CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 593
GIỚI LUẬT LÀ ĐỂ NGĂN CHÍNH MÌNH
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng Chủ nhật ngày 25/07/2021.
******************************
Chúng ta học Phật, phải bắt đầu từ “Giới”. “Giới” không phải là để ngăn cản người khác mà để ngăn cản chính mỗi chúng ta không phạm phải những tập khí xấu ác. Rất nhiều người học Phật nhưng không bắt đầu từ “Giới”. Họ nghe nhiều, học nhiều để nói cho hay, để nhanh đạt được “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” nhưng những quy điều, quy chuẩn, phép tắc rất nhỏ trong cuộc sống thì họ vẫn làm không được. Họ đàm huyền thuyết diệu, nói cho người khác nghe thì rất hay nhưng những công việc trong cuộc sống hàng ngày như quét nhà, rửa bát, nấu cơm thì họ làm không tốt. Có người nói: “Phật Bồ Tát không cần làm những việc đó”. Nói như vậy là sai rồi!
Một hôm Đức Phật đi đến một cánh đồng để nhận cúng dường. Một người nông dân tức giận nói: “Tại sao ông không tự làm nông để thu hoạch? Người làm nông rất vất vả cực khổ mà ông đến đây để nhận cúng dường”. Đức Phật trả lời: “Ta cũng là một nông dân”. Người nông dân càng tức giận nói: “Ông là nông dân ư? Trâu cày của ông đâu? Những mảnh ruộng của ông đâu?”. Đức Phật trả lời: “Mảnh đất tâm của tất cả chúng sanh là những thửa ruộng của ta. Trâu cày của ta chính là Bát Chánh Đạo. Ta đem Bát Chánh Đạo cày lên những thửa ruộng tâm này để làm cho những thửa ruộng tâm ấy trở nên nhu nhuyễn, phì nhiêu, từ đó sanh trưởng bao nhiêu phước lành”.
Có một lần, Hòa thượng cười rất tươi và nói: “Bạn nói bạn độ chúng sanh, nhưng bạn không biết nấu cơm thì bạn độ ai?”. Nhà Phật dạy chúng ta trong cuộc sống thường ngày phải ngày ngày tích công bồi đức, nên làm việc tốt, ác nghiệp tránh xa. Họ học Phật nhưng lấy triết lý nhà Phật để đàm huyền thuyết diệu, để người khác coi mình là người uyên thâm. Những người trước đây tự cho mình là người uyên thâm, đến bây giờ họ gần như không tu, gia nghiệp ngày càng lụt bại, bệnh khổ triền miên. Họ học Phật mà không lấy lời giáo huấn của Phật để áp dụng trong đời sống. Họ thích đàm huyền thuyết diệu, đi tranh luận Phật pháp, còn tự thân mình thì không cải đổi. Đó là sự sai lầm rất lớn, sai lầm nghiêm trọng của phần đông những người theo Phật. Học Phật thì phải thật học, thật làm. Họ theo Phật chỉ để đàm huyền thuyết diệu, tưởng mình thông tông thông giáo nhưng trong đời sống hàng ngày vẫn tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, hưởng thụ năm dục sáu trần. Như vậy thì thật sự là uổng phí, không chỉ uổng phí một kiếp người mà còn uổng phí nhân duyên học Phật.
Hòa thượng nói: “Giới là để ngăn chính mình. Mỗi một người học Phật đều phải từ “Giới” mà xây dựng nền tảng. Nhiều người học Phật nhưng xem thường giới luật. Họ không chú trọng “Giới”, cho rằng như vậy là thấp. Họ thích bàn luận cao siêu. Chúng ta phải tự phản tỉnh xem mình có phải là người như vậy không. Nếu mình là người như vậy thì uổng phí một kiếp người. Rồi đây đáng phải sanh tử như thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế đó. Đáng phải đọa lạc như thế nào thì vẫn phải đọa lạc như thế đó. Hiện đời này đáng phải khổ đau như thế nào thì vẫn phải khổ đau như thế đó. Không thể thay đổi!”.
Những người chân thật học Phật không có khổ đau. Điều này có nghĩa là họ vẫn gặp khổ đau, khổ đau vẫn trùng trùng, chướng ngại vẫn trùng trùng nhưng không tác động được đến nội tâm của họ. Họ vẫn vững như thành trì bằng đồng bằng sắt, lầm lũi mà đi. Đó mới là chân thật công phu của người chân thật học Phật. Họ chỉ cảm thấy một chút chua cay, cảm thấy một chút đau đau nhưng không để khổ đau tồn đọng trong tâm mà để mọi thứ đi qua một cách nhẹ nhàng.
Hòa thượng nói: “Học Phật phải đem lý luận, giáo huấn của Phật hóa nhập, dung hòa vào ngay trong đời sống thực tại của chính mình, khiến cho đời sống của chính mình hoàn toàn tương ưng với lý luận của Phật pháp. Học Phật pháp như vậy thì mới có hữu dụng, nếu không thì học xuông, học vẹt”. Rất nhiều người vì học xuông, học vẹt mà khi gặp khổ đau, khi gặp chướng ngại, họ không có cách gì để đối trị và vượt qua. Khi gặp một chút hỗ trợ của thế lực, thần quyền nào đó, họ liền bỏ học Phật để chạy theo.
Rất nhiều người không thực hiện được như họ đã phát nguyện. Lời phát nguyện trên “Kinh Sám Hối” vô cùng mạnh mẽ: “Ngã kiến phát nguyện, bất vị tự cầu, Nhân Thiên phước báu, Thanh Văn, Quyền Thừa Bồ Tát Duyên Giác, Dĩ Chí Đẳng Giác Bồ Tát, Di Hữu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Có nghĩa là “hôm nay con phát tâm học Phật không phải vì phước báu Trời, Người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Con chỉ cầu thành Phật”.
Tiền tài là trong mạng đã có, chẳng qua là đến sớm hay muộn mà thôi. Họ tin theo đạo mà phải tu 500 kiếp mới gặp được, họ tin theo pháp mà không có già, không có bệnh khổ. Nhưng làm sao mà không già, không bệnh? Có vị Thần quyền nào, có ông Tổ nào đã 150 tuổi mà vẫn tỉnh táo khỏe mạnh đang ngồi vuốt râu giảng pháp không? Thân tứ đại này (đất, nước, gió, lửa) bất an theo thời tiết bất ổn, mưa gió trùng trùng. Thân tứ đại có bệnh khổ là bình thường. Quan trọng là cái tâm của chúng ta!
Chúng ta phải xây dựng tín tâm kiên cố trên nền tảng vững chắc. Tu học Phật pháp mà chỉ cần một chút tài, một chút danh, một chút lợi đã khiến họ mất bản chất. Có người quy y được 30 năm mà phiền não, khổ đau, gia đình tan nát, họ quay ra oán trách Phật Bồ Tát không linh, không bảo hộ, không gia trì để họ tai qua nạn khỏi. Họ chỉ đọc tờ điệp quy y đúng một lần rồi cất vào tủ. Tờ điệp quy y ghi rằng:
⮚ “Đệ tử quy y Phật nguyện suốt đời không quy y theo ngoại đạo, tà giáo”. “Ngoại đạo” không phải là chỉ tôn giáo khác. Học Phật thì phải chánh tri chánh kiến, học Phật thì phải GIÁC, CHÁNH, TỊNH. Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh.
⮚ “Đệ tử quy y Phật nguyện suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu”. Người ta nói dối đều đều, tà dâm cũng có, trộm cắp lai rai, sát sanh thì không gián đoạn, chưa hề bỏ.
Hòa thượng nói: “Nếu bạn học Phật rồi mà cái học của bạn hoàn toàn không liên quan đến đời sống của chính mình thì bạn học như vậy không để làm gì, không có lợi ích gì”. Ngày nay, có một số người đem việc học Phật để điểm xuyết, tô son điểm phấn cho cuộc đời của họ, chỉ học theo trào lưu. Họ học Phật pháp để nói hay, để khoe khoang, để tô điểm cho cuộc sống của mình thêm thi vị, những lời Phật dạy thì hoàn toàn không liên quan đến đời sống của họ. Những người như vậy rất dễ dàng bỏ học Phật giữa chừng.
Bốn chúng đệ tử gồm cư sĩ nam (chúng nam tại gia), cư sĩ nữ (chúng nữ tại gia), tỳ kheo tăng (chúng nam xuất gia), tỳ kheo ni (chúng nữ xuất gia). Bốn chúng đệ tử học Phật nhất định phải hiểu rõ: Chúng ta tu học Phật thì phải tu học GIÁC, CHÁNH, TỊNH, phải tu Tam Học là GIỚI, ĐỊNH, TUỆ. Hòa thượng nói: “Chúng ta phải tự hỏi xem chính mình có GIÁC, CHÁNH, TỊNH hay không. Nếu có thì bạn mới là người học Phật. Nếu chưa có thì bạn chưa phải là người học Phật”.
⮚ GIỚI là những quy điều, quy phạm, những chuẩn mực mà Phật nói, khuyên bảo chúng ta.
⮚ ĐỊNH: “Giới” giữ cho tâm chúng ta được “định”, không bị dính mắc, tiêm nhiễm vào 16 tập khí xấu ác là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn.
⮚ TUỆ: Tâm “định” sinh trí tuệ
⮚ GIÁC mà không mê. “Giác” là ta phải hiểu rõ sự việc mà chúng ta đang làm là tạo nhân xấu ác, hay tạo nhân thiện lành. Tạo nhân xấu ác thì nhất định phải nhận quả xấu ác. Mê mờ là cứ làm mà không biết phải quấy tốt xấu, tà hay chánh.
⮚ CHÁNH mà không tà.
⮚ TỊNH mà không nhiễm.
Hòa thượng nói: “Chúng sanh thấy Phật Bồ Tát ngu khờ hơn mình”. Có người xin xỏ: “Phật cho con trúng số 1 tỷ đồng, con sẽ cúng dường Phật 800 triệu đồng”. Đa phần người học Phật đều có điều kiện với Phật, yêu cầu Phật phải như thế này, phải như thế kia. Có người quy y đã 5 lần mà vẫn muốn quy y thêm một lần nữa. Người này trước đây từng tha thiết xin làm học trò của Thầy, bây giờ người đó đã bỏ học Phật. Người đứng ở ngã ba thì đã ngập ngừng không biết đi dường nào, người đứng ở ngã 5 hay ngã 6 thì càng không biết đường nào để đi. Chúng ta chưa hiểu, chưa nhận ra cái sai của mình khi học Phật. Chúng ta phải nghiêm túc phản tỉnh, quán chiếu bản thân về vấn đề này. Chúng ta có đang đặt điều kiện với Phật không? Phật là “vô duyên đại từ”, nếu chúng sanh ở thế giới Ta Bà này đủ phước đức thì A Di Đà Phật sẽ biến thế giới Ta Bà thành thế giới Tây Phương Cực Lạc để chúng sanh an hưởng. Nơi ấy không chỉ Phật nói pháp mà chim bay cũng nói pháp, cây cối cũng nói pháp.
Hòa thượng nói: “Học Phật vì để đời sau, mà đời sau chưa đến cho nên không cần gấp, không cần quá lo. Hiện nay, nhiều người học Phật với tâm cảnh như vậy. Nếu bạn học Phật vì ngày mai, mà ngày mai chưa đến thì ngay trong hiện tại bạn cũng không có được lợi ích, tương lai cũng không có được lợi ích. Nếu Phật pháp chính là đời sống hiện tiền của chúng ta, là đời sống hạnh phúc, đời sống viên mãn, đời sống an vui thì mỗi người chúng ta đều phải mau mau mà học!”. Ngài Giáo sư Ô Dương Cảnh Vô nói: “Phật pháp cần thiết cho đời sống hiện tại của con người. Phật pháp không phải là mê tín, không phải là thần quyền, không phải là xa xăm, không phải là chỉ ở tương lai mà ở ngay hiện tại”.
Hòa thượng nói: “Chúng ta trì giới thì phải hỏi chính mình có GIỚI – ĐỊNH – TUỆ hay không, đừng hỏi người khác. Người khác có GIỚI – ĐỊNH – TUỆ hay không, có trì giới hay không thì không hề liên quan đến chúng ta, chúng ta không thấy, không biết. Giới luật của Phật pháp là để ngăn cấm chính mình, không phải là ngăn cấm người khác. Tất cả những quy phạm, quy điều của nhà Phật để thúc liễm chính bản thân mình, không phải là để chúng ta mang đi dạy người khác, bắt người khác làm. Giới luật của Phật pháp chân thật đáng được chúng ta tán thán. Người lão thật, thành thật, biết nghe lời thì chính mình giữ giới, đem giáo huấn của Phật thực tiễn vào cuộc sống hàng ngày của mình”.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nhược chân tu hành nhân, bất kiến thế gian quá”, “người chân chánh tu hành không thấy lỗi thế gian”. Phải quấy, thiện ác của người khác không liên quan đến ta. Chúng ta một mực không nhìn thấy lỗi của người khác thì tâm ta mới Thanh Tịnh. Chúng ta thấy lỗi của người khác nhưng không để trong tâm, mà chỉ thấy lỗi của mình.
Hòa thượng nói: “Nếu hàng ngày bạn ưu thích xen vào việc của người khác thì bạn không phải là người thành thật. Tiêu chuẩn là phải thành thật. Không thành thật thì biểu hiện tu tập rất tốt nhưng đến sau cùng là trống không, không thành tựu”. Chúng ta là Thầy Cô giáo, khi các con sai thì chúng ta có trách nhiệm giúp con sửa sai. Đó không phải là quản việc thừa. Quản việc thừa là những việc không liên quan đến mình, việc mà người ta không cần đến mình. Đó mới gọi là việc thừa. Đối với học trò của mình, con cái của mình thì mình phải tận tâm tận lực mà giúp con sửa đổi, giúp học trò sửa đổi. Chúng ta đừng hiểu nhầm mà cho rằng: “Tôi là người chân thật tu hành, tôi không thấy lỗi thế gian”.
Chúng ta học tập xuất phát từ tự học, ngày ngày rèn luyện. Thầy mỗi ngày đều tự học một cách nghiêm túc. Thầy tự học khoảng 300 đề tài rồi mới mở Zoom để mọi người cùng tham gia học tập. Trên trang tinhkhongphapngu.net chỉ chuyên đăng các bài giảng của Hòa thượng, Thầy không đăng lên đó những bài giảng của Thầy.
“Giới” không phải là để ngăn cản người khác mà để ngăn cản chính mỗi chúng ta không phạm vào những tập khí xấu ác của bản thân, “Giới” giúp thay đổi tập khí của mình. Chúng ta thay đổi tự làm mới, thay đổi bản thân chính là chân thật học Phật. Như vậy thì chân thật có được lợi ích ngay đời này và đời sau. Học Phật mà tập khí y nguyên thì đó là không học. Chúng ta phải biết, học Phật chính là đem Phật pháp áp dụng vào ngay đời sống hiện tại để đời sống an vui, hạnh phúc. Đó mới là chân thật học Phật.
******************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!