CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 568
MỘT LÚC NGHĨ ĐÂY, MỘT LÚC NGHĨ KIA
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ thứ Ba ngày 29/06/2021.
******************************
“Một lúc nghĩ đây, một lúc nghĩ kia”, “một lúc” là một khoảnh khắc rất ngắn, rất nhanh. Trong một khảy móng tay có 32 triệu ý niệm. Mỗi ý niệm đều có hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần. Khi chúng ta xem phim, chúng ta thấy hình ảnh chuyển động vì các hình ảnh khác nhau liên tục nối tiếp nhau. Con người chúng ta dễ thay đổi. Hòa Thượng nói: “Câu nói “trọn đời chung thủy” là lời nói giả”. Phật Bồ Tát sống bằng chân tâm. Chúng sanh sống bằng vọng tâm. Con người chúng ta sống trong vọng tâm, thay đổi theo từng sát na. Cho nên người xưa dạy chúng ta đừng vội tin những lời kiểu như “trọn đời ghi ân”, “trọn đời tạc dạ”. Nhiều người tin vào những lời nói đó cho nên khổ đau, tưởng rằng những người xung quanh đang sống chân thật với mình. Chúng ta không nghi ngờ nhưng khi gặp việc sai trái thì chúng ta biết con người sống bằng vọng tâm, mà vọng tâm không phải là thật.
Phật nói rõ: “Con người có BÁT KHỔ gồm sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”.
Ái biệt ly khổ: Yêu thương nhau mà chia lìa nhau thì khổ.
Cầu bất đắc khổ: Cầu mong mà không được thì khổ.
Oán tắng hội khổ: Ghét nhau mà phải gặp nhau là khổ.
Ngũ ấm xí thạnh khổ: Năm ấm “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” dấy khởi làm chúng ta khổ.
Chúng ta biết rõ thực chất, biết rõ chân tướng để khi gặp chuyện thì không quá khổ đau. Người ta phụ mình, lừa mình, đó là việc đương nhiên. Có người nhặt được tiền, nhặt được vàng trong đống rác liền tìm người để trả lại. Đó là người thành thật, chất phác. Người xưa dạy: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Con người không có đạo nghĩa thì chúng ta không kết giao. Vật phi nghĩa thì chúng ta không lấy. Chúng ta làm ra của cải vật chất từ trí tuệ, từ sức lao động chân chính của mình thì đó mới không phi nghĩa. Người thời nay thao túng, dùng sự mưu mẹo của mình để làm giảu. Họ không biết những việc làm bất thiện đó kết thành nhân quả rất xấu.
Thầy thấy người ta tạo ác thì cảm thấy rất lo lắng nhưng không biết phải khuyên họ thế nào. Có một gia đình nọ có rất nhiều đất, họ mua đất của người khác, mua 1 bán thành 4. Sau khi mua xong, họ cho mượn lại để trồng trọt. Khi xây dựng nhà, đất của họ nhiều bao la nhưng họ không làm nhà trên đất của mình mà lại đi xây dựng nhà từ đất ăn cắp của người khác. Nhà mình ở là nơi thờ cúng Tổ tiên, Gia tộc. chúng ta làm việc xấu ác thì Tổ tiên có xấu hổ không? Chúng ta phải làm những việc vinh hiển Tổ Tông, khiến Tổ Tiên mát mặt. Thầy muốn khuyên họ nhưng không dám khuyên vì biết họ không nghe. Chắc chắn tương lai con cháu của họ không thể phát triển tốt đẹp. Họ thờ Phật, thờ Tổ tiên nhưng Phật Bồ Tát và Tổ tiên cũng không bước vào. Đời chúng ta còn có đời trước, đời sau. Nếu chúng ta tạo nên sự bất thiện thì con cháu đời sau ngày càng đi xuống. Chúng ta thương cho những người không được tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền.
Thầy cảm thấy rất tự hào khi treo ảnh Bác Hồ và ảnh Hòa Thượng tại nơi mình ở. Thầy vừa tri ân Tổ quốc, vừa tri ân Hòa Thượng. Chiếc bàn gỗ này Thầy đóng từ những vỏ cây gỗ thông người ta vứt bỏ đi. Thầy làm mọi việc bằng sự chân thành, không giả dối, không có sự khuất tất nào.
Nhà Phật dạy “BÁT CHÁNH ĐẠO” gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
“Chánh Tinh Tấn”: Tinh tấn là siêng năng, chuyên cần. Siêng năng chuyên cần chân chánh thẳng tiến đến mục đích và lý tưởng mà Phật đã dạy. Hăng say làm những việc chính đáng mang lợi ích cho chúng sinh chứ không phải tinh tấn theo đường tà, không phải tinh tấn là kẻ phản quốc, không phải tinh tấn là kẻ phản bội.
Lời nói phải chánh, ý nghĩ phải chánh, việc làm phải chánh, đời sống phải chánh. Ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh. Con người sống trong vọng niệm chứ không sống trong Chánh Niệm. Hòa Thượng nói: “Người đời trước rất lão thật, chất phác, dục vọng ít nên phiền não của họ rất nhẹ. Nếu họ được tiếp cận với Phật pháp thì một câu A Di Đà Phật họ sẽ niệm đến cùng”. Chính sự lão thật, thành thật khiến họ công phu thành tựu.