137Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 603

NGƯỜI TIN PHẬT AN VUI

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 05/08/2021.

******************************

Người tin Phật an vui, mọi thứ đều không có lo lắng. Chúng ta thường nghe nói, học Phật là học an vui, học Phật là học giải thoát, tự tại, không vướng bận. Vậy mà người học Phật nhiều năm mà vẫn không tự tại, không an vui. Nhiều người đã quy y Phật mà vẫn lo lắng, bận tâm nhiều thứ. Ta tưởng rằng ta đã quy y Phật thì ta tin Phật sao? Chưa phải!

Tin Phật thì phải y giáo phụng hành. Tin Phật là phải thật làm.

Chưa hiểu giáo huấn của Phật một cách tường tận thì chưa phải là tin Phật.

Đã hiểu tường tận giáo huấn của Phật nhưng không làm thì cũng chưa phải là tin Phật.

Làm theo lời Phật dạy, nhưng chưa thiết thực làm, làm nửa chừng, làm nửa vời cũng chưa phải là tin Phật.

Có quy y Phật, có được Pháp danh cũng chưa phải là tin Phật.

Phật dạy chúng ta: “Cần tu Giới – Định – Tuệ, diệt trừ Tham – Sân – Si”. “Cần” là “chuyên cần”. Ngày ngày chúng ta có chuyên cần tu Giới, tu Định, tu Huệ hay không?

TU GIỚI: “Giới” là những điều cấm, những điều không nên làm, ta không được vượt qua những chuẩn mực đó.

TU ĐỊNH: Tu định là giữ cho tâm Thanh Tịnh, luôn kiểm soát tâm mình, không để dấy khởi động niệm. Ngày ngày ta để cho vọng niệm dấy khởi, toàn là những vọng niệm bất thiện: Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Đây chính là cội gốc.

TU TUỆ: Chưa chắc những điều bản thân mình cho là thiện, là tốt đã đúng. Vì vậy mọi thứ ta đều phải dựa vào trí tuệ, tiêu chuẩn của Phật để quán sát xem: Những việc ta làm có sai với lời dạy của Phật không? Có sai với lời dạy của Thánh Hiền không? Có sai với chuẩn mực, phép tắc, giới điều, pháp luật quy định hay không?

Nhiều người tin Phật một cách mù quáng, tin theo kiểu tin thần quyền, coi Đức Phật như một vị thần ban phước giáng họa. Phật không có năng lực ban phước giáng họa cho chúng ta. Phật dạy bảo để chúng ta chính mình tích công bồi đức. Nhưng từ lâu, đại chúng trong cộng đồng xã hội coi Đức Phật như một vị Thần ban phước.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói rất rõ: “Trên bước đường giải thoát, ta chỉ là kẻ dẫn đường. Đi đến được hay không, các con phải tự nỗ lực mà đi”. Trên bước đường tu tích công đức, chính chúng ta cũng phải tự tu tích theo những giáo huấn, những chuẩn mực mà Phật đã dạy, y giáo phụng hành. Người có thể ban phước cho ta chính là ta. Nhưng ít người biết được như vậy. Từ lâu, ở nhân gian, người ta đã biến Phật thành một đấng Thần linh, biến nơi thờ Phật thành nơi để cầu xin. Tất cả bài trí ở nơi cửa Phật đều là phương tiện giáo dục chứ không phải là nơi để ban phước.

Hòa thượng ra nước ngoài giảng Kinh, khi về thăm Thầy Lý Bỉnh Nam, Thầy Lý Bỉnh Nam nói với Hòa thượng: “Ông phải tin Phật!”. Hòa thượng lúc đó đã xuất gia, đã là giảng sư đi giảng Kinh thuyết pháp khắp nơi. Lúc đầu Hòa thượng giật mình và không hiểu, sau đó Ngài mới hiểu lời Thầy của mình. Tin Phật” là bản thân mình phải thật làm theo những gì Phật dạy chứ không chỉ là tiếp nhận giáo huấn của Phật rồi đi giảng giải, nói cho người khác nghe.

Chúng ta phải đặc biệt chú ý! Nhiều người nghĩ rằng mình đã thông hiểu, mình đã có thể giảng giải cho người khác nghe nhưng bản thân mình còn nguyên những phiền não, tập khí, thói quen xấu, vọng tưởng vẫn còn nguyên. Vậy thì không phải là tin Phật, không thể có an vui! Nếu ta vẫn bị tập khí sai khiến, tự tư tự lợi còn nguyên, danh vọng lợi dưỡng còn nguyên, ngày ngày chìm đắm trong hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn đều đều, vậy thì học Phật nhưng ngày nào cũng phiền não, tâm vẫn bất an, bởi vì không làm đúng theo lời Phật dạy.

Hòa thượng nói: “Tin Phật là phải thật làm. Chưa thật làm thì chưa phải là tin Phật”.

Nhiều người đã quy y Phật, đã có Pháp danh, đã đi chùa nhiều năm, đã ăn chay rát ruột nhưng khổ đau vẫn khổ đau, ngày ngày phiền não vẫn phiền não. Họ không biết cách giải quyết, quay trở lại trách Phật, cho rằng Phật không linh. Họ tu hành nhiều năm nhưng tập khí vẫn còn nguyên, tâm bao chao, nóng vội, hấp tấp, đường đột. Vì vậy, họ chỉ có phiền não, không có an vui, cuối cùng rất rất nhiều người bỏ Phật mà đi. Chúng ta cũng phải phản tỉnh chính bản thân mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook