CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 564
LÀM THẾ NÀO ĐỂ VÀO ĐƯỢC CHÂN THẬT HẠNH
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Tư ngày 16/06/2021.
********************************
Việc làm của Phật Bồ Tát là giúp chúng sanh chân thật thoát sanh tử. Việc trước tiên và quan trọng nhất của hành giả học Phật là phải niệm Phật vãng sanh. Tất cả các việc khác là phụ, nhưng phụ hỗ trợ cho chính. Chúng ta phải biết chính và phụ. Hòa Thượng cả đời đã làm ra biểu pháp cho chúng ta học tập. Ngài không ngừng giảng Kinh thuyết pháp, đồng thời Ngài ủng hộ xây trường học, hỗ trợ trù bị giúp các tôn giáo bạn, làm tất cả những việc cần làm.
Khi một đoàn y bác sĩ đến Châu Phi để hỗ trợ y tế, Hòa Thượng nói: “Đoàn đã phát tâm đi, mình không đi được thì mình ủng hộ họ”. Ngài ngỏ ý tặng họ một chiếc xe cứu thương. Nếu chúng ta nói rằng Ngài làm như vậy là xen tạp thì chúng ta sai rồi. Vậy mà một số tín đồ nhà Phật nói rằng: “Người ta cúng dường cho Ngài, tại sao Ngài lại đi giúp đỡ tôn giáo khác?”. Ngài nói: “Tôi không giúp đỡ tôn giáo khác, tôi đang giúp đỡ chúng sanh. Nơi nào chúng sanh cần giúp thì chúng ta làm, không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt tôn giáo”.
Cụ Hứa Triết nói một câu rất đáng để chúng ta học hỏi: “Đối với tôi, không có tôn giáo. Tôn giáo chính là tình yêu!”. Đó là tình yêu không bờ mé, không ngăn cách đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta tự đặt cho mình rào cản thì chúng ta có chướng ngại rồi. Chúng ta chọn cho mình một pháp môn thì phải tu ở nội tâm. Đối tượng để chúng ta cứu giúp, hướng đến sự giác ngộ chính là chúng sanh. Chúng ta làm việc gì cũng phải hướng chúng sanh đến sự giác ngộ. Nhưng muốn tiếp cận chúng sanh thì chúng ta phải có phương tiện khéo léo, tạo cảm tình để gần gũi chúng sanh.
Phật rất từ bi, phương tiện thiện xảo. Chúng ta lấy gì để kết duyên lành với chúng sanh? Trong 3 pháp bố thí thì tài thí, vô úy thí chính là phương tiện. Chúng ta dùng nội tài, ngoại tài để bố thí, kết duyên với chúng sanh. Sau khi chúng sanh có duyên với mình rồi thì mình mới dùng đến pháp bố thí. Tài thí và vô úy thí là phương tiện thiện xảo.
Nhiều năm nay, đi đến đâu Thầy cũng tặng quà. Điều này đã trở thành một thói quen. Thậm chí trong thời gian dịch bệnh không đi đâu nhưng Thầy vẫn tặng mũ A Di Đà Phật. Mũ rộng vành đó rất nhiều người thích. Đó là kết duyên lành với chúng sanh. Phật tử ở miền Tây nói rằng: “Hễ gặp Thầy Vọng Tây thì nhất định có phóng sanh lớn”. Thật vậy, lần nào Thầy về chùa Tiên Châu ở miền Tây giảng thì đều cùng mọi người phóng sanh rất nhiều.
Chúng ta tu hành có động lực và có phương tiện. Việc cần chúng ta phát tâm và nỗ lực cố gắng chính là thoát sanh tử. Chúng ta dùng tài thí để kết duyên với chúng sanh. Tài thí không chỉ dùng tiền mà có thể dùng nội tài là năng lực, sức khỏe của chúng ta. VD: Mình biết nấu đồ ăn ngon thì mình nấu nhiều món ngon để tặng mọi người. Bất cứ ai cũng thích được nhận quà. Từ đó chúng ta có phương tiện để tiếp cận chúng sanh. Bố thí vô úy đem sự an lành đến cho chúng sanh. Chúng ta ăn chay, phóng sanh, cứu hộ chúng sanh. Có duyên rồi thì nhất định gặp nhau. Lúc đó chúng ta đem Phật pháp để giảng giải cho họ.
Chúng ta đã tạo được duyên lành gần gũi chúng sanh thì khi mình đến, họ sẽ rất vui. Hòa Thượng nói: “Mình giảng không hay, nhưng mình đã tạo duyên lành với họ rồi nên họ sẽ ủng hộ mình, sẽ ngồi nghe cho hết vì họ đã có cảm tình với mình nên không nỡ làm mình đau lòng”. Nhiều năm nay Thầy rất tích cực tặng quà. Làng xóm xung quanh khu nhà Thầy khi cần cúng bái thì họ nhờ Thầy. Sau đó họ đến nhà để cúng dường tiền nhưng Thầy không bao giờ nhận tiền của họ. Khi họ về, họ thích cây nào trong vườn, Thầy tặng cây đó cho họ, tặng luôn cả chậu cây. Họ vô cùng hoan hỉ. Thầy lấy cây con để nhân giống, tiếp tục trồng cây. Khi Thầy đã kết duyên lành với họ thì khi có pháp hội, dù mình nói không hay nhưng họ cũng cố ngồi nghe cho hết.
Phật pháp rất tuyệt vời! Trước tiên chúng ta phải tạo duyên để kết thiện duyên với chúng sanh bằng bố thí, tặng quà. Có rất nhiều món quà để tặng. Cách đây khoảng 7 -8 năm, Thầy đi giảng ở Long Điền, Thầy khuyên mọi người thường xuyên tặng quà bằng các loại rau củ quả sạch mà mình trồng được, vậy thì ai cũng vui. Họ cứ nghĩ rằng bố thí phải là tặng người khác tiền, hoặc mang đến chùa cúng dường cho Phật. Trong ba pháp (1) bố thí tài, (2) bố thí vô úy và (3) bố thí pháp thì bố thí tài và bố thí vô úy là để gieo duyên tiếp cận với chúng sanh.
Gần nhà Thầy có một gia đình trước đây không bao giờ ngó nghiêng, hỏi thăm Thầy. Vậy mà bây giờ hai cha con ấy hễ nhìn thấy Thầy thì cứ cúi đầu chào. Thầy giúp họ cúng tuần thất rồi tặng họ cây. Họ liền thay đổi và mở tâm hơn. Điều quan trọng là chúng ta có chân thật xả mình vì người không, có “chí công vô tư” không.
Hòa Thượng nói: “Trong luân hồi sáu cõi, chướng ngại lớn nhất là chúng ta làm đều vì chấp ngã, chấp cái ta, vì lợi ích của ta. Đây chính là tạo nhân luân hồi. Bạn đã tạo nhân luân hồi thì sẽ dính quả luân hồi, không thoát được. Hoằng pháp lợi sanh cũng không thể dính vào danh vọng lợi ích. “Ta” chính là tự tư tự lợi, con ta, nhà ta... Chúng ta phải buông bỏ thật sạch! Tuy khó nhưng vẫn phải làm! Nếu chúng ta muốn học Phật Bồ Tát thì phải một lòng một dạ vì chúng sanh phục vụ, dùng phương tiện thiện xảo & phương pháp khéo léo để giúp họ giác ngộ, khai ngộ”.
Chúng ta không làm để cố tình kết quyên, cố tình có nhiều học trò theo mình mà làm một cách tự nhiên, việc tốt cần làm nên làm không công không đức. Các trường trong Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức có quy định đầu tiên là không nhận quà cho nên chúng ta không phải nhìn mặt họ để mà ứng xử. Thầy đã từng nhìn thấy một Cô giáo chất hoa và quà đầy một xe xích lô. Làm như vậy làm gì cho mệt!
Chúng ta phổ biến luân lý đạo đức, học Giáo dục Thánh Hiền để biết chuẩn mực làm người, học Phật để khai ngộ, để biết chuẩn mực làm Phật Bồ Tát. Mục đích chúng ta tiếp cận chúng sanh, kết duyên lành với họ không phải để họ cung phụng mình, hoàn toàn không vì cái ta mà là để giúp họ giác ngộ. Chúng ta tích cực đem đạo đức nhân cách truyền đạt cho mọi người với mục đích giúp họ, chứ không phải vì ta mà làm. Làm được như vậy mới là “chí công vô tư” như Bác Hồ đã dạy. Chúng ta phải luôn phản tỉnh bản thân xem mình làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật có “chí công vô tư” hay không, có dính vào danh lợi, hưởng thụ năm dục sáu trần hay không, có xả mình vì người hay không.
Hòa Thượng nói: “Phật không độ người vô duyên. Phật chỉ độ người có duyên”. Chúng ta dùng tài bố thí, vô úy bố thí để rộng kết thiện duyên với chúng sanh, rồi sau đó mới đem pháp bố thí để nói cho họ. Chúng ta thường dùng tài bố thí, vô úy bố thí để chúng sanh ưu thích, gần gũi, sau đó mới có thể đem Phật pháp hoặc giáo huấn Thánh Hiền để nói cho họ nghe. Vậy thì họ mới tiếp nhận. Mục đích của chúng ta không gì khác ngoài việc giúp họ phá mê khai ngộ, siêu phàm nhập Thánh. Đó mới chính là chân thật hạnh. Chân thật hạnh là giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, khai ngộ, biết được chuẩn mực làm người, chuẩn mực làm Phật Bồ Tát. Chúng ta cứ làm theo tập khí phiền não của mình thì đó là chuẩn mực của phàm phu. Thấy người ta tham, mình cũng tham. Thấy người ta hưởng thụ, mình cũng hưởng thụ vì không muốn chịu thiệt thòi.
Hòa Thượng đã thay đổi vận mệnh của mình. Ngài vốn là người không có phước báu thì đã trở thành người có phước báu. Ngài vốn là người không có tuổi thọ thì đã trở thành người có tuổi thọ. Một người Thầy bói nói: “Người này đáng nhẽ phải chết lúc 45 tuổi, nhưng vì đã xuất gia cho nên đã thay đổi vận mệnh, mới có thể sống được đến tận bây giờ”. Xuất gia gồm (1) xuất thế tục gia, (2) xuất phiền não gia, (3) xuất tam giới gia thì mới thay đổi được tất cả. Xuất gia thì phải tin Phật và làm theo lời Phật dạy chứ không phải là cạo tóc, mặc bộ đồ xuất gia.
Hòa Thượng nói: “Mục đích của chúng ta là tạo duyên lành với chúng sanh để đem giáo huấn của Thánh Hiền đến với họ, giúp chúng sanh giác ngộ, khai ngộ”. “Vô ngã vị tha”, quên mình vì người. Nếu như vậy thì làm gì có sự cạnh tranh. Chúng sanh tư lợi, ta làm việc gì không trôi chảy thì chắc chắn là chúng ta làm với tâm tư lợi. Như vậy chắc chắn có mâu thuẫn.
Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi không có chướng ngại”. Chúng ta phải hiểu Ngài không có chướng ngại ở nơi tâm. Chúng ta bị chướng ngại ở chính nơi tâm chúng ta. Hòa Thượng giảng Kinh thuyết pháp ở Singapore. Người ra đến làm thành cơ ngơi đồ sộ, rồi tranh giành. Họ tranh giành thì Ngài nhường luôn, đi luôn. Chân thật hạnh của Phật Bồ Tát chính là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, nhận ra, hiểu ra chuẩn mực làm người, chuẩn mực làm Phật Bồ Tát. Đó là sứ mạng của chúng ta.
Chúng ta dẫn dắt chúng sanh bằng phương tiện bố thí tài, bố thí vô úy để kết duyên với chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, nhận ra, hiểu ra chuẩn mực làm người, chuẩn mực làm Phật Bồ Tát. Chúng ta làm mà không toàn tâm toàn ý, không buông bỏ đi cái ngã, cái ta thì chúng ta không thể thoát được luân hồi. Chúng sanh cũng không tin chúng ta vì những điều chúng ta nói cho chúng sanh nghe đều là giả, không phải thật. Chúng ta phải toàn tâm toàn ý quên mình vì người. Vậy thì chúng ta cắt đứt duyên luân hồi, nhất định không quay lại luân hồi. Tự độ và độ tha thì giác hạnh viên mãn. Chính mình không tạo nhân luân hồi để không nhận luân hồi.
Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật nói: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. “Một lòng chuyên niệm” là tự hành, “phát tâm Bồ Đề” là hóa tha. Tự hành hóa tha là viên mãn, là chân thật hạnh của Phật Bồ Tát. Trong tự độ có độ tha, trong độ tha có tự độ. Đó mới là chân thật hạnh.
Người ta mới: “Mình phải tự độ trước, sau đó mới độ tha”. Như vậy thì sai rồi! Như vậy thì chúng ta chưa vào chân thật hạnh, chưa phát tâm Bồ Đề.
******************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!