CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 609
GIỮ TÂM ĐƯỢC BÌNH LẶNG THÌ NIỆM PHẬT LÀ BÍ QUYẾT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Tư ngày 11/08/2021.
******************************
Giữ tâm được bình lặng thì niệm Phật là bí quyết. Ta không niệm Phật thì tâm sẽ có rất nhiều vọng tưởng. Trong cuộc sống đầy lo toan này, con người ta chính chặt với được mất, thành bại, tốt xấu, hơn thưa, chìm trong vọng tưởng, tâm không thể Thanh Tịnh.
Tâm Tịnh tương ưng với cõi Tịnh. Tâm không Tịnh không thể tương ưng với cõi Tịnh. Hòa thượng nói: “Tu hành chẳng qua là tu tâm. Tâm Thanh Tịnh là cốt yếu. Ngoài tâm Thanh Tịnh ra, tất cả đều là thứ yếu. Tâm Thanh Tịnh mới giải quyết được phiền não trên thế gian này. Tâm Thanh Tịnh mới giúp ta làm chủ được chánh niệm khi ta ở thế gian này và khi ta rời khỏi thế gian”.
Chúng ta thì lại coi tất cả mọi việc đều là quan trọng. Dù được người khác can gián, khuyên can nhiều lần nhưng chúng ta vẫn chấp chặt, vẫn cho rằng mình là đúng. Khi có người can gián chúng ta, chứng tỏ chúng ta đã chướng ngại họ. Chúng ta cảm thấy mình tự tại nhưng lại khiến người khác phiền não. “Phật Bồ Tát vô địch nhân”. Phật Bồ Tát không có người đối đầu. Chúng ta còn có người đối đầu là chúng ta đã gây chướng ngại cho người khác. Chúng ta gây chướng ngại cho người khác thì con đường sanh tử của chúng ta vẫn còn chướng ngại.
Hòa thượng nói: “Tu hành thì dễ, sửa cái tâm thì khó”. Tu hành để nhìn cho dễ coi thì dễ, nhưng chân thật sửa tâm mình thì không dễ. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều phải giữ tâm bình lặng. Nếu tu hành nhiều năm mà tâm không bình lặng thì coi như đã uổng phí. Lúc đó, tất cả những việc làm tốt đẹp trong quá trình chúng ta tu hành chỉ là phước báu, không phải là công đức. Tu tâm Thanh Tịnh, tự tại mới có công đức. Công đức mới giúp chúng ta vượt thoát sanh tử, tự tại trước mọi hoàn cảnh.
Ngay trong cuộc sống hiện tại, tâm Thanh Tịnh giúp chúng ta tự tại, không phiền não. Đối trước mọi thuận cảnh, nghịch cảnh, tâm ta không phiền mà chỉ gợn sóng lên một chút nhưng không dính mắc, không bận tâm, không kết thành phiền não. Giống như trên đường giao thông có những gờ cảnh báo để người lái xe chú ý sắp có nguy hiểm, xe của chúng ta hơi nảy lên một chút nhưng chúng ta đi qua một cách bình thường, không hề bận tâm, không khởi phiền não.
Khi nào tâm ta Thanh Tịnh thì lúc đó mới có công đức. Hòa thượng cảnh báo: “Đừng nghĩ rằng có phước báu nhiều thì không vào đường Súc Sanh. Có phước báu nhiều nhưng vẫn có thể vào cõi Ngạ Quỷ, cõi Súc Sanh để hưởng phước”. Có những con vật được chủ nhân mua về với giá rất đắt tiền và chúng được chăm sóc, cung phụng, hầu hạ rất chu đáo.
Ta tu hành mà vẫn kết thành phiền não thì sự nỗ lực của ta chỉ tạo thành phước báu, chưa phải là công đức. Tu hành, niệm Phật lâu ngày nhưng chưa chắc an toàn. Nhà Phật dạy: “Tu hành phải tu Tịnh Nghiệp”. Không tạo ác nghiệp, không tạo thiện nghiệp, mà phải tu Tịnh Nghiệp. Người ta đôi khi tranh làm việc để tạo phước. Chúng ta không tranh giành để làm việc tốt. Người ta tranh giành thì chúng ta nhường. Có tranh giành là có phân biệt chấp trước. Hòa thượng day: “Việc tốt cần làm, nên làm không công không đức”. Người tốt hàng ngày phải làm việc tốt một cách tự nhiên, không làm việc xấu, không làm vì để có công đức. Chúng ta phải tập cho tâm mình được như vậy.
Khi hiểu được điều này, chúng ta dụng tâm tu hành thì tự nhiên sẽ cảm nhận được sự an lạc. Chúng ta thuê được một ngôi trường to, đưa mấy chục người đến làm việc, đầu tư nhiều tiền của để tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất. Họ bắt đầu kiếm chuyện. Họ cho rằng chúng ta đã đầu tư nhiều như vậy, đã “cưỡi lên lưng cọp” thì sẽ phải năn nỉ, van xin họ. Nhưng nếu cần thiết thì chúng ta sẵn sàng trả lại mặt bằng ngay ngày mai, không cần phải bồi thường. Họ thấy chúng ta có tâm thái như vậy thì họ liền thay đổi thái độ, xuống nước. Chúng ta triệt để học theo Hòa thượng thì kết quả tốt đẹp. Hòa thượng nói: “Người ta tranh giành mà mình cũng tranh giành thì sẽ có đấu đá. Người ta giành thì mình nhường. Người ta tranh giành nữa thì mình nhường tiếp, vui vẻ mà nhường. Người ta mãi mãi tranh giành thì mình mãi mãi nhường”. Đạo lý này chúng ta nghĩ xem: Có thể giành được sao? Nhà Phật dạy: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một hụm nước đều là tiền định. Tiền định là phước báo của chúng ta. Chúng ta nhường chỗ này thì sẽ nhận được chỗ khác tốt hơn.