CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 600
TẬN TRÁCH NHIỆM, TẬN BỔN PHẬN
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Hai ngày 02/08/2021.
******************************
Chư Phật Bồ Tát, chư lịch Đại Tổ sư đều là người tận trách nhiệm, tận bổn phận. Phật không dạy chúng ta bỏ đi trách nhiệm hay thờ ơ với bổn phận của mình. Trong giáo dục Thánh Hiền, các Ngài cũng dạy chúng ta tận trách nhiệm, tận bổn phận. Thánh Hiền dạy chúng ta làm tốt các mối quan hệ ngũ luân. Phật Bồ Tát dạy chúng ta ngay trong đời này bỏ đi tất cả những việc ác, vâng làm tất cả những việc thiện, sống cuộc sống an vui để bảo đảm đời này, đời sau và đời sau nữa đều ở trong đường thiện. Phật Bồ Tát tận tâm tận lực vì chúng sanh.
Đôi khi chúng ta tưởng mình cô độc trên cuộc đời này, tưởng rằng không có ai quan tâm mình, thậm chí chúng ta chối bỏ Phật Bồ Tát, chối bỏ chính mình. Thật ra đó là vọng tưởng. Phật Bồ Tát luôn ở bên ta. Chỉ cần chúng ta giác ngộ, hồi đầu, khi duyên chín muồi thì Phật Bồ Tát sẽ vì chúng ta mà ban pháp lành. Hòa thượng nói: “Bạn tưởng rằng trong vòng sinh tử vô tận này, bạn chỉ có một mình hay sao? Phật Bồ Tát luôn dõi theo bạn. Vì bạn tạo nghiệp nên bạn phải sinh tử luân hồi. Bạn tạo nhân ác nên bạn phải nhận lấy quả ác. Chư Phật Bồ Tát đứng bên ngoài luôn tìm những phương tiện khéo léo nhất để có cơ hội tiếp cận bạn, giúp bạn giác ngộ. Phật Bồ Tát luôn tận trách nhiệm, tận bổn phận đối với tất cả chúng sanh”.
Các bậc Thánh Hiền cũng tận bổn phận, tận trách nhiệm đối với tất cả chúng sanh. Các Ngài hoàn toàn buông bỏ sự an ổn cho bản thân, không sợ khó, không lánh nạn. Các Ngài lúc nào cũng ôm ấp bi nguyện “Vô Duyên Đại Từ” ở trong tâm, không phân biệt, không chấp trước, hoàn toàn vô điều kiện, tìm cơ hội để tiếp cận chúng sanh. Đó là sự thật. Chỉ có con người chúng ta trong thời Mạt Pháp này quên đi bổn phận, quên đi trách nhiệm của mình, vong ân bội nghĩa. Chúng ta mải xa lìa tự tánh, cứ chạy theo tập tánh, chạy theo những tập khí xấu ác, càng lúc càng cảm thấy hình như mình bị bỏ rơi.
Chúng ta không cảm nhận rõ điều đó nhưng chúng sanh ở các tầng không gian khác cảm thấy rất rõ. Hôm trước, có một chúng sanh ở tầng không gian khác được Thầy đặt tên là Diệu Âm Liên Tuệ. Vị này cảm nhận rõ Phật Bồ Tát rất từ bi. Chúng sanh ở tầng không gian khác họ không chịu phát tâm tu tập, nếu họ phát tâm tu tập hướng thiện thì cũng gặp phước lành, cũng gặp Phật pháp. Tâm của họ rất thuần thiện, thuần Tịnh. Chúng ta có cái thân thì cứ để cho bao nhiêu tập khí phiền não che mất hết tâm thuần Tịnh, thuần thiện ấy. Chúng sanh ở những tầng không gian khác không có thân, cho nên không có nhiều tập khí, chỉ còn tâm thức. Thân chúng ta đòi ăn, đòi ngủ, đòi danh, đòi lợi, đòi đủ thứ, thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu. Họ thì chỉ có thân trung ấm, bị nỗi bức bách khổ đau của nghiệp lực chi phối cho nên họ cảm nhận được rất rõ ràng. Chúng ta thấy rõ, dù ở cõi người hay cõi vô hình, cõi Quỷ thì thiện tâm và tâm chân thành luôn luôn có kết quả tốt.
Ngày xưa Thầy đi làm, tranh đua mà kiếm tiền. Lúc đó kiếm tiền rất dễ cho nên rất nhiều người xa đọa, tiêu pha hoang phí, ăn chơi vô độ. Thầy nhờ có tâm thiện lành cho nên đã tránh xa được môi trường đó, rồi gặp được Phật pháp. Thầy pháp tâm dạy học miễn phí, mong muốn đem những điều tốt đẹp đến với mọi người. Nhờ pháp tâm thiện lành mà Thầy gặp được Sư Bà ở Vũng Tàu. Sư Bà nhận được một thùng Kinh sách gần 1,5 tấn sách. Thùng Kinh sách đó đã nằm trong kho gần chục năm, nếu không có ai nhận thì sẽ bị tiêu hủy. Sư Bà là người có công rất lớn. Sư Bà xin những thùng Kinh sách đó về chùa, trong đó có 2 thùng đĩa là những bài giảng của Hòa thượng Tịnh Không. Thầy phát hiện ra 2 thùng đĩa những bài giảng đó và mang về nghe. Rõ ràng tâm thiện lành gặp được pháp lành. Nếu không nhờ duyên thiện lành đó thì biết đâu mà tìm? Cho nên dù ở cõi người hay cõi vô hình, phải giữ tâm thiện lành, một lòng một dạ hướng thiện, hôm nay chưa gặp được pháp lành thì chắc chắn nhiều năm sau sẽ gặp được.
Chúng ta tận trách nhiệm, tận bổn phận thì sẽ làm ra những tấm gương cho bao nhiêu người. Hòa thượng giải thích: “Chúng ta ở trong xã hội này, phải nghĩ đến cương vị công tác của chính mình, phải tận bổn phận của chính mình. Từ bổn phận của chính mình, nơi nơi đều vì người lo nghĩ, không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn gánh vác, làm tốt việc của người khác. Ví dụ chúng ta làm nghề kinh doanh buôn bán thì nhất định phải nơi nơi tận tâm tận lực vì khách hàng mà lo nghĩ. Chúng ta bán hàng thì sản phẩm của chúng ta nhất định phải có giá trị đích thực, có giá trị thật, nhất định không làm cho người khác bị thiệt thòi, bị lỗ lã”.
Đây là tâm thiện lương rất lớn! Ngược lại, tâm xấu ác thì không có cơ hội gặp thiện pháp, không có cơ hội gặp pháp lành. Tự tánh là thuận Tịnh thuần thiện. Chúng ta xa rời tự tánh, chạy theo tập tánh, chạy theo những tập khí xấu ác thì làm gì có cơ hội gặp pháp lành. Thầy nghe Hòa thượng nói từ lâu rổi, sau đó Thầy mới hiểu ra. Ai cũng mưu lợi, hại người lợi mình thì cả xã hội hại chết lẫn nhau.
Hôm qua Thầy gửi cho mọi người xem một video clip rất kinh khủng. Họ nhúng bó rau cải cúc héo vào một chậu dung dịch, chỉ sau 1 – 2 phút thì mớ rau đang héo lập tức trở nên xanh tươi như rau vừa mới cắt. Thế mới biết, chúng ta ăn rau nhưng chưa chắc đã thoát nạn. Bao tử chúng ta làm sao chịu nổi khi hàng ngày tiếp nhận những loại thực phẩm bẩn như vậy! Những luống rau sạch mình tự trồng thật là giá trị! Người ta chỉ vì một chút lợi nhỏ cho bản thân, chỉ vì kiếm một chút tiền mà sẵn sàng gây đại bệnh cho người khác. Vậy thì xã hội làm sao mà tốt đẹp được! Thiên tai, nhân họa, dịch bệnh đều do tâm con người mà sinh ra. Biến chủng virus hiện nay dù kinh khủng nhưng có kinh khủng bằng tâm con người không?
⮚ Thương nhân Bồ Tát: Người làm nghề buôn bán phải dụng tâm, làm việc mà không hổ thẹn với mình, không hổ thẹn với người, không hổ thẹn với lương tâm, phải có trách nhiệm với người, có trách nhiệm với xã hội, có sự cống hiến đối với với cộng đồng xã hội. Đây chính là thương nhân Bồ Tát.
⮚ Nhân viên Bồ Tát: Một người nhân viên, một người công nhân luôn tận trách nhiệm, tận bổn phận, việc nên làm thì tận tâm tận lực mà làm. Đây chính là một nhân viên Bồ Tát, một công nhân Bồ Tát.
⮚ Người nội trợ Bồ Tát: Thậm chí người nội trợ trong gia đình cũng phải dốc hết tâm sức, tận tâm tận lực làm tốt mọi việc nhà, chăm sóc chu đáo người già, người trẻ, người lớn, người bé trong gia đình, khiến mọi người có đời sống an vui. Đây chính là người chủ gia đình Bồ Tát.
⮚ Bồ Tát: Chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, tất cả những công việc, những sự việc chúng ta giải quyết, mọi việc chúng ta làm đều phải tròn đầy, không có kém khuyết. Chúng ta tận tâm tận lực mà làm nhưng trong tâm Thanh Tịnh, không vướng mắc, không chấp trước. Đây chính là Bồ Tát.
Hòa thượng nói: “Phật pháp không dạy bạn bỏ đi bổn phận của mình, không làm việc gì mà Phật pháp dạy bạn phải làm mọi việc một cách tốt đẹp nhất, làm ra tấm gương tốt để mọi người nhìn vào học tập theo”.
Có người sau khi biết đến Phật pháp thì suốt ngày chỉ niệm Phật rất nhiều, nhưng bỏ hết mọi việc, không làm gì cả, thậm chí bỏ cả chồng con, bỏ luôn cả gia đình sự nghiệp, khiến gia đình tan nát, con cái bơ vơ. Đó là một sự sai lầm. Chẳng qua là họ tự hiểu, tự cho là như vậy, rồi đi dạy người khác. Bản thân mình lờ mờ, dạy cho những người lờ mờ, cuối cùng tất cả đều lờ mờ, chính mình không tạo được phước lành mà còn tạo ra nhiều oan nghiệp. Thậm chí có người bỏ luôn Phật pháp, vì chính người có sức ảnh hưởng đến họ đã bỏ pháp môn Tịnh Độ, bỏ học pháp Hòa Thượng. Nhân quả này thật sự không hề nhỏ! Ngay trong đời này, họ đã gặp quả báo chứ không cần phải đợi đến đời sau.
Tu hành Phật pháp không ngoài tu tâm Thanh Tịnh, làm tốt mọi công việc trong vai trò bổn phận trách nhiệm của mình nhưng tâm Thanh Tịnh, không hề vướng mắc. Đây mới là điều quan trọng. Tâm Thanh Tịnh sinh trí tuệ. Khi có trí tuệ thì đối nhân xử thế tiếp vật, bạn đều sẽ làm được viên mãn tròn đầy, làm được đến tốt đẹp nhất, làm ra được tấm gương để mọi người học hỏi.
Hòa thượng nói: “Nếu đối với tất cả mọi công việc chúng ta làm, dù là công việc của gia đình hay công việc trong sự nghiệp, nói chung là đối với tất cả mọi công việc trong vai trò, bổn phận của chính mình mà chúng ta đều làm tốt thì chúng ta học Phật có chướng ngại gì không?”. Nếu bạn hỏi câu này thì chứng tỏ bạn là người chưa biết gì. Chướng ngại chính ở chỗ bạn dính mắc. Tận bổn phận, tận trách nhiệm, tận nghĩa vụ mà không dính mắc. Bạn dính mắc cho nên bạn bị chướng ngại”.
Một Phật tử gần 60 tuổi hỏi Thầy: “Chồng của con trước đây phát tâm rất tốt, còn phát tâm chở Quý Thầy đi Phật sự, bây giờ chồng con không ủng hộ việc con học Phật nữa, thường gây chướng ngại cho con. Hàng ngày con mặc áo lam trong nhà, buổi tối thì con ngủ riêng ở bàn Phật”. Một lần Thầy giảng pháp ở một đạo tràng ở Hồ Tây, một người đàn ông nói rằng: “Từ ngày học Phật đến giờ, 4 năm qua con chỉ được nằm dưới đất”. Đó là một sự sai lầm.
Hòa thượng nói: “Chướng ngại ở chỗ bạn dính mắc chứ không phải chướng ngại ở bổn phận. Bạn tận bổn phận, tận trách nhiệm, tận nghĩa vụ nhưng bạn phải giữ tâm thản nhiên, không dính mắc. Bạn không dính mắc ở chỗ này thì lại dính mắc ở chỗ khác. Cuối cùng chính sự dính mắc chướng ngại tâm Thanh Tịnh của bạn. Việc gì chướng ngại tâm Thanh Tịnh thì bạn đừng làm!”. Quan trọng tu hành ở gốc chính là tâm Thanh Tịnh. Chúng ta làm tốt tất cả bổn phận trách nhiệm của mình nhưng không để chướng ngại tâm Thanh Tịnh.
Tổ Ấn Quang đã dạy: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”.
“Đốn luân tận phận”: Chúng ta phải dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình. Vai trò làm vợ, vai trò làm chồng, vai trò làm Cha, vai trò làm Mẹ, vai trò làm bạn, vai trò làm nhân viên của một công ty, vai trò một công dân của Tổ quốc. Chúng ta phải làm đến mức người khác nhìn vào thấy chúng ta như một tấm gương sáng. Như vậy mới là “đốn luân”.
“Nhàn tà tồn thành”: Lúc rảnh rỗi, không để tâm mình khởi vọng tưởng, phóng túng, sinh tâm động loạn.
“Chí tâm niệm Phật”: Cả đời chúng ta phải luôn giữ cho tâm mình Thanh Tịnh, thuần thiện thuần tịnh “chí tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”.
Hòa thượng nói: “Phật pháp không dạy chúng ta bỏ đi vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mình mà dạy chúng ta phải làm tốt mọi vai trò, bổn phận, làm ra những tấm gương. Người nội trợ thì phải là Bồ Tát nội trợ, người công nhân thì phải là Bồ Tát công nhân, người chủ doanh nghiệp thì phải là Bồ Tát chủ doanh nghiệp. Tận tâm tận lực làm tốt mọi bổn phận của mình, nơi nơi đều vì người khác mà lo nghĩ. Đó là tâm Phật, tâm Bồ Tát. Với tâm thiện lành như vậy, chắc chắn bạn gặp được pháp lành! Dù ở trong khổ nạn thì bạn vẫn bình bình yên yên mà trải qua”.
Hòa thượng nói: “Chúng ta không phải lo sợ dịch bệnh. Chúng ta cứ khởi tâm thiện lành, làm tốt mọi việc, tận tâm tận lực giúp đỡ người khác”. Trong thời gian dịch bệnh này, các Thầy Cô ở trường Mầm non Khai Minh Trí – quận 7 đã làm rất tốt. Một số Thầy Cô trong Hệ thống thì đi hỗ trợ Trung tâm trẻ em mồ côi ở Bình Dương. Một số Thầy Cô thì mỗi ngày nấu 200 suất cơm để hỗ trợ các y bác sĩ, giúp họ có thêm động lực chống dịch. Nếu các y bác sĩ nơi nơi đều được động viên về tinh thần như vậy thì họ sẽ làm việc rất tốt. Trong thời gian giãn cách chống dịch, có người đi một mạch từ miền Tây lên Sài Gòn, vượt qua được tất cả các chốt kiểm dịch dày đặc để làm tình nguyện viên, gia nhập đội ngũ hỗ trợ chống dịch. Tình hình dịch bệnh như thế này đang rất cần, cần lắm những sự hỗ trợ. Chúng ta cần phải phát huy hết sức mình. Ngay trong tâm dịch, chúng ta cứ phát tâm làm. Chúng ta không thể hỗ trợ tất cả những người bệnh thì chúng ta có thể hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ về cơm ăn, nước uống.
Hòa thượng nói: “Tận trách nhiệm, tận bổn phận. Phật Bồ Tát không dạy chúng ta trốn tránh trách nhiệm. Phật Bồ Tát dạy chúng ta gánh vác, làm tốt mọi việc, nhưng điều quan trọng là phải giữ được tâm Thanh Tịnh”. Dù ở cõi Người, cõi Quỷ Thần hay bất cứ cõi nào, chúng ta cứ một mảng tâm chân thành thì nhất định sẽ gặp được pháp lành, gặp được thiện duyên.
Cô Diệu Âm Liên Tuệ đã nhiều đời nhiều kiếp mượn thân chim để vào chùa nghe pháp. Khi nhập vào một người, mượn được thân người, chỉ nghe pháp Pháp mấy ngày rất chuyên cần mà trí tuệ sáng ra, phát triển từng ngày rõ ràng. Điều quan trọng là cô ấy rất trọng chữ “tín”. Thầy cảm động nhất chính là ở chỗ này. Cô ấy hứa 9h sẽ đi và đã đi lúc 9h kém 5 phút. Đây là bài học quý giá cho chúng ta. Con người phải giữ chữ “Tín” như vậy. Hòa thượng nói: “Con người ngày nay nhiều khi còn thua quỷ thần”. Trước khi cô ấy đi, cô ấy còn dặn dò, nói cho chúng ta biết rất nhiều thông tin.
Hòa thượng nói một câu khiến Thầy rất cảm động: “Cả đời của tôi không lừa gạt ai. Cả đời của tôi là một mảng chân thành”. Chính tâm chân thành của Ngài đã độ được biết bao nhiêu người. Chúng ta dù ở trong bất cứ cảnh giới nào, thiện tâm chắc chắn có thiện quả. Chúng ta phải giữ thiện tâm, tận trách nhiệm, tận bổn phận. Chúng ta đừng hỏi người khác xem họ có tận trách nhiệm, tận bổn phận hay không! Chúng ta phải hỏi chính mình xem chính mình có tận trách nhiệm, tận bổn phận hay không!
******************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!