác chỉ còn bộ xương. Nhà Phật nói “vô thường” không phải để làm cho cuộc sống bi quan mà nói để chúng ta trân trọng thời gian, tìm ra cái “chân thường”, làm thật nhiều việc lợi ích tha nhân, cực lực mang lại lợi ích cho mọi người.
Người thế gian tranh thủ hưởng thụ, tranh thủ lấy thêm vợ, lấy thêm chồng. Sự ngạo nghễ của con người không thuyên giảm. Chúng ta phải tranh thủ thời gian để làm những việc vì lợi ích chúng sinh. Ông Cha ta đã dạy: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chúng ta phải đồng cảm, chia sẻ với những người cùng khổ. Đó mới là giá trị thật của cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn mở tâm, quan tâm, chia sẻ thiết thực chứ không nói những lời chúc mừng, khen thưởng sáo rỗng, không cần thiết.
Giai đoạn dịch bệnh này chúng ta có nhiều cơ hội tích công bồi đức, giúp đỡ cộng đồng. Mấy hôm nay, các Thầy Cô giáo ở Bình Dương mỗi ngày nấu 700 – 800 suất cơm để giúp mọi người vượt qua trận dịch Covid. Các anh dân quân đến lấy đồ ăn để mang đi chia tặng cho mọi người nhưng vẫn không đủ. Biết bao nhiêu người trên thế giới đang đau khổ, vậy mà có người mua vé để bay vào vũ trụ. Họ chỉ thỏa mãn cái ta, thỏa mãn lòng ích kỷ của bản thân. Người xưa thay vì may áo bông vải cho mình, họ may áo bông lau để may được nhiều áo, chia tặng cho mọi người. Người xưa đã làm ra những biểu pháp để giáo dục thế hệ sau.