CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 578
KHÔNG BỊ CẢNH GIỚI BÊN NGOÀI MÊ HOẶC MỚI THÀNH TỰU ĐƯỢC ĐẠO NGHIỆP
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Sáu ngày 09/07/2021.
******************************
Không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc mới thành tựu được đạo nghiệp. Nhà Phật dạy chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực. Người ta bị rơi vào mê tín, thần quyền, rồi rơi vào tự tư tự lợi. Họ chăm sóc tín đồ bởi vì tín đồ là người thanh toán, trả nhiều khoản tiền cho họ. Họ hoàn toàn không tu hành theo cốt lỗi của nhà Phật. Nhiều người không hiểu đạo lý “người phước ở đất phước”, họ không chính mình nỗ lực mà chỉ cầu Phật gia hộ. Đa phần những người đến với Phật đều sai từ căn bản, khiến cho các tôn giáo bạn, các tín đồ không kính tin nể phục.
“Phật” là người giác ngộ, là người hoàn thiện. “Giáo” là giáo dục chuẩn mực. “Phật giáo” là giáo dục chuẩn mực để trở thành người hoàn thiện. “Phật giáo” không phải là khoa học, không phải là triết học. Một vị Giáo sư người phương Tây nói: “Phật giáo là điều mà con người cần đến. Phật dạy chúng ta hòa hợp với thiên địa quỷ thần, hòa hợp với hoàn cảnh thiên nhiên và dạy chúng ta hòa hợp giữa người với người”. Ngay từ “Phật giáo” mà chúng ta cũng không hiểu một cách thấu đáo. Khi chúng ta đã sai từ căn bản thì không thể làm đúng ở cấp độ cao hơn.
Hòa Thượng nói: “Người học Phật mức độ thấp nhất là phải chuyển nghiệp lực thành nguyện lực”. Chúng ta trách móc số phận có nghĩa là chúng ta đang bị chi phối bởi nghiệp lực. Chúng ta dù có mặt ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng là đến để hi sinh phụng hiến. Đó mới là tinh thần của người học Phật. Chúng ta đa phần bị dạy sai, cho nên khởi tâm động niệm đã sai càng thêm sai. Nhà Phật dạy chúng ta tạo phước để duy trì phước. Trong “Kinh Kim Cang”, Phật dạy chúng ta làm các việc phước lành nhưng không thấy những gì chúng ta đã cống hiến, không thấy những người nhận những gì chúng ta đã cống hiến và không thấy chính bản thân mình đang cống hiến. Chúng ta cống hiến với tinh thần “chí công vô tư” cao độ. Chúng ta không được dạy đúng cho nên không hiểu rõ rằng: Tất cả đều có tiền nhân, nhân trước quả sau. Muốn đời sau tốt hơn thì ngay đời hiện tại phải tu tích. Ngay đời hiện tại đang tốt đẹp thì chứng tỏ đời trước có tu, bây giờ phải cố gắng tu tốt hơn.
Hòa Thượng dạy: “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”. Đó là trạng thái tự nhiên, không phải cố làm người tốt. Chúng ta làm việc tốt không phải vì mong cầu công đức mà làm với tâm vô tư, vô cầu.
Trong bài, Hòa Thượng nói một câu khiến Thầy rất cảm động: “Cả đời của tôi không ham thích hưởng thụ vì tôi sâu sắc hiểu rõ rằng kiếp người ngắn ngủi, thế gian vô thường”. Ngài dành hết mọi sự tiện nghi thuận lợi cho người khác. Cái ta, cái tôi không phải là thật. Chúng ta không thấy cái ta, không thấy cái tôi thì sẽ không thấy cái của ta, không thấy cái của tôi. Chúng ta cần nhìn rõ chân tướng sự thật, biết vô thường để làm ra chân thường. Chúng ta biết vô thường để trân trọng cuộc đời chứ không phải để nghĩ rằng cuộc đời ngắn ngủi, phải mau hưởng thụ, tận lực hưởng thụ. Tận lực hưởng thụ cho bản thân thì chắc chắn tạo nghiệp. Tạo dẫn nghiệp nhất định dẫn đến mãn nghiệp. Chúng ta có hiểu rõ kiếp người ngắn ngủi, thế gian vô thường không? Nếu hiểu rõ thì phải mau mau nắm lấy cơ hội vô thường để tạo ra chân thường. Những tấm gương đức hạnh Việt Nam các Ngài đã làm ra những tấm gương lưu danh thiên cổ. Cao hơn nữa, chúng ta phải quay về với tự tánh vĩnh hằng.
Thầy nhớ mãi lời dạy của Hòa Thượng: “Khi hơi ấm còn ở trong ta, khi linh hồn còn ở trong thân xác tứ đại này thì phải mau mau làm việc tốt”. Chúng ta thì ngược lại, mau mau làm việc xấu, cứ mãi vun vén với những buồn vui thương ghét giận hờn. Tự tư tự lợi chính là việc xấu, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn chính là việc xấu.
Chúng ta học Phật, căn bản thấp nhất là phải chuyển đổi nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển đổi tự tư tự lợi thành vô tư vô ngã, chuyển đổi năm dục sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc & pháp) thành vô tư vô cầu. Hòa Thượng nói: “Mức độ thấp nhất bạn có được thọ dụng là chuyển đổi nghiệp lực thành nguyện lực. Cửa thấp nhất mà bạn không làm được thì cũng trở thành không có tác dụng đối với Phật pháp”. Nếu chúng ta không chuyển đổi nghiệp lực thành nguyện lực thì ngày ngày sống trong phiền não, không có sự chuyển tâm, tu học không có thành tựu.