141Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 610

TRÍ TUỆ KHAI MỞ RỒI MỚI CÓ THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 12/08/2021.

******************************

Chúng ta phải phân định cho rõ, trí tuệ có được từ tâm Thanh Tịnh. Người ra lầm tưởng rằng có nhiều học vấn, tri thức là trí tuệ. Trong tri thức mang theo phiền não, vọng tưởng. Trong trí tuệ không có vọng tưởng, không có phiền não.

Hòa thượng nói: “Trí tuệ khai mở rồi mới có thể giải quyết triệt để được vấn đề”. Dù tài năng thế nào cũng không giải quyết được vấn đề. Tri thức là từ nơi học vị, học nhiều môn, học nhiều ngành nghề, thông đạt nhưng tri thức mang đầy phiền não, vọng tưởng cho nên không giải quyết được vấn đề. Vấn đề là những niềm vui, nỗi đau trong cuộc sống mà người ta bế tắc không có cách giải quyết.

Người ta từng khoe khoang, sống trong ảo vọng, cho rằng có tiền thì có tất cả. Trong tình hình dịch bệnh Covid đang tràn lan như hiện nay, người giàu người nghèo đều như nhau. Cho dù người có tiền có vàng chất như núi cũng không làm gì được. Nhiều người nổi tiếng lừng danh trên thế giới cũng mắc dịch bệnh mà ra đi.

Phật đã cảnh báo: “Cuộc đời là vô thường, cõi nước là không an”. Người thế gian không tin nhưng lời Phật dạy không phải là mê tín. Tất cả đều nằm trong định luật “thành, trụ, hoại, không”. Đây là định luật bao trùm khắp pháp giới. Hòa thượng nhắc đi nhắc lại: “Cảnh tùy tâm chuyển, y báo tùy theo chánh báo chuyển”. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh mình. “Chánh báo” là nội tâm chúng ta. Hoàn cảnh xung quanh thay đổi theo nội tâm của chúng ta. Hoàn cảnh sống của chúng ta quá xấu thì biết rằng nội tâm của chúng ta quá xấu. Chúng ta học Phật, chúng ta đã biết cho nên không oán trời trách người. Người ta không học Phật, khi khổ đau, họ oán trời trách người mà không trách mình, không biết rằng tâm cảnh của mình quá xấu ác nên mới tạo ra hoàn cảnh hiện nay.

Hòa thượng dạy: “Người học Phật, không luận là tại gia, xuất gia, nam nữ, già trẻ, bất cứ lúc nào, nơi nào tất cả đều phải tuân thủ giới luật. Căn bản của giới luật chính là Đệ Tử Quy, chính là chuẩn mực làm người. Chuẩn mực làm người bắt đầu từ gia giáo. Đây là tập đại thành giáo dục gia đình mà người xưa đã làm ra. Cho nên các vị vạn nhất không nên xem thường”.

Tập đại thành gia giáo chính là chuẩn mực làm người. Không có nền tảng căn bản làm người này thì làm sao ta tu học Phật Pháp! Chúng ta đề xướng “Đệ Tử Quy” thì họ cho là xen tạp, cho là học phong kiến của nhà Nho. Trong gia đình thì phải có giáo dục luân lý đạo đức. Chuẩn mực làm người chính là tập đại thành gia giáo, chính là Đệ Tử Quy. Ở nhà thì phải học tập đại thành này.

Chúng ta học Phật thì tiến lên học Thập Thiện Nghiệp Đạo. Hòa thượng dạy: “Nếu bạn không học chuẩn mực làm người mà học Thập Thiện Nghiệp Đạo thì khó mà làm được một cách tròn đầy. Vì sao người học Phật hiện nay không làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo? Sa Di Luật Nghi là giới nhỏ của nhà Phật. Người xuất gia học Phật cũng không làm được Sa Di Luật Nghi vì họ mất đi nền tảng. Nếu Thập Thiện Nghiệp Đạo làm không được thì Tam Quy Ngũ Giới đều là giả, là lừa gạt chính mình, lừa gạt Phật Bồ Tát. Hành vi này không tốt. Vì sao người xưa làm được, nhưng người hiện tại làm không được? Vì người xưa từ nhỏ đã được học gia giáo, đã được học Đệ Tử Quy – chuẩn mực làm người cho nên họ có căn bản. Họ bước vào học Phật, rất dễ dàng thực hành Tam Quy, Ngũ giới, Thập Thiện Nghiệp Đạo. Người ngày nay không có nền tảng căn bản, không có giáo dục gia đình, lơ là giáo dục hiếu đạo”.

Có người cho rằng làm ăn buôn bán mà không nói dối thì không có lãi. Làm gì có chuyện như vậy! Có chủ doanh nghiệp một công ty thực hiện nói thật, không nói lời giả dối. Ông nói: “Sau một năm, kết quả thu được lớn hơn gấp đôi so với trước đây”. Người xưa có gì ngon thì mời Ông Bà ăn trước, sau đó mời Cha Mẹ, cuối cùng mới đến con cái. Người ngày nay dạy ngược, có gì ngon thì họ cho con cháu ăn trước, sau đó mới đến lượt Ông Bà, Cha Mẹ. Người xưa từ nhỏ đã tiếp nhận giáo dục chuẩn mực từ trong gia giáo. Họ được dạy từ trong giáo dục gia đình, mọi lời nói, cử chỉ, hành vi đều phải chuẩn mực. Khi đi ra đường, trẻ nhỏ cũng được người lớn nhắc nhở khi làm sai. Người ngày nay không tiếp nhận giáo dục. Chúng ta nhắc con của họ, nếu không khéo thì họ mắng chúng ta nhiều chuyện, họ cho rằng không phải con của chúng ta thì chúng ta không được nhắc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook