CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 596
NÓI NHIỀU TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC TỐT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Tư ngày 28/07/2021.
******************************
Hòa thượng nói: “Nói nhiều tuyệt đối không phải là việc tốt”. Khi ta nói nhiều, ta rất dễ nói sai. Nói sai thì sẽ kết oan gia với người. Người nói thì vô tâm, người nghe thì hữu ý. Như vậy thì có chuyện rồi! Chúng ta chỉ nói chung chung nhưng khi họ nghe, họ tưởng là mình đang soi mói họ, vậy thì đã kết thành oan gia. Cho nên chúng ta thấy, Tổ sư Đại đức, các bậc tu hành đều ẩn tu, tìm một nơi thanh vắng tịnh tĩnh để tu hành. Không phải các Ngài sợ bị ô nhiễm bởi chính các Ngài đã đối trị được với sự ô nhiễm.
Hòa thượng đã nhiều năm “tam bất quản”, không quản việc, không quản tiền, không quản việc. Vậy mà Hòa thượng nói: “Tôi phải giảng Kinh thuyết pháp cho nên tôi phải nay đây mai đó. Nếu không thì tôi cũng muốn tìm một nơi tịnh tĩnh, cất một am tranh, trồng rau, niệm Phật qua ngày để tránh thị phi”.
Người xưa có câu: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, đánh chết vọng niệm, pháp thân ta hiển lộ”. Nếu chúng ta ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật thì không còn thời gian để khởi vọng tưởng, tâm định lại, trí tuệ bừng sáng.
Tự tánh của của mỗi chúng ta là thanh tịnh nhưng bị vùi lấp rất sâu bởi vọng tưởng, phiền não. Hòa thượng nói: “Vọng tưởng nhiều, chấp trước nhiều, phiền não nhiều thì tâm làm sao được Thanh Tịnh!”. Chúng ta càng lúc càng rời xa tự tánh. Người có trí tuệ không thích quen biết nhiều, không thích tạo nhiều mối quan hệ, muốn rời xa nơi phồn hoa đô thị, rời xa thị phi. Chúng ta sau khi có một thời gian công phu thì dần dần cũng sẽ khởi tâm như vậy, cũng muốn tìm về một nơi tĩnh lặng.
Hòa thượng nói: “Bình thường khi chúng ta nói chuyện với mọi người, khi lời chưa nói ra miệng, chúng ta chính mình phải tư duy, quán xét, cảnh giác tự hỏi: Lời nói này có nên nói ra hay không? Lời nói này nói ra có lợi ích cho chúng sanh hay không? Lời nói này có khiến cho người khác phiền não hay không? Lời nói này có gây thù chuốc oán, khiến người khác hiểu lầm hay không?”
Người xưa dạy: “Trước khi nói ra việc gì, chúng ta phải uốn lưỡi ba lần”. Có người không hiểu nên làm đúng theo nghĩa đen, trước khi nói thì uốn lưỡi ba lần. Thật ra đây là lời nhắc nhở chúng ta cần phải thận trọng trước khi nói, cần có sự kiểm soát, có sự quán xét xem lời nói này có lợi ích cho chúng sanh hay sẽ tạo ra thị phi, phải quấy, tốt xấu, khiến người khác phiền não.
Người có công phu không phải là người mỗi ngày niệm được hàng ngàn câu niệm Phật, lạy được hàng trăm lạy. Người có công phu chính là người kiểm soát được khởi tâm động niệm của mình. Chúng ta nhiều lần làm ra rồi, nói ra rồi mới hối hận, sai rồi sửa, sửa rồi sai. Chúng ta biết sai mà cố gắng sửa cũng tốt. Người xưa nói: “Người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi. Có lỗi mà biết sửa thì còn gì tốt bằng!”. Điều quan trọng là ở mức độ cảnh giác, sửa lỗi kịp thời, đừng để xảy ra quá lâu mà vẫn chưa biết để phản tỉnh, đến mức không thể sửa lỗi. Tụng Kinh bái sám chỉ là một phần hỗ trợ để kiểm soát tâm. Có người nghĩ rằng mình có công phu bái sám là được rồi, không bỏ tập khí phiễn não. Điều quan trọng là chúng ta phải loại bỏ được tập khí phiền não của mình.
Có người nói: “Con không có tính xấu, chỉ nói nhiều và thù dai”. Trong “vọng ngữ” có nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt. Thật ra, khi nói nhiều thì chúng ta đã phạm hết cả 4 loại vọng ngữ, tạo ra biết bao nhiêu khẩu nghiệp. Có người nói: “Tôi ngoài bỏn xẻn và thù dai ra thì cái gì cũng tốt!”. Chúng ta có năng lực quán chiếu, chỉ nên nói những gì lợi ích cho chúng sanh, không nên nói những gì không có lợi ích cho chúng sanh. Đó là sự phản tỉnh cao độ của người có công phu. Chúng ta gần như hành xử theo cảm tính, thích nói thì nói, ưa thích mà nói là một việc, sân si mà nói là một việc. Người nói với tâm sân si thì đã kết thành nghiệp, “sân” xuất phát từ “tham, sân, si”.