CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 574
MỖI NIỆM ĐỀU CÓ TƯ TÂM
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Ba ngày 06/07/2021.
******************************
“Mỗi niệm đều có tư tâm”. Đây là đạo nhãn chưa khai mở. Tư tâm là tâm tự tư ích kỷ, chỉ nghĩ đến riêng mình. Hòa Thượng nói: “Mỗi niệm đều có tư tâm, đều vì mình, cái của mình, đóng lại tâm rộng lớn”. Trong “Tứ Y Pháp”, Phật dạy chúng ta đi theo trí tuệ chứ không đi theo tình cảm. Đa phần chúng ta vì cảm tình mà làm việc chứ không làm việc bằng trí tuệ. Nếu làm việc bằng trí tuệ thì hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Làm việc bằng tình cảm thì bưng bít cho cái ta, cái của ta. Người học Đạo, người học Nho có đạo lý: “Con người ở nơi giang hồ không được vì chính mình”. Người thế gian mà còn như vậy, chúng ta là người học Phật thì phải theo trí tuệ chứ không theo tình cảm. Vì tình cảm mà làm việc thì sẽ sai rất nhiều.
Hòa Thượng nói: “Đồng tu học Phật chúng ta, không kể tại gia hay xuất gia, bản thân chúng ta trong vô tình hữu ý làm chướng ngại người khác học tập”. Chúng ta phải suy xét cho kỹ những đạo lý này. Người học Phật chúng ta mà còn có tâm tư riêng, có tình chấp thì chúng ta chưa phải là người học Phật. Trong vô hình trung, chúng ta tạo chướng ngại cho người khác học Phật. Trong Kinh, Phật nói đi nói lại nhiều lần: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Có được thân người là có cơ hội vượt thoát sanh tử luân hồi. Bạn chướng ngại người khác học Phật thì tội này nặng hay nhẹ?
Tâm tư riêng, tâm tình chấp luôn luôn dẫn đạo chúng ta làm sai. Tình chấp làm theo cái mình thấy, cái mình biết, cái mình hiểu, sẽ tạo rất nhiều chướng ngại. Biết bao nhiêu người cản trở, cho rằng người học Phật mà đi dạy “Đệ Tử Quy” là xen tạp. Chính họ niệm Phật, dập đầu cầu Phật để xin vượt qua khó khăn trong cuộc sống nhưng cũng không được. Nhiều người có đạo tràng nhưng trong gia đình họ, con cái không ngoan, thậm chí đánh Cha Mẹ. Chẳng qua là Cha Mẹ không dạy con cái, tối ngày bắt ép chúng, làm Cha Mẹ chỉ toàn giáo điều, đưa ra những quy định phải như thế này, phải như thế kia. Người tốt do dạy mà ra, chẳng qua chúng ta không dụng tâm dạy các con trở thành người tốt cho nên các con trở thành người xấu. Cha Mẹ nuông chiều con cái quá mức cho nên con cái có những sai lầm, đến khi chúng ngoài tầm kiểm soát của mình rồi thì mình mới than Trời trách Đất.
Chúng ta đã làm ra những mô hình tốt. Các con ở Sơn Tây mới học được 2 ngày mà gần như đã đi vào nề nếp & có những biểu hiện tốt. Vậy mà có người nói là: “Đưa đứa trẻ về đó thì ai mà dạy nó tốt được!”. Một câu nói đó đã tuyệt giao. Nếu nói cả một Hệ thống mà không có người dạy thì quá hàm hồ. Chúng ta không nên qua lại với con người đó. Vô hình trung, tâm tình chấp của họ đã chướng ngại người khác. Tội chướng ngại người quá nặng. Họ phủ nhận hết tất cả những gì người ta làm tốt cho cuộc đời, cho xã hội. Họ cho đó là xen tạp, bản thân họ thì không xen tạp!
Hòa Thượng cả đời đem Phật pháp, đem đạo lý nhân quả truyền dạy cho người. Ngài vẫn một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng. Chẳng qua chúng ta nghe Phật pháp nhưng hiểu sai. Tổ sư Đại đức nói: “Trong tâm của ta, ngoài câu “A Di Đà Phật” ra thì những việc khác đều là xen tạp”. Chúng ta làm những việc tốt mà để dính mắc trong tâm thì đó là xen tạp. Những người không hiểu cứ nghĩ rằng họ chỉ cần niệm Phật. Có thật là họ không xen tạp hay không? Họ vẫn phân biệt chấp trước, phiền não trùng trùng, không biết cách đối nhân xử thế tiếp vật, ứng xử thô tháo. Gia đình xào xáo, con cái không ngoan, vợ chồng không hòa thuận. Nguyên nhân là do họ niệm Phật chưa tới, công phu chưa đủ lực, tạo ra nhiều oan trái trong gia đình.
Ngày nay chúng ta chưa đạt được cảnh giới niệm Phật với tâm Thanh Tịnh, niệm Phật tương ưng với tâm Phật, niệm Phật nhất tâm bất loạn, niệm Phật thành khối. Hòa Thượng thấy căn tánh chúng ta như vậy cho nên Ngài dạy chúng ta vừa niệm Phật, vừa học cách làm người.
⮚ Khi niệm Phật thì trong tâm chỉ có một câu “A Di Đà Phật”
⮚ Khi đối nhân xử thế tiếp vật thì lấy “Đệ Tử Quy” làm chuẩn