230Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 598

LOẠI NGƯỜI NÀO CÓ PHƯỚC BÁO RẤT LỚN?

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Bảy ngày 31/07/2021.

******************************

Người ngày ngày tích công bồi đức, người có phước báo mà không hưởng phước báo chính là người phước báo rất lớn. Thích Ca Mâu Ni Phật trải qua đời sống “ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm”. “Ba y” là quấn 3 tấm áo choàng trên người, “một bát” là bình bát mang đi khất thực. Phật là “đấng lưỡng túc tôn”. “Lưỡng” là hai, “tôn” là tôn quý. Phật là người phước đức, trí tuệ tròn đầy nhưng Ngài không hưởng phước. Ngài cả đời không thị hiện hưởng phước, cả đời luôn giữ một đời sống tối giản nhất, đơn giản nhất. Phật là Thầy của 8 vị Vua. Các Quốc vương đều dâng cúng Phật nhưng Ngài không hưởng thụ.

Chúng ta thì không có phước nhưng lại tận lực hưởng phước. Hòa thượng nói: “Thế gian và xuất thế gian, người có phước báo lớn nhất chính là người biết tu hành, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình. Họ ngày ngày tu hành, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình, không tạo tác những việc sai lầm. Loại người này là người chân thật có phước báo”.

Không phải người tối ngày đi cầu nguyện, van xin thì có phước báo. Trước đây, khi Thầy mới ra miền Bắc, Thầy thấy trên các mặt bàn trong chùa có rất nhiều tiền lẻ. Người ta nhét tiền vào tay Phật, đặt tiền ở bất cứ nơi nào có thể tại các Ban thờ. Bây giờ hiện tượng này đã giảm bớt.

Hòa thượng nói: “Người có cơ duyên ngày ngày được học Phật pháp, ngày ngày nghiên cứu Kinh giáo, tiếp nhận lời giáo huấn của Phật, ngày ngày niệm Phật là người có phước báu nhất thiên hạ”. Người ta suốt ngày tranh danh đoạt lợi, sợ thiếu ăn thiếu mặc. Có người rất lười biếng lao động nhưng lại chăm chỉ tụng Kinh niệm Phật. Thầy ngày nào cũng gieo hạt trồng cây, không có một ngày nào không lao động. Và Thầy vẫn có thời gian để nghe Kinh, lạy Phật, niệm Phật và tiếp nhận lời giáo huấn của Phật mỗi ngày.

Hòa thượng nói: “Người chân thật tu hành trải qua đời sống rất giản dị, tiết kiệm. Họ tu từ những điều nhỏ nhất”. Có những việc rất nhỏ nhưng người tâm ý qua loa thì không biết làm. Thầy vừa luộc rau xong. Thầy chế vào nước luộc rau một chút đường, một chút dấm, một chút muối, ngắt một nhánh rau quế thả vào tô canh. Vậy là có một bát nước canh rất thơm ngon. Mỗi khi ra vườn hái rau, Thầy không hái hết, mà chỉ hái một nắm rau nhỏ vừa đủ ăn và để phần rau cho những bữa sau. Thầy có một ít nấm thì không dùng hết mà chỉ dùng một chút, còn lại để dành cho bữa sau. Thầy trải qua đời sống đơn giản, tiết kiệm, tích cực làm ra sản phẩm vật chất để tặng cho người. Đó là bố thí, cúng dường. Đó là tích công bồi đức. Thầy không làm vì để mong tích công bồi đức, mà Thầy tạo cho mình thói quen ngày ngày tặng cho tặng, ngày ngày cúng dường cho người. Thầy ở trong trạng thái tự tại, an vui.

Hòa thượng nói: “Phải nên biết, người có thể buông xả, luôn biết lo nghĩ cho người khác là người chân thật có phước. Người tự tư tự lợi, từ sáng đến tối chỉ nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến gia đình mình thì đây là người đáng thương, không có phước báo”. Có người nói họ rất nghèo, không có gì để bố thí cúng dường. Thầy không có tiền nhưng ngày nào cũng bố thí cúng dường. Các loại rau của quả Thầy tự tay trồng trọt đều rất to, rất thơm ngon, mọi người ai ăn cũng thích. Hôm nay Thầy có sản phẩm mới làm lần đầu tiên nhưng rất thành công, đó là giá đỗ. Giai đoạn dịch bệnh không đi đâu được cho nên Thầy cứ ở nhà sản xuất quà tặng để gửi cho mọi người xung quanh. Mọi người rất vui và cảm động khi nhận được quà Thầy gửi tặng. Người ta cho rằng tu hành thành Phật thì phải làm những việc gì đó lớn lao. Nhiều người tu hành nhưng không gần gũi được với mọi người xung quanh, thậm chí còn khiến mọi người xung quanh phiền não.

Người thực sự biết nghĩ đến chúng sanh thì ngày ngày có thể biến cái không thể thành cái có thể. Thầy Trần Đại Huệ dạy: “Lao động sinh trí tuệ”. Chúng ta càng làm nhiều thì càng có kinh nghiệm, dần dần sẽ thành công. Người có tâm tu hành thì ở trong mọi hoàn cảnh vẫn giữ được định tâm, cho dù ở trong hoàn cảnh đầy cám dỗ cũng đều không bị hoàn cảnh lôi cuốn. Ví dụ khi đi ăn buffet với hàng trăm món ăn, chúng ta không động tâm, vẫn chỉ ăn vừa phải, ăn vừa đủ, ăn những món dễ tiêu chứ không phải là cái gì cũng ăn. Khi có sức định đối với ngũ dục “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chúng ta mới có thể xoay chuyển hoàn cảnh, không để hoàn cảnh lôi cuốn.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook