128Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 624

BÁCH PHƯỚC LÂM MÔN

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 26/08/2021.

******************************

Năm mới đến, mọi người thường hay chúc “bách phước lâm môn”, trăm phước vào cửa. Phước từ đâu mà đến? Hòa thượng nói: “Trên “Kinh Niết Bàn”, Phật nói rất rõ ràng: Chúng ta học Phật nhất định phải biết tu phước. Phước liên quan mật thiết đến ba nghiệp Thân Khẩu Ý, chính là Mười Thiện ”.

MƯỜI THIỆN

THÂN: Không sát, đạo, dâm

KHẨU: Không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác

Ý: Không tham, sân, si

Hòa thượng nói: “Bạn dùng tâm như thế nào để tu Thập Thiện? Tâm của chúng ta phân thành 5 chừng mực: Thiện thượng thượng, thiện thượng trung, thiện thượng hạ, thiện bậc trung, thiện bậc hạ. Chúng ta hàng ngày quán sát tâm mình xem tâm mình là thiện bậc thượng, thiện bậc trung, hay thiện bậc hạ”. Trong thiện bậc thượng có 3 mức thượng thượng, thượng trung, thượng hạ.

Tâm chúng ta ngày nay đa phần là thiện bậc hạ, khó mà đạt đến thiện bậc trung. Bởi vì chúng ta lúc thiện, lúc không thiện, thiện có tư lợi. Việc như thế nào thì được coi là thượng thiện. Hòa thượng nói: “Việc tốt cần làm nên làm không công không đức”. Chúng ta làm thiện thì phải “tam luân thể không”, không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy vật cho. Chúng ta làm thiện ở mức nào thì nhận được kết quả ở mức đó. Nếu kết quả chưa tốt thì biết rằng chúng ta làm chưa tới. Thế gian có rất nhiều người làm việc thiện nhưng vì tự tư tự lợi mà làm, vì danh vọng lợi dưỡng mà làm. Rất nhiều người làm thiện vì để tô điểm tên tuổi của mình, tăng thêm danh vọng lợi dưỡng. Nếu không khéo thì việc thiện trở thành bất thiện vì nó chướng ngại tâm Thanh Tịnh của chúng ta. Điều này rất vi tế. Chúng ta phải kiểm soát từng tâm niệm của mình, chỉ cần lơ là thì sẽ vượt qua hàng rào, từ việc thiện trở thành chướng ngại.

Người hiểu rốt ráo làm ra những biểu pháp nhưng nhiều người không hiểu nguyên nhân vì sao. Cư sĩ Bàng đem tài sản bỏ xuống thuyền, đi ra giữa dòng sông, đục lỗ thả tài sản xuống sông. Gia đình ông từ đó làm nghề đan cỏ để sinh sống. Đó là bậc thượng căn. Họ làm ra biểu pháp để độ cho người thượng căn. Người ta hỏi: “Ông không dùng đến thì tại sao không mang đi cho người khác?”. Ông trả lời: “Việc tốt không bằng không việc gì!”.

Chúng ta làm việc tốt mà rơi vào danh vọng lợi dưỡng, thấy mình làm được quá nhiều việc thiện, dính mắc trong tâm. Dính mắc trong tâm thì chướng ngại, chướng ngại thì phiền não. Cách làm của người xưa đều là những bài pháp để độ cho một đối tượng căn tánh phù hợp nào đó.

Chúng ta cho rằng mình làm phước thiện, tích công bồi đức như vậy là quá tốt. Nhưng đối với người chuyên tu thì có thể đó là chướng ngại, ban đầu là người tốt làm việc tốt (hảo nhân hảo sự), nhưng cuối cùng trở thành người tốt nhiều chuyện (hảo nhân háo sự). Một lần, có một cư sĩ làm nhiều việc tốt. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam viết tặng người đó một câu “hảo nhân háo sự”. “Háo” là ham thích, người tốt nhiều chuyện thì không phải là người tốt.

Quan trọng là chúng ta làm mà không thấy mình làm, tận lực hi sinh phụng hiến, chí công vô tư. Khi làm việc thiện, ta phải xem tâm của mình đang ở mức nào. Nếu chúng ta làm việc thiện mà có phiền não thì việc đó trở thành chướng ngại, không phải là việc thiện. Nhiều người cúng dường tượng một vị Phật, ở chân tượng có ghi tên người cúng dường. Trong chùa, cột cũng khắc tên người cúng dường thì thiện đó chỉ ở mức hạ. Hòa thượng phân tích: “Chúng ta dùng tâm gì để tu thiện? Dùng tâm Thanh Tịnh để tu Mười Thiện, hoàn toàn vì lợi ích chúng sanh thì đây là Thượng Thượng. Liễu Phàm Tứ Huấn vì cầu công danh phú quý cho riêng mình, cầu tuổi thọ, cầu sinh con mà tu Mười Thiện, ngày ngày làm việc thiện. Đó là tâm thiện ở bậc hạ”.

Chúng ta tu thiện so với Viên Liễu Phàm có hơn được Ngài không? Hòa thượng nói: “Phước không dễ dàng tu được. Ban đầu ta làm rất khó. Liêu Phàm cư sĩ ban đầu phát tâm làm 3000 việc thiện, mười năm mới viên mãn. Sau khi làm viên mãn 3000 việc thiện trong mười năm đầu, ông lại phát tâm làm tiếp 3000 việc thiện, nhưng chỉ 3 năm thì làm viên mãn”. Nếu Viên Liễu Phàm phát tâm làm tiếp 3000 việc thiện thì có lẽ chỉ 1 năm là viên mãn. Chúng ta muốn học tập Viên Liễu Phàm thì 1 ngày làm 30 việc thiện, 10 ngày làm 300 việc thiện, 100 ngày làm 3000 việc thiện, 1000 ngày làm 30.000 việc thiện. Điều này có thể làm được!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook