196Thứ Hai, 06/09/2021, 19:47

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 560

MỘT NIỆM TƯƠNG ƯNG MỘT NIỆM PHẬT

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ ngày 23/06/2021.

******************************

Một niệm tương ưng một niệm Phật”. Làm thế nào mới có thể tương ưng? Đa phần người tu hành Tịnh Độ nghĩ rằng cố gắng niệm một câu A Di Đà Phật thì sẽ tương ưng với Phật.

Hòa Thượng nói:

TÂM phải như tâm của Phật

NGUYỆN phải như nguyện của Phật

GIẢI phải như giải của Phật

HÀNH phải như hành của Phật

Như vậy mới tương ưng với Phật”.

Suốt cuộc đời mình, Hòa Thượng thực hành 20 chữ:

CHÂN THÀNH, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC, TỪ BI

NHÌN THẤU, BUÔNG XẢ, TỰ TẠI, TÙY DUYÊN, NIỆM PHẬT

Nếu chúng ta muốn tương ưng với Phật thì tâm, nguyện, giải, hành đều phải tương ưng với Phật. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Người chân chánh tu hành không thấy lỗi thế gian”. “Không thấy” ở đây có nghĩa là khi ta chân thật luôn luôn kiểm soát lỗi của mình thì không còn thời gian kiểm soát lỗi của của người. Nếu chúng ta chỉ kiểm soát lỗi của người thì bỏ hổng không kiểm soát lỗi của mình.

Phật là “vô duyên đại từ”, lòng từ không có điều kiện, tất cả đều vì chúng sanh mà lo nghĩ, luôn nhìn vào điểm tích cực. Trong việc chống dịch Covid, các nhà lãnh đạo Quốc gia vô cùng tài trí, luôn vì nhân dân mà lo nghĩ. Trước đây Thầy đã từng giảng đề tài “Phật hiệu có thể gián đoạn, nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. Phật tâm phải luôn thường hằng ở trong ta. Chúng ta đôi khi Phật tâm không có, Phật hiệu cũng không có, cuối cùng toàn là phiền não, vọng tưởng, chấp trước. Vậy thì chừng nào chúng ta mới tương ưng được với Phật? Chúng ta khởi tâm động niệm luôn luôn vướng mắc “ta” ở trong đó, luôn nhìn vào điểm tiêu cực. Khi có “ta” thì luôn có phiền não. Nhiều người công phu nhiều nhưng vẫn còn nguyên phiền não, dễ dàng sanh khởi phiền não, đụng tới là phiền não. Thậm chí họ còn phiền não vu vơ như một nhà thơ đã viết: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

Phật nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật. Chúng ta phải có tâm của Phật, phải có nguyện của Phật. Chúng ta có ra sức giúp đỡ chúng sanh thành Phật hay không? Khi chúng ta có tâm của Phật, có nguyện của Phật thì tự nhiên năng lực của mình trở nên vượt trội. Chúng ta luôn hướng đến Phật để làm giống như Phật thì tự nhiên sẽ có năng lực để làm. Năng lực không phải là được Phật hoặc một vị Thần nào đó ban tặng mà là năng lực của chính chúng ta, từ trong tâm chân thành lưu xuất ra.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói:

“Nào ngờ tự tánh vốn dĩ đầy đủ

Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”

TÂM phải như tâm của Phật: Chúng ta luôn hướng đến tâm của Phật.

NGUYỆN phải như nguyện của Phật: Chúng ta luôn hướng đến nguyện của Phật.

GIẢI phải như giải của Phật: Chúng ta luôn hướng đến việc hiểu giống như Phật.

HÀNH phải như hành của Phật: Chúng ta luôn hướng đến thực hành giống như Phật.

Như vậy mới tương ưng với Phật.

Phật từ bi, yêu thương chúng sanh vô điều kiện. Chúng sanh đủ duyên, khi duyên chín muồi thì Phật sẽ đến trợ giúp. Phật có vô lượng vô biên thân, Ngài không đến bằng thân Phật mà đến bằng những thân phận mà chúng ta không nhận ra, có thể là một người đi bán đồng nát, một bà bán rau. Họ sẽ thị hiện ra những hành động tốt đẹp.

Hòa Thượng nói: “Bạn đừng nghĩ rằng bạn chỉ có một mình, bạn cô độc trong cõi Ta Bà này. Phật Bồ Tát luôn theo dõi bạn. Chỉ cần bạn chịu nghe lời, chịu tiếp nhận, chịu thật làm thì Phật Bồ Tát liền xuất hiện để giúp bạn”.

Có một anh tài xế khiến cho bao nhiêu người cảm động. Lúc 1 – 2h khuya, anh tài xế nhìn thấy một em bé chạy ở ngoài đường. Anh đã bế em bé lên rồi chạy khắp nơi để đi tìm Bố Mẹ của em bé. Một anh tài xế khác vì muốn tránh không đâm vào hai người mà đã đâm vào nhà dân, phải đền 1 tỷ đồng. Cộng đồng mạng biết được liền quyên góp tiền để giúp đỡ anh. Khi đã có đủ 1 tỷ, anh tài xế ấy cảm ơn mọi người và nói rằng anh đã có đủ tiền để bồi thường cho họ rồi, mong mọi người không tiếp tục quyên góp nữa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook