CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 607
CHÂN THẬT TU HÀNH TU TỪ CHỖ NÀO?
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Hai ngày 09/08/2021.
******************************
Ta cứ tìm chốn thanh vắng, yên tĩnh, không có phiền não để tu, cho rằng như vậy thì mới tốt. Thật ra nơi đó chỉ là Thanh Tịnh giả. Chúng ta từ nơi đối nhân xử thế tiếp vật mà không khởi tâm ưa thích, không khởi tâm chán ghét thì đó mới là Thanh Tịnh chân thật.
Hòa thượng nói: “Ta tu hành là tu từ chúng sinh. Gặp thuận cảnh ta không sinh tâm ưu thích, gặp nghịch cảnh ta không sinh tâm chán ghét. Đó mới là sự tu hành chân thật. Nếu xa lìa nghịch cảnh, xa lìa khó khăn thì ta không có sự khảo nghiệm. Ta mãi ở trong thuận duyên, thuận cảnh, không có khó khăn thì tự cho mình đã tu tốt, nhưng hễ chỉ gặp một chút khó khăn thì ta liền sinh tâm phiền não”.
Chúng ta phải chuyển đổi, tìm cách “tiêu hóa” phiền não. Mỗi chúng ta đều gặp phiền não, khác nhau ở thời gian “tiêu hóa” phiền não nhanh hay chậm, không để phiền não ngự trị ở trong tâm, không để phiền muộn đến mức mất ngủ. Có người phiền não chỉ một lúc, có người phiền não cả một đời. Đó chính là phân biệt, chấp trước.
Hòa thượng nói: “Mỗi ngày chúng ta niệm Phật, lạy Phật chính là để hàng phục tâm của mình, để bớt đi sự vọng động, bớt đi sự hướng ngoại. Nếu không niệm danh hiệu Phật thì tâm niệm vọng tưởng, niệm tài sắc danh thực thùy, niệm tốt xấu, được mất, hơn thua”.
Thời khóa là để buộc tâm lại. Nhưng thời khóa niệm Phật chỉ là thời khóa phụ. Thời khóa đối nhân xử thế tiếp vật trong suốt 24 giờ, chúng ta phải kiểm soát được tâm của mình. Đó mới là thời khóa chính. Có người cho rằng thời khóa ở trước Phật là thời khóa chính. Mỗi ngày họ dành 2 giờ thời khóa trước Phật, nhưng thời gian 22 giờ còn lại thì vọng động. Phàm phu chúng ta cần phải có thời khóa phụ trước Phật. Chúng ta phải hiểu rằng: Thời khóa phụ là thời khóa chính. Thời khóa chính là thời khóa phụ. Chúng ta thời khóa 2h trước Phật để kiểm tâm mình, để đưa tâm mình về quỹ đạo, từ đó suốt 22h còn lại chúng ta hướng tâm về sự chuẩn mực. Chúng ta không có thời khóa thì tâm mình chạy rong, suốt ngày chỉ vọng tưởng, lúc nào cũng nghĩ đến thành bại được mất tốt xất hơn thua, nhất là tình chấp. Rất khó!
Nhà Phật nói: “Ái bất trọng bất sinh Ta Bà”. Nghiệp ái mà không nặng thì không vào cõi Ta Ba này. Nghiệp ái của chúng ta nặng cùng cực! Con ma ái dục luôn canh chờ chúng ta. Con người chúng ta cho đến khi chết, khi đã vào hòm áo quan thì mới sợ. Không kiểm soát được bản thân mình thì rất nguy hiểm, nguy hiểm từng giây, chứ không phải từng giờ. Chúng ta phải luôn cảnh giác cao độ, đặc biệt không bao giờ cho mình có cơ hội, phải kiểm soát tâm mình theo từng giây!
Phật đã biết rõ căn tánh chúng sanh, Phật dạy “Tứ Y Pháp” để chúng sanh nương tựa vào bốn pháp này:
1. Y pháp bất y nhân: Chúng ta cứ y theo giáo pháp của Phật mà tu hành. Pháp không phải là người. Người cũng không phải là pháp. Người nói ra pháp đó nhưng chưa chắc người đó đã là pháp. Không có chuyện người đó sai thì pháp cũng sai.
2. Y nghĩa bất y ngữ
3. Y trí bất y thức: Con người phải có lý trí, nhưng không dựa vào lý trí của phàm phu mà phải nghe lời giáo huấn của Phật, nghe lời giáo huấn của Thánh Hiền, phải có sự tu dưỡng thì mới có trí tuệ. Chúng ta phải nương vào trí tuệ của Phật, trí tuệ của Thánh Hiền, không được nương theo tình cảm, không thương yêu một cách mù quáng, phải coi tất cả chúng sanh là như nhau.
4. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa
Tình chấp của chúng ta vô cùng nặng nề. Chúng ta phải có cái nhìn rộng lớn, xả bỏ tình chấp, cố quên nó đi, nhân rộng nó ra. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng, coi Cha Mẹ, con cái của người khác cũng là Cha Mẹ, con cái của mình để bình đẳng yêu thương. Mỗi chúng ta không ai thoát khỏi tình chấp nhưng chúng ta phải biết hoán đổi, nhân rộng, không để tâm mình khu trú ở một nơi hạn hẹp thì mới giảm được phiền não. Thay vì chỉ nghĩ đến một người Mẹ của mình thì chúng ta nghĩ đến rất nhiều người Mẹ đang đau khổ. Trong tình hình dịch bệnh khó khăn, chúng ta không chỉ lo lắng cho Cha Mẹ của mình mà lo lắng cho nhiều Cha Mẹ khác. Chúng ta không chỉ nghĩ đến con của mình mà cần nghĩ đến tất cả những người con khác.