CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 581
CHỖ CHÂN THẬT NƯƠNG VỀ
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ thứ Hai ngày 12/07/2021.
******************************
“Chỗ chân thật nương về”, ý Hòa Thượng nhắc chúng ta: Người tu hành học Phật pháp phải có hằng tâm. Chúng ta cứ lựa chọn, lựa chọn đến mức không còn chỗ nào đáng tin cậy, đến lúc tuổi đã già, sức đã yếu, khi muốn đề khởi công phu thì không còn kịp thời gian. Nhà Phật gọi là “vô sở thất tùng”, cuối cùng không có chỗ nương về. Chúng ta cần có chỗ nương về để tu tập, làm lại từ đầu.
Ngày nay, con người mê mờ, đắm chìm trong dục vọng, ảo tưởng. Muốn thức tỉnh được quá khó! Trước đây Phật liệt kê ra những tập khí mà chúng ta cần đối trị như: Tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy. Thời nay đủ loại cám dỗ từ internet, thuốc lắc… làm con người ta mê mờ tâm trí, không thể tỉnh ngộ. Những người nào có con thì phải hết sức thận trọng. Sự cám dỗ từ môi trường xã hội bên ngoài vô cùng mạnh mẽ và khủng khiếp!
Một người học trò của Thầy đã tự học tiếng Hán từ các bài trên trang web nhidonghocphat.com, thuộc lòng Phật pháp, thế mà chơi game bằng tiếng Hán, kết giao với nhóm người trên mạng, sống trong thế giới ảo, cả sức khỏe và tinh thần đều bị suy xụp bởi thế giới ảo. Thầy bị sốc 3 lần trong một tuần bởi người học trò này. Điều thứ nhất khiến Thầy bị sốc là cô ấy có khả năng tự học chữ Hán, hoàn thành tất cả chương trình mà Thầy đã đăng trên trang web dạy chữ Hán. Rất ít người học được như vậy! Điều thứ hai khiến Thầy bị sốc là cô ấy đã học Phật rồi mà lại lao vào nghiện game. Điều thứ ba khiến Thầy bị sốc là cô ấy yêu một người trong thế giới ảo, yêu một người chưa từng gặp mặt, yêu đến mức đau khổ, vật vã. Đây chỉ là ảo mà đã như vậy, nếu đưa vào cơ thế chất gây nghiện thì không biết con người sẽ bị hủy hoại đến mức như thế nào!
Người xưa nói: “Con cái mà hư là lỗi tại Cha Mẹ. Học trò mà không nên là Thầy phải chịu trách nhiệm”. Chúng ta phải thận trọng! Của để dành của mình là con cái. Chúng ta đừng thương yêu cưng chiều con cái để chúng trở thành thảm họa của cuộc đời này. Nếu chúng ta không sáng suốt thì rất nguy hiểm.
Biết bao nhiêu Cha Mẹ khổ sở vì con cái. Cho nên chúng ta đừng dễ vui, đừng tùy tiện trong chuyện yêu đương, đừng tùy tiện trong việc giáo dục con cái. Một cô gái xinh đẹp đã yêu đương, mang bầu, sinh con ra rồi quấn con lại, thiêu chết con và chôn xác con ở sau nhà. Một người Mẹ vì không cho con trai tiền nên đã bị chính con trai của mình nhốt trong phòng, hành hạ, đánh đập như đánh kẻ thù trong suốt 8 giờ đồng hồ. Sau khi hành hạ, tra tấn người Mẹ thì người con mệt quá, lả đi. Người Mẹ lúc đó mới có cơ hội liên lạc với công an để được cứu thoát. Người Mẹ quá đau lòng khi thấy con mình bị tuyên án ngồi tù 8 năm. Có đứa con lại muốn “quan hệ” với chính Mẹ của mình. Vấn đề đạo đức, nhân cách làm người đã được báo động đến mức nghiêm trọng. Có người sắp sinh con và cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an khi nhận được cảnh báo: “Xã hội đang ô nhiễm, lại có dịch bệnh, nếu sinh con ra thì phải vô cùng thận trọng!”. Thầy mới nhận được một lá thư tha thiết, van xin, khẩn cầu Thầy cứu con của họ. Tất cả chúng ta, tất cả những người làm Cha làm Mẹ trên thế giới này đều phải cảnh tỉnh với vấn nạn này. Chúng ta phải mau mau xem lại cách giáo dục con cái của mình, nếu không đến một ngày, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân.
Cách đây khoảng 5 – 7 năm, Thầy đã nói rõ với các con của mình: “Ba có đường đi của Ba. Nếu con nghe lời, làm theo cách của Ba thì Ba sẽ chịu trách nhiệm. Nếu con tự quyết, tự làm theo cách của con thì con phải tự nhận trách nhiệm. Khi con khổ quá, muốn quay đầu thì gọi điện cho Ba. Ba sẽ an bài cho con, chứ con đừng ra cầu Bình Lợi, đừng ra cầu Sài Gòn mà nhảy xuống! Như vậy thì nhục lắm! Cuộc đời có rất nhiều việc cần phải làm!”. Chúng ta làm Cha Mẹ thì phải cẩn trọng. Lúc cần thương thì thương, lúc cần cứng rắn thì phải cứng rắn.
Trong “Tứ Y Pháp”, Phật dạy “y trí bất y thức”, chúng ta phải nương vào trí tuệ chứ đừng nương vào vọng thức, đừng nương vào xúc cảm để hành xử. Ngày nay, đạo đức, nhân cách, chuẩn mực làm người đang ở mức báo động. Chúng ta mau mau phản tỉnh trước khi quá muộn! Người xưa nương tựa vào giáo huấn của Phật Bồ Tát, nương tựa vào giáo huấn của Thánh Hiền để sống, để kết hôn & dạy con. Ngày nay, con người buông bỏ giáo huấn của Phật Bồ Tát, chối bỏ giáo huấn của Thánh Hiền cho nên tạo ra một xã hội động loạn. Con người mà không học chuẩn mực làm người thì chắc chắn không thể trở thành người tốt. Có đoạn Thầy rất áy náy, không biết phải nên dịch như thế nào. Con người nhưng không phải là con người, chỉ mặc áo người, nói tiếng người, “người không ra người, ngợm không ra ngợm”.