CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 584
VÌ SAO KHÔNG CHUYỂN ĐỔI ĐƯỢC NGHIỆP LỰC?
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 15/07/2021.
******************************
Quá khứ bảy đời chư Phật đã nói, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong tất cả các Kinh, Hòa Thượng Tịnh Không cả đời cũng nói, nhưng thật ra tất cả chúng ta mấy ai đã chuyển đổi được nghiệp lực. Chúng ta nói rằng mình không chấp trước nhưng chỉ cần hễ có ai góp ý, nhắc đến sự sai lầm của chúng ta thì chúng ta có cả một tràng đạo lý. Đây là cái “ngã” làm chủ, quan niệm chủ quan làm chủ, quan niệm chủ quan quá mạnh nên chúng ta gạt bỏ tất cả, chỉ thấy mình là đúng, người khác là sai.
Hòa Thượng từng nói: “Người ta sai cũng là đúng, mình đúng cũng là sai. Mình thấy sai và đúng là bởi quan niệm chủ quan làm chủ”.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Người chân thật tu hành không thấy lỗi thế gian”. Người chân thật tu hành chỉ thấy lỗi của mình, chỉ phản tỉnh bản thân mình, không có thời gian để thấy lỗi của người khác.
“Đệ Tử Quy” dạy: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”. Nhưng chúng ta nghe khen mới vui, vậy thì làm sao chuyển được nghiệp!
Hòa Thượng nói: “Ta đến thế gian này, ta chỉ là khách trần, “thế gian quá khách”, chỉ là một người khách đến trần gian. Thế gian là chủ, ta là khách thì ta phải theo sự sắp xếp của chủ, vậy thì mới chuyển được nghiệp lực. Nếu ta cứ để quan niệm chủ quan của mình làm chủ thì ta không thể làm chủ được nghiệp lực”.
Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng như hiện này, các y bác sĩ đang khổ sở chống dịch, cơm không dám ăn, khát không dám uống, buồn ngủ không dám ngủ vì họ đang liên tục tiếp nhận bệnh nhân F0. Mấy ngày nay dân tình rối bời. Người ta bị giãn cách xã hội, mới chỉ thiếu một chút rau thôi, thiếu một chút nhu yếu phẩm thường ngày thôi mà người ta đã lên mạng than khổ, la làng, làm cho mọi việc càng thêm rối ren. Đó là quan niệm chủ quan, không biết tự mình phải điều tiết lại, không biết hạn chế nhu cầu cuộc sống đến mức thấp nhất, không biết tiết kiệm, quen hoang phí.
Nhà Phật dạy: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Muốn y báo tốt thì chánh báo phải tốt, chính tự tâm ta phải thay đổi. Chính mình đang tạo nghiệp mà mình không thay đổi thì y báo mãi mãi xấu. Trong bài học, Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành thì mức độ thấp nhất là chúng ta phải chuyển được nghiệp, phải chuyển đổi nghiệp lực thành nguyện lực. Đó là cơ bản nền tảng. Chúng ta không chuyển đổi được nghiệp thì tu hành không có lực, không có kết quả”. Ví dụ chúng ta đang khó khăn thì chúng ta phải hạ mức sống đến mức thấp nhất để hòa mình với hoàn cảnh khó khăn chung của toàn xã hội. Chúng ta phải tự mình chuyển nghiệp, Phật Bồ Tát không thể gia hộ. Hòa Thượng nói: “Thập đạo vô thần”, mười cõi này không có vị Thần nào ban phước giáng họa cho chúng ta. Chúng ta không chuyển đổi được nghiệp lực, bị nghiệp lực sai khiến, tự mình giáng họa cho mình.
Hòa Thượng nói: “Hoàn cảnh ngày nay tốt xấu không chừng”. Thật ra, Phật đã nói từ ngàn xưa: “Thế gian vô thường, cõi nước không an”. Chúng ta nhìn thấy một cánh đồng ngô, chỉ cần một sự thay đổi của trời đất, cánh đồng ngô trở thành bãi biển, chỉ cần một sự thay đổi của trời đất, bãi biển trở thành cánh đồng ngô. Cuộc sống đang bình bình yên yên thì bão lũ, dịch bệnh kéo đến. Đây là sự cảnh tỉnh con người để con người bớt đi sự ngạo mạn, bớt đi sự lãng phí. Trong một đĩa giảng của Thầy Trần Đại Huệ về vấn đề làm thế nào để vượt qua tai nạn, chúng ta thấy giới trẻ hiện nay sống rất hoang phí. Đây không chỉ là hiện trạng của một quốc gia mà là vấn đề chung của toàn thế giới. Chúng ta đang tiêu hao, lãng phí phước báo trong chính cuộc đời của mình mà không biết. Phước báo thì giới hạn, đến núi cũng phải lở.
Ngày xưa Thầy làm quản lý nhà sách. Bên ngoài nhà sách là nơi đọc sách miễn phí, có bán cà phê phục vụ mọi người. Người phục vụ cứ lấy giấy cotton lau chùi rồi vứt giấy vào thùng rác một cách lãng phí. Thầy đã nhắc nhở và hướng dẫn người đó cách sử dụng giấy tiết kiệm.