209Thứ Năm, 09/09/2021, 05:01

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 582

ĂN ĐẮNG UỐNG ĐỘC

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ thứ Ba ngày 13/07/2021.

*****************************

Từ gần 3000 năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật đã biết rõ hiện trạng đời sống hiện nay của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta đang ăn uống đều mang mầm độc, từ vật chất đến tinh thần đều mang mầm độc, nào là thuốc tăng trưởng trong nông nghiệp, nào là tâm tham của những người làm nông nghiệp. Có mấy ai khi trồng trọt chăn nuôi có tâm yêu thương, quan tâm chăm sóc những sản phẩm họ làm ra để mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng!

Cách đây khoảng10 năm, Thầy đến nhà một học trò, xung quanh nhà có rất nhiều những cây mận quả sai chi chít. Thầy muốn hái một quả để ăn thì người học trò đó ngăn lại, vì những cây mận đó bị xịt thuốc để quả chín mọng, căng bóng cho dễ bán. Họ nói ở cù lao đó, ai cũng làm như vậy. Thầy đã khuyên người học trò đó không nên làm như vậy. Khi Thầy trồng được rau sạch, Thầy thử nghiệm cho rau vào chậu nước ngâm cùng một thìa muối baking soda thì màu nước không thay đổi. Thầy làm tương tự với rau mua ngoài chợ thì nước ngâm rau chuyển thành màu vàng. Rau chúng ta trồng đúng quy chuẩn khác hoàn toàn rau mua ở bên ngoài. Rau rất thơm ngon, không bị nhiễm phân hóa học, thuốc trừ sâu. Gạo cũng tương tự như vậy, gạo cũng bị tẩy bằng hóa chất.

Vật chất ô nhiễm, lòng người ô nhiễm. Lòng người ô nhiễm bởi tâm tham, khiến cho vật chất cũng bị ô nhiễm. Cách đây khoảng 10 năm, khi đi giảng Thầy cũng đã nói: Người trồng rau, người trồng đậu, người trồng lúa đều phun thuốc sâu. Tất cả các sản phẩm làm ra đều bị nhiễm độc cho nên người này làm hại người kia, khiến con người trong xã hội ngày nay bị rất nhiều bệnh. Họ hại lẫn nhau. Hoàn cảnh xấu ác là do lòng người. Phật dạy: “Nhất thiết vi tâm tạo”, tất cả đều từ tâm tạo thành. Thiên tai bão lũ, dịch bệnh triền miên đều từ lòng người mà ra. Người ta tự tư ích kỷ, tham lam, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân.

Sáng nay Thầy đọc một bài báo mà cảm động rơi nước mắt vì “Sài Gòn nghĩa tình”. Mỗi lần miền Trung lũ lụt, người Sài Gòn lại hướng về miền Trung, từng đoàn xe tấp nập hướng thẳng về tâm bão miền Trung để cứu giúp. Khi Sài Gòn cần cứu giúp, phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh thì rất nhiều đoàn xe, rất nhiều người miền Trung lại hướng về người Sài Gòn, tìm mọi cách để cứu giúp. Đó là gieo nhân tốt được quả tốt, lá lành đùm lá rách.

Chúng ta muốn thế giới này đẹp hơn thì không gì hơn là phải thay tâm đổi ý. Chúng ta làm ra sản phẩm gì cũng phải nghĩ rằng con mình sẽ ăn những sản phẩm đó. Chúng ta truyền vào sản phẩm đó tình yêu thương, sự quan tâm thì chắc chắn cuộc sống sẽ thay đổi. Một hãng cà phê nổi tiếng bị phát hiện cà phê được sản xuất từ độc tố, họ cho độc tố vào cà phê. Lòng người như vậy thì hoàn cảnh làm sao tốt được! Họ đâu biết: Một niệm ác khởi lên châu biến pháp giới, một niệm thiện khởi lên châu biến pháp giới, mọi khởi tâm động niệm của chúng ta đều châu biến pháp giới. Hoàn cảnh xấu ác chính là do tâm người chiêu cảm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ngày nay ăn độc, uống độc, chân thật là ăn khổ uống độc. Đức Thế Tôn từ 3000 năm trước đã nói điều này rất rõ trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Ngài biết rõ như nắm trong lòng bàn tay”. Trên Kinh, Phật nói: “Chúng sanh ở địa cầu đều đang tạo thượng phẩm thập ác”, làm ác lên đến bậc thượng. Sát đạo dâm đến bậc thượng. Tham sân si đến bậc thượng. Nói dối, nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt đến bậc thượng. Chúng sanh làm ra những việc tổn người lợi mình. Hòa Thượng nhắc đến một hãng sữa cho độc tố vào sản phẩm sữa dành cho người già, trẻ em, người bệnh. Họ làm kẹo cho trẻ em bằng bột đá, làm gạo làm bằng cao su, làm nhân bánh bao làm bằng giấy cotton. Ở Sài Gòn có một nhà chuyên cung cấp chất độc cho toàn thành phố, chỉ cần ngâm những con ốc trong nước có chứa độc tố đó thì con ốc đau đớn, cuộn toàn thân chui ra khỏi vỏ.

Hòa Thượng nói: “Những việc làm xấu ác như vậy không chỉ tổn người hại mình mà còn tổn hại đến mạng người, gọi là “mưu tài hại mạng”. Đức Phật dạy chúng ta phải hoàn toàn chuyển đổi tâm niệm, ít nhất phải là đôi bên cùng có lợi, không làm hại nhau. Đức Phật đã nói đến “Bát Chánh Đạo”, trong đó có “Chánh nghiệp”. Nghề nghiệp của chúng ta phải chánh đáng, phải thiện, chứ đừng làm nghề tạo lợi trước mắt nhưng hậu quả về sau vô cùng vô tận, khổ không nói ra lời. Con người ngày nay khởi tâm động niệm đều rơi vào tham sân si mạn, làm ra những việc chỉ có lợi cho mình, kể cả làm hại người khác họ cũng không quan tâm. Con người vì mưu lợi mà hại nhau. Vậy thì hoàn cảnh làm sao mà tốt được!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook