CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 591
ƯA THÍCH NÓI CHUYỆN, ƯA THÍCH BIỂU HIỆN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI HỌC PHẬT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Sáu ngày 23/07/2021.
******************************
Hòa thượng nhắc chúng ta: “Người ưa thích nói chuyện, ưu thích biểu hiện không phải là người học Phật”.
Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật dạy: “Khéo giữ khẩu nghiệp, khéo giữ thân nghiệp, khéo giữ ý nghiệp”. Trong ba nghiệp, “khéo giữ khẩu nghiệp” được đưa lên hàng đầu là có dụng ý”.
Chúng ta thử quán sát một ngày của mình thì sẽ thấy trong những lỗi lầm chúng ta sai phạm, khẩu nghiệp chiếm đến 2/3. Dù ở trong núi sâu hay ngõ hẻm, chúng ta vẫn phạm khẩu nghiệp. Chúng ta cầm điện thoại lên, vào mạng bình luận vài câu thì đã sai rồi. Người thích nói, thích biểu hiện, trong nội tâm của họ trống rỗng. Người có công phu thì không có thời gian rảnh đi nói chuyện thừa, đi biểu hiện cho người khác xem. Những người thực sự giàu có họ có biểu diễn không? Người giàu kha khá một chút thì rất thích khoe khoang. Ở thế gian, người khoe giàu chưa thật giàu.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Người tu hành chân chính không thấy lỗi thế gian”. Họ thời thời khắc khắc chuyên tâm quán sát, phản tỉnh bản thân thì không còn thời gian để nhìn thấy lỗi của người khác. Người bận lo sanh tử, tâm bức thiết vì sanh tử thì không có thời gian để nói chuyện thừa, không có thời gian để thấy lỗi người. Người tu hành mà thích dạy người khác, thích khoe khoang thì người đó chưa có công phu vì họ có quá nhiều thời gian rảnh.
Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”. Chúng ta phải tận mọi vai trò, trách nhiệm, bổn phận của mình trong cuộc sống. Chúng ta không để cho tâm mình phóng túng, tùy tiện, không để cho tâm mình nhàn rỗi, chạy Đông chạy Tây, phải nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
Hòa thượng nói: “Chúng ta so với Phật Bồ Tát, so với Thánh Hiền, chúng ta có làm được gì đâu mà đã khoe khoang. Đôi khi việc ta làm không chân thật lợi ích chúng sanh mà còn làm phiền não chúng sanh”. Người học Phật chân thật làm ra chuẩn mực, người khác nhìn vào bắt chước làm theo. Chúng ta không cần nói nhiều, không cần thiết phải thể hiện. Những việc làm đó sáo rỗng, người khác không được lợi ích, chính mình cũng không được lợi ích. Đó chính là những việc làm vô bổ. Người tu hành cho dù họ được hỏi mà điều đó không cần thiết thì họ cũng không nói. Chúng ta cứ nói rằng mình không có thời gian, lúc nào cũng than phiền là mình rất bận rộn, nhưng thật ra chúng ta sử dụng thời gian vào những việc vô bổ, không cần thiết. Chúng ta ngồi niệm Phật một tiếng thì cảm thấy mệt mỏi, nhưng dùng điện thoại một tiếng thì không thấy mệt.
Những người nói rằng mình không có thời gian thuộc về hai trường hợp:
✓ Người tận tâm tận lực làm lợi ích chúng sanh. Hòa thượng là một tấm gương như vậy.
✓ Người sử dụng quá nhiều thời gian vào những việc vô bổ, không cần thiết.
Người xưa dạy: “Mãn lý thâu nhàn”. Dù bận rộn mấy nhưng chúng ta cũng vẫn có thể dành được thời gian ngắn để làm việc gì đó có ý nghĩa. Hòa thượng nhắc: “Ngài Lý Bỉnh Nam lúc sanh thời, Ngài chỉ dùng một vài vật dụng rất đơn giản, gọn nhẹ để nấu nướng”. Trong nấu nướng, chúng ta dùng rất nhiều nồi niêu xoong chảo, bát đĩa, rồi lại mất rất nhiều thời gian, công sức để rửa dọn.
Hòa thượng nói: “Đầu lưỡi tuy nhỏ, chỉ dài ba tấc nhưng có thể gây họa vô cùng to lớn. “Ngôn đa tất thất”, nói nhiều lời thì ắt sẽ nói sai, tất sẽ có lỗi lầm. Lời nói tổn hại người còn nghiêm trọng hơn giết người”.
Ngày nay, người ta không được học nên tùy tiện, lên mạng mặc tình nói lung tung, đưa những tin tức sai sự thật để kiếm tiền. Người ta rêu rao trên mạng khiến mọi người vốn dĩ đã mơ hồ lại càng mơ hồ, không biết đến phải trái, tốt xấu. Nói sai sự thật về một người thì lỗi đã không nhỏ, nhưng nói sai sự thật về một gia đình, nói sai sự thật về một quốc gia thì lỗi không hề nhỏ. Người ta cường điệu sát, đạo, dâm để nhiều người vào xem. Tội này không hề nhỏ! Nhà Phật có công án Thiền Hồ Ly, chỉ vì nói sai một chữ mà vị Pháp sư phải đọa làm 500 kiếp chồn. Người ta không biết cho nên không sợ, cứ tùy tiện tạo nghiệp.