CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 589
THÂN THỂ CÀNG ĐỔI CÀNG ĐƯỢC TỐT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Ba ngày 20/07/2021.
******************************
Từ trong vô lượng kiếp đến nay, ta thọ thân, hoán đổi, thay đổi liên tục. Nếu ta không được học, không được nhắc nhở thì không biết mỗi lần thay đổi đó, thân thể tốt hơn hay xấu hơn? Ngày nay chúng ta mỗi lần gặp nhau thì chắp tay chào nhau, nếu không khéo tu thì đời sau chúng ta vẫy đuôi chào nhau, vỗ cánh chào nhau. Chúng ta nghe điều này tưởng là lời nói quá đáng nhưng quán chiếu bản thân mới thấy giật mình. Khởi tâm động niệm của chúng ta toàn là tập khí phiền não. Với những tập khí phiền não đó, ta biết mình sẽ đi về đâu.
⮚ Tâm tham đi về ngạ quỷ.
⮚ Tâm Sân đi về địa ngục.
⮚ Ngu si, không phân biệt được chánh tà, phải quấy, tốt xấu đi về đường súc sanh.
Con đường để đi vào 3 đường ác này thênh thang. Con đường đi vào 3 đường thiện thì hẹp dần. Người xưa nhắc nhở chúng ta: “Thiên đường hữu lộ, vô nhân đáo. Địa ngục vô môn, hữu khách tầm”. (Thiên đường có lối không ai đến. Địa ngục không cửa lắm kẻ vào.) Nhìn vào khởi tâm động niệm của chúng ta hàng ngày, Hòa thượng nói thẳng: “16 tập khí của con người là: Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Bạn chỉ cần tiêm nhiễm một trong những tập khí này thì bạn đã mở ra một đại lộ đi về cảnh giới ác”.
Người xưa nhắc nhở chúng ta một cách khẩn thiết.
“Cần tu như lửa cháy đầu
Sớm còn tối mất vui đâu bao giờ”
Nhưng chúng ta lại chểnh mảng, chúng ta thờ ơ với vô thường, cứ mải cạnh tranh, đấu tranh. Khi vô thường đến thì chúng ta trở tay không kịp.
Có một vị Hòa thượng được nhà Vua mời thưởng thức cung nữ múa hát tưng bừng. Sau khi màn ca múa kết thúc, nhà Vua hỏi Hòa thượng: “Ngài thấy tiết mục này có hay không?”. Hòa thượng trả lời: “Tôi không biết!”. Ngài lúc nào cũng nghĩ đến sinh tử cho nên tâm không còn nghĩ đến những thú vui trên thế gian này. Nhà vua ra lệnh cho cung nữ hôm sau diễn lại và yêu cầu một ngưởi tử tù vừa xem màn múa hát, vừa mang trên đầu một thau nước. Nếu thau nước bị văng ra ngoài thì người tử tù sẽ bị chết. Sau khi xem múa hát xong, nhà Vua hỏi người tử tù: “Nhà ngươi thấy tiết mục này có hay không?”. Người tử tù trả lời: “Tôi chỉ lo thau nước văng ra ngoài, không còn tâm trí nào để ý đến tiết mục cho nên không biết tiết mục có hay không”. Nhà Vua đã hiểu ra thế nào “sanh tử tâm thiết”, tâm tha thiết lo cho việc sinh tử. “Trời đã xế bóng mà đường còn xa”. Mỗi chúng ta đều đã chuyển dịch, thay đổi rất lớn theo thời gian. Thầy xem lại những thước phim ghi lại những buổi lễ tri ân của năm trước thì thấy chúng ta đã già đi rất nhanh.
Hòa thượng nói: “Tâm viễn ly Ta Ba, xa lìa sanh tử, tâm mong cầu Cực Lạc chưa tha thiết. Chúng ta vẫn cảm thấy Ta Bà chắc thật, vẫn khởi tâm được mất, tốt xấu, hơn thua, thành bại. Tâm này chắc chắn có phiền não. Cho dù chúng ta đang sống nơi Ta Bà, nhưng đó chỉ là ta đang làm tròn bổn phận chứ không phải là mong cầu hưởng thụ”.
Hòa thượng nói: “Thân thể càng đổi phải càng được tốt hơn”. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng thân này là thân sau cùng không? Phải nghĩ như vậy! Thân chúng sanh phàm phu này phải là thân cuối cùng, thân sau phải là thân kim sắc. Chúng ta nghĩ thân sau là thân kim sắc thì tất cả mọi phân biệt chấp trước sẽ không còn. Chúng ta chưa thực sự nghĩ đến “sanh tử tâm thiết”. Người “sanh tử tâm thiết” luôn nghĩ đây là thân sau cùng nơi Ta Bà. Tổ Ấn Quang Ngài dạy chúng ta phải “đốn luân tận phận”, dốc hết vai trò bổn phận của mình, tận trách nhiệm, sống chân thành, tâm thanh tịnh.
Chúng ta cùng nhắc nhau để cùng nhớ, cùng đề khởi tâm viễn ly Ta Bà, mong cầu Cực Lạc. Nếu chúng ta không được nhắc nhở thì những tập khí phiền não sẽ cuốn chúng ta đi, chúng ta bị tập khí xấu lấn át, cuối cùng chúng ta chạy theo nó mà không biết. Vì có tự tư tự lợi nên danh vọng lợi dưỡng lên cao, vì có tham sân si mạn nên ý niệm hưởng thụ năm dục sáu trần lại để khởi. Phiền não tập khí quá sâu dày, cho nên chúng ta phải hết sức phản tỉnh! Chúng ta phải phản tỉnh từng ý niệm nhỏ nhất của chính mình xem từng ý niệm đó đang xấu hơn hay tốt hơn, từ đó sẽ biết thân sau của chúng ta thay đổi xấu hơn hay tốt hơn. Một người hỏi Hòa thượng: “Thưa Hòa thượng, con có được vãng sanh hay không?”. Hòa thượng trả lời: “Việc này chúng ta không cần đi hỏi người khác. Chúng ta cứ tự phản tỉnh bản thân thì sẽ tự biết”. Hàng ngày chúng ta “tâm thiết sinh tử” hay “tâm thiết tập khí”? Người “tâm thiết sanh tử” thì tập khí sẽ tan nhạt.