CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 563
THẾ NÀO LÀ NHỚ PHẬT NIỆM PHẬT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Sáu ngày 25/06/2021.
*****************************
Trong Tịnh Độ tông có câu: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”. “Nhớ Phật” là nhớ tướng hảo của Phật. “Niệm Phật” là niệm danh hiệu của Phật. Hiểu như vậy chưa đi sâu vào trong nội tâm. Hòa Thượng nói: “Nhớ Phật” đúng nghĩa là phải nhớ TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. “Niệm Phật” đúng nghĩa là niệm TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. Tướng hảo & danh hiệu của Phật chỉ là phương tiện. Phương tiện không thể bỏ đi. Chúng ta nhờ phương tiện để đi vào chân thật. Chân thật là TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật”.
Tịnh Độ tông đề xướng đem phẩm thứ Sáu của “Kinh Vô Lượng Thọ” làm thời khóa sáng để biết NGUYỆN của Phật, thời khóa tối tụng từ phẩm 32 đến phẩm 37 để biết HÀNH của Phật. Chúng ta dùng tâm gì để nhớ Phật, niệm Phật? Khi Hòa Thượng nghe thấy câu “niệm Phật đọa Địa Ngục”, Hòa Thượng không hiểu bèn hỏi Ngài Lý Bỉnh Nam. Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Vấn đề này lớn lắm, tôi không nói cho một mình ông. Ngày mai lên giảng đường, tôi sẽ giảng cho tất cả mọi người”. Hôm sau, Ngài Lý Bỉnh Nam nói: Quan trọng là chúng ta dùng tâm gì để niệm Phật. Nếu dùng tâm tự tự tự lợi để niệm Phật, dùng tâm danh vọng lợi dưỡng để niệm Phật, dùng tâm tham sân si mạn để niệm Phật, dùng tâm hưởng thụ năm dục sáu trần để niệm Phật thì không thể tương ưng.
Phải dùng tâm CHÂN THÀNH để niệm Phật;
Phải dùng tâm THANH TỊNH để niệm Phật;
Phải dùng tâm BÌNH ĐẲNG để niệm Phật;
Phải dùng tâm CHÁNH GIÁC để niệm Phật.
Một câu A Di Đà Phật là Vô Thượng thâm diệu Thiền. Người niệm Phật nếu TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH đều như Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật. Người niệm Phật phải khắc sâu ghi nhớ TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. Đối với chúng sanh, Phật hàng ngày có ước nguyện tất cả chúng sanh đều nhanh thành Phật, đồng hàng với chư Phật. Đó là TÂM NGUYỆN của Phật. Ngài dùng tất cả những phương tiện khéo léo nhất, từ khẩu giáo đến thân giáo để giúp chúng sanh nhanh chóng thành Phật, giải quyết sanh tử luân hồi, không phải sanh tử nữa, hoàn thành học vị để bắt đầu công cuộc tiếp độ chúng sanh một cách tốt nhất. Thành Phật không phải là để an hưởng Niết Bàn. Đó là HÀNH của Phật.
Cho nên giáo huấn của Phật là dạy chúng sanh thành Phật. Trước tiên, Phật dạy chúng sanh đoạn ác tu thiện, cắt đứt ba đường ác. Chúng sanh ở Địa Ngục, ngạ quỷ, súc sanh vô cùng khó độ. Sau đó, Phật dạy chúng sanh phá mê khai ngộ, rồi dạy chúng sanh chuyển phàm thành Thánh. Người niệm Phật không thành tựu vì TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH không giống Phật. Chúng ta chưa giống hệt 100% nhưng phải hướng đến giống Phật. Người niệm Phật phải dùng TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật để niệm Phật.
Chúng ta nói về công ơn Cha Mẹ với những đứa trẻ mồ côi không Cha Mẹ nhưng chúng không có cảm giác. Chúng phải khắc sâu ghi nhớ những ngày tháng vất vả lam lũ của Cha Mẹ thì mới nhớ đến ân đức của Cha Mẹ. Chúng ta nhắm mắt nhớ đến Phật thì chỉ thấy một mảng đen thui, không thấy Phật. Nhưng chúng ta nhắm mắt nhớ người yêu thì thấy rõ mồn một.
Chúng ta dùng TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH để nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật. Hòa Thượng nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn, nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. Người học Phật phải đem tâm Phật để đối nhân xử thế tiếp vật, đem tâm Phật để niệm Phật. Chúng ta đừng đem tâm chúng sanh để niệm Phật. Tâm chúng sanh đầy đủ 16 tập khí xấu ác: Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Những tập khí xấu ác này kết thân với nhau, “thề non hẹn biển” là “khi có mặt tôi thì nhất định phải có mặt anh”.
Chúng ta học Phật thì dù làm bất cứ việc gì cũng phải phải hướng đến Phật. Chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì đừng làm những việc của chúng sanh. Tối hôm qua, sau khi kết thúc lớp học “Cảm Ứng Thiên”, Thầy có một số việc cần làm nên đi ngủ muộn. Nhưng đến sáng nay Thầy vẫn thức dậy lúc 3h như mọi ngày. Chúng ta cứ cho đi, cho đi càng nhiều càng tốt! Vậy thì tâm tự tư tự lợi sẽ khó mà hình thành, ngày càng ít đi. Thầy ngày nào cũng tặng quà, Thầy tặng những món quà đặc biệt mà họ không có nên họ rất vui thích. Ví dụ Thầy tặng họ rau xà lách sạch, thơm ngon hơn giống xà lách mà họ đang có. Chỉ cần có người hoan hỉ nhận thì Thầy sẽ tiếp tục cho.
Hòa Thượng dạy chúng ta thay đổi tâm chúng sanh, đổi vào đó là tâm Phật. Chúng ta nghe Kinh điển của Phật nhưng mơ hồ không hiểu. Hòa Thượng nói: “Cả đời của tôi là một mảng chân thành, tôi không lừa dối bất cứ ai”. Đó là tâm Phật. Trong bài, Hòa Thượng nói: “TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, ở trong “Kinh A Di Đà”. Chúng ta cứ nhìn vào đời sống của Hòa Thượng thì sẽ thấy TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. Chúng ta học tập Ngài, làm một cách tự nhiên, không gượng ép, không làm cho dễ coi. Chúng ta chỉ cần thay đổi tâm của mình, chuyển đổi tập khí của mình thì tự khắc sẽ tốt hơn.
Có những cái chúng ta tưởng chừng không thể cho được nhưng chúng ta cũng cho luôn. Hòa Thượng lúc đầu không bao giờ cho ai mượn sách vì sợ người ta làm hỏng sách. Sau đó Ngài bắt đầu mở rộng tâm lượng. Đầu tiên Ngài cho mượn sách cũ, sau đó Ngài cho mượn cả sách cũ và sách mới. Cuối cùng Ngài tặng luôn cả sách mới, tặng không biết bao nhiêu sách quý. Ngày xưa, có người phải bán nửa chỉ vàng mới mua được một quyển sách nên Thầy rất hiểu vì sao thời gian đầu Hòa Thượng không cho mượn sách, bởi vì Ngài rất trân quý sách.
Ai cũng tự xưng là “Phật tử”. “Phật tử” thì phải chuyên làm việc của Phật, không làm việc của ma, không làm việc trái với luân lý đạo đức, không làm việc trái với thường đạo. “Phật sự” là việc của Phật. Việc của Phật là cứu giúp chúng sanh vô điều kiện. Nếu chúng ta không dùng TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật thì không phải là làm Phật sự, mà là làm ma sự. Chúng ta làm Phật sự mà có phiền não, thành bại được mất, tốt xấu hơn thua thì đó là ma sự, không phải Phật sự.
Ngài Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện, khi nào Địa Ngục trống không, khi nào độ hết chúng sanh thì Ngài mới thành Phật. Chúng sanh vừa thoát khỏi Địa Ngục trong một thời gian ngắn thì lại quay trở về Địa Ngục. Nhân gian chỉ là nơi để đi du lịch, Địa Ngục là quê hương. Nhớ Phật, niệm Phật là phương tiện đưa chúng ta đến chân thật là TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật.
Mấy hôm nay Thầy đi hái mít. Khi phát hiện thấy trên quả mít có kiến, Thầy mang kiến trở về cây mít để chúng được quay trở lại môi trường sống tự nhiên của chúng. Khi Thầy nhìn thấy kiến đang gặp nạn nước ở trong bồn cầu, Thầy tìm cách giúp chúng thoát nạn. Tâm từ bi phải thể hiện từ những việc rất nhỏ. Chúng ta không từ bi ngay từ những việc nhỏ thì sau này khó mà phát đại từ bi.
Thực chất của danh hiệu Phật là TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. Chúng ta đem tâm của mình chuyển đổi thành tâm của Phật. Người xưa nói:
“Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn
Đau mồm, rát họng chỉ uống công”
Chúng ta nghe thấy tiếng niệm Phật thì phải đề khởi TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH đều giống Phật. Một câu niệm Phật nhắc nhở chúng ta một cách tròn đầy viên mãn. Có người hỏi: “Thưa Ngài, TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật có thể nói đơn giản một chút để tham khảo, học tập như thế nào?”. Hòa Thượng nói: “Đơn giản mà nói, TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH ở trong “Kinh A Di Đà”, ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, ở trong “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. “Kinh A Di Đà” là lược nói. “Kinh Vô Lượng Thọ” là nói rõ hơn. “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” nói một cách tường tận rõ ràng tỉ mỉ. Ba bộ Kinh này dạy chúng ta TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. Chúng ta biết được TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật thì niệm Phật, nhớ Phật.
Thầy Vọng Tây nói: TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật ở ngay trong 60 năm cuộc đời của Hòa Thượng Tịnh Không. Chỉ những người chân thật học theo Hòa Thượng thì mới cảm nhận được câu nói này của Thầy. Chúng ta đừng vội vàng kết luận, đừng vội chê bai, đừng cuồng ngôn tự đại. Cả cuộc đời của Hòa Thượng là TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. Chúng ta cứ học theo Ngài. Chúng ta đọc Kinh mà đọc theo cách của mình để hiểu sai thì thật là đáng tiếc. Hôm nay Thầy mới hiểu rõ thế nào là “nhớ Phật”, “niệm Phật”. “Nhớ Phật” đúng nghĩa là phải nhớ TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật. “niệm Phật” đúng nghĩa là niệm TÂM, NGUYỆN, GIẢI, HÀNH của Phật.
******************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!