CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 605
TÂM CHÚNG TA KHÔNG THANH TỊNH THÌ CÁCH XA VỚI PHẬT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Bảy ngày 07/08/2021.
******************************
Để có được tâm Thanh Tịnh thì tâm chúng ta phải trở thành một mảng tâm kết nối với nhau, trong đối nhân xử thế tiếp vật chỉ có một tâm, gọi là “nhất tâm”. Hàng ngày, chúng ta “nhất tâm” hay hai tâm, ba tâm, bốn tâm…? Tâm đó không phải là tâm chân thành. Chúng ta bị chi phối bởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, từ đó chúng ta cứ ở trong trạng thái được mất, tốt xấu, thành bại, hơn thua, làm gì cũng cân đo đong đếm chứ không xuất phát từ tâm chân thành. Chúng ta so đo tính toán, người này là học trò, người này là đồng môn, người kia là người cùng Hệ thống…
Đức Phật là “Như Lai”, như thật, không thay đổi, thường hằng. Còn chúng ta thay đổi rất nhanh, ý niệm trước và ý niệm sau đã thay đổi. Trong một khảy móng tay có 32 triệu ý niệm. Mỗi một ý niệm đều có hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần. Ví dụ một cái đĩa video thì cái đĩa là hiện tượng vật chất, nội dung bên trong cái đĩa video là hiện tượng tinh thần. Nếu chúng ta bẻ vụn cái đĩa video thì không còn nội dung, hiện tượng vật chất vẫn còn nhưng không còn hiện tượng tinh thần. Một thước phim có rất nhiều hình ảnh khác nhau, 1 giây có 24 khác nhau tấm phim chạy qua, tạo thành sự chuyển động. Ý niệm của chúng ta cũng thay đổi như vậy. Chúng ta hoàn toàn chìm trong trạng thái vọng tưởng phân biệt, không được nhất tâm.
Hòa thượng nói: “Người ngày nay ngồi đó nếu không niệm Phật, thì không vọng tưởng thì ngủ gục”. Đa phần người ta không niệm Phật, ngồi lim dim là đang chìm trong vọng tưởng. Nếu vọng tưởng của chúng ta có hình tướng thì một giây có một trăm mấy chục triệu ý niệm, trở thành một tấm phim thì chúng ta không biết cất chứa đi đâu.
Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Thế Tôn hỏi Bồ Tát Di Lặc: “Trong một niệm thô có bao nhiêu vọng niệm vi tế?”. Bồ Tát Di Lặc trả lời: “Trong một khảy móng tay có 32 triệu ý niệm. Trong một giây có 4 lần khảy móng tay”. Ý niệm nhanh đến mức A La Hán cũng không nhận ra. Tâm Phật ở sẵn trong ta, nhưng chúng ta rất xa tự tánh Thanh Tịnh, cho nên Tự Tánh trong ta tìm hoài không thấy. Chúng ta rời xa Phật bởi vì tâm Phật của chúng ta bị vùi lấp trong một đống vọng tưởng. Chúng ta phải học cách gom tâm của mình lại, đối nhân xử thế tất cả đều chỉ một mảng chân thành. Ví dụ, chúng ta đi mua quà tặng mọi người, chúng ta tặng mỗi người một món quà khác nhau phụ thuộc vào địa vị của họ. Đó là tâm không chân thành, đó là tâm phân biệt. Một mảng chân thành không dễ làm! Chúng ta nghe từ “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước” nhưng thực sự không hiểu. Dòng vọng tưởng của chúng ta như một dòng suối vô tận.
Phật nói:
Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu.
Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu.
Thời kỳ Mạt pháp, Tịnh Độ thành tựu.
Chúng ta đã trải qua 500 năm đầu của thời kỳ Mạt Pháp. Tịnh Độ là giữ câu “A Di Đà Phật”. Kể cả trong lúc chúng ta đang niệm Phật nhưng vọng tưởng cũng quá nhiều. Cho nên chúng ta phải tập gom tâm để tâm mình dần dần xa lìa sự phân biệt, một mảng chân thành. Ta làm bất cứ việc gì cũng phải dùng một tâm chân thành, một tâm thành thật, một tâm nhiệt tình như nhau. Chúng ta hàng ngày có những động thái, hành động đa phần là biểu diễn, làm cho dễ coi. Có người nhìn thì ta làm khác, có một mình ta thì ta làm khác. Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm này. Tâm này không phải là tâm chân thành. Không chân thành thì xa lìa Tự Tánh, không thể gần được với tự tánh Thanh Tịnh. Tâm của chúng ta vốn Thanh Tịnh như Phật, không khác. Cho nên chúng ta phải hồi phục tâm của mình, hàng ngày kiểm soát, đối nhân xử thế tiếp vật của chính mình. Chúng ta cũng có thói quen, có tập khí nói dễ nghe. Nói lời bóng bẩy, nói lời dễ nghe thì hào phóng, nhưng tiền bỏ ra thì không hào phóng.
Nhiều năm rồi, Thầy phải tập làm. Đối với Mẹ, đối với con, đối với người thân, đối với người không quen biết, đối với người không biết mặt, Thầy đều giúp đỡ như nhau, không phân biệt. Chúng ta làm dù chưa đạt được đến mức làm một cách tự tại nhưng phải tập làm. Lúc đầu chúng ta cảm thấy khó, nhưng về sau quen dần, không thấy khó nữa. Dần dần, ta hướng về nhất tâm, hướng về một mảng tâm chân thành.