129Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 599

TU PHƯỚC ĐIỀN TỐI THẮNG AI CŨNG TU ĐƯỢC

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng Chủ nhật ngày 01/08/2021.

******************************

Phước điền tối thắng” là tâm Thanh Tịnh, đời sống không có lo toan, không có ưu tư. “Phước điền” không phải là có địa vị, có tiền của. Phước điền lớn nhất là bố thí pháp. Pháp thí lớn hơn tài thí, lớn hơn vô úy thí. Pháp thí là đem Phật pháp đến cho người, in Kinh, in sách thiện, giúp người có cơ hội tiếp xúc với giáo huấn của Phật, giáo huấn của Thánh Hiền, từ đó mà giác ngộ.

Trước đây, Thầy cũng tranh danh đoạt lợi, mưu cầu hưởng thụ. Con người ta không chỉ giàu có, có địa vị mới kiêu ngạo, ngông cuồng, mà người không có tiền, không có địa vị cũng ngạo mạn. Tăng thượng mạn là người quá ngạo mạn, quá tự cao, cực kỳ kiêu ngạo. Nếu không được học giáo huấn của Phật Bồ Tát, giáo huấn của Thánh Hiền thì chúng ta không có cơ hội nhận ra. Chúng ta là những người quá may mắn! Trong thời kỳ Mạt Pháp, chúng sanh có quá nhiều tập khí mà chúng ta lại được ngày ngày học Phật pháp. Bên ngoài dịch bệnh đang tràn lan, lòng người dao động, chúng ta vẫn được an ổn. Có được sự may mắn như vậy nhưng nhiều người sơ sài qua loa, vẫn để cho tập khí của mình làm chủ, bản thân không cưỡng lại được sự cám dỗ. “Tập khí”, “tập” là “tập hợp”. Tập khí là thói quen. Thật ra chúng ta có thể thay đổi những thói quen cũ của mình, tạo ra những thói quen mới tốt đẹp hơn. Ví dụ thói quen tham lam bỏn xẻn, chúng ta tập thành thói quen bố thí, cúng dường.

Sáng nay, Thầy tỉnh dậy và rất tỉnh táo. Thầy ngủ sâu giấc nên cảm thấy giấc ngủ rất ngắn, rất nhanh. Thầy tỉnh lúc 3h40’, một lát sau thì chuông đồng hồ reo lên. Đó là thói quen mà Thầy đã rèn luyện, không thể khác đi được. Đã lâu lắm rồi, nhiều năm năy, Thầy không ngủ lúc 4 - 5h sáng.

Phật Bồ Tát đã làm ra những tấm gương, chúng ta học theo Phật Bồ Tát để thay đổi chính mình. Hòa thượng nói: “Phật thường dạy chúng ta tu phước, tu huệ. Phước không phải là danh vọng lợi dưỡng thế gian. Nếu bạn cầu mong danh vọng lợi dưỡng thì bạn đã hiểu sai ý nghĩa lời phật dạy”. “Phước” là định, là tâm Thanh Tịnh. Tâm Thanh Tịnh mới chân thật là phước. Ngày ngày chúng ta không bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sai khiến, luôn kiểm soát được tâm của mình. Tâm chúng ta luôn ở trạng thái định tĩnh.

Người thế gian không hiểu rằng: “Trong mạng có, nhất định có; Trong mạng không, nhất định không”. Nếu trong mạng mình có thì tự nhiên sẽ có. Nếu trong mạng không có mà mình dùng thủ đoạn để có thì đó là dại khờ. Người xưa dạy: “Người phước ở đất phước, đất phước dành cho người phước”. Vậy thì chúng ta không cần phải tìm cầu, không phải dùng thủ đoạn, cứ tùy duyên, tự tại mà tu phước, khi đã có phước thì “đất phước dành cho người phước”.

Thầy nhiều khi phải nói về bản thân để chứng minh cho mọi người. Ngày trước, một anh Phật tử mời Thầy về đây ở. Anh ấy nói: “Con có căn nhà bỏ không, kính mời Thầy về ở!”. Thầy đến nơi thì thấy anh ấy đang treo biển “bán nhà”. Thầy đề xuất Thầy mua căn nhà bằng hình thức trả góp. Anh ấy rất hoan hỉ đồng ý. Thế nhà rất đẹp, “thanh long bạch hổ”, rồng chầu bạch hổ tựa sơn. Thầy không hề có một mong muốn, dự định, không hề dùng kỹ xảo để truy cầu mong muốn mà hoàn toàn là tình cờ. Rõ ràng “trong mạng có, nhất định có; Trong mạng không, nhất định không”, “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Tâm của mình Thanh Tịnh, tùy duyên, tự tại tạo phước thì “người phước ở đất phước”.

Phước báo không phải là nhiều danh vọng, lợi dưỡng, tiền của. Nếu nhiều danh vọng, lợi dưỡng, tiền của nhờ thủ đoạn mà có thì tai họa sẽ đến. Thầy đã khuyên nhiều đồng tu dù cực khổ gian nan cũng phải tuân thủ pháp luật, làm hết sức mình, không vi phạm pháp luật. Tiền là họa, đôi khi tức khắc tiền trở thành họa. Ai xin phép Thầy làm những việc hi sinh phụng hiến thì Thầy hoan hỉ động viên. Ai đề xuất làm những việc liên quan đến nhiều tiền thì Thầy không muốn làm.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook