CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 557
ĐẶT TÊN CHO CON PHẢI KIẾT TƯỜNG
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng Chủ nhật ngày 20/06/2021.
******************************
Trong nhà Phật, mỗi danh hiệu của Phật Bồ Tát đều có ý nghĩa biểu pháp, có ý nghĩa khải thị & nhắc nhở rất sâu sắc.
BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM: “Quán” là quán sát, lắng nghe bằng lương tâm, lắng nghe bằng tâm chân thành của tự tánh. “Thế” là thế gian. “Âm” là âm thanh. Ngài lắng nghe đau khổ của chúng sanh để cứu giúp chúng sanh.
A DI ĐÀ PHẬT: A Di Đà Phật là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Giác. Trong tất cả các “Vô Lượng”, nếu không có “Vô Lượng Thọ” thì không thể làm được việc gì.
THÍCH CA MÂU NI PHẬT: “Thích Ca” có nghĩa là nhân từ. “Mâu Ni” là tâm địa Thanh Tịnh, Bình Dẳng, Giác chứ không mê. Phật dạy chúng sanh với chính mình thì tuyệt đối phải Thanh Tịnh, đối đãi với người thì phải nhân từ, yêu thương, Từ Bi. Tên của Ngài đã khải thị, nhắc nhở chúng sanh như vậy.
Hòa Thượng nói: “Cha Mẹ đặt tên cho con cái, phần nhiều đều có kỳ vọng cho cả đời của con. Con cái cả đời không được thay đổi tên do Cha Mẹ đặt, thay đổi tên mình là đại bất hiếu”. Người xưa kỳ vọng con trở thành Thánh, thành Hiền, thành những bậc chí nhân quân tử, kỳ vọng chúng tương lai danh đúng với thực. Chúng ta thấy, người xưa đặt tên con là Vĩnh Tín, Hiếu An, Hiếu Ân… là mong con biết giữ chữ “Tín”, mong con cả đời hiểu thảo với Quốc gia, dân tộc, hiếu thảo với Ông Bà, Cha Mẹ. Thay đổi tên của mình là đại bất hiếu, là làm trái đi ý nguyện của Cha Mẹ, cô phụ ý nguyện của Cha Mẹ.
Nhiều người con tự ý đổi tên do Bố Mẹ đặt, đâu biết được rằng cái tên đa phần gắn với lúc mình sắp hình thành, sắp sinh ra. Bố Mẹ đặt tên con cho dễ nuôi như cu Tèo, cu Tí… Khi lớn lên, họ có chút học vị, có chút tiền liền tự thay đổi tên mình thành Tony Nguyễn, Ruby Trần… Thầy có hai đứa em tự đổi tên, Thầy không quen gọi tên mới đó. Ngày nay, nhất là khi đi ra nước ngoài, đáng nhẽ chúng ta phải mang theo niềm tự hào văn hóa dân tộc thì nhiều người lại tự đồng hóa với người nước ngoài, tự đánh mất chính mình. Rõ ràng chúng ta không thể xóa được dấu vết của mình. Lúc truy nguồn quốc tịch thì chúng ta vẫn là người Việt Nam. Người ta thay tên đổi họ cho giống Tây, không giống Việt Nam. Người xuất thân là người Việt Nam mà không am hiểu ngôn ngữ tiếng Việt, không hiểu tường tận lịch sử văn hóa dân tộc thì trở thành người mất gốc, quên nguồn cội. Người sinh sống ở nước ngoài mà không hiểu về nguồn cội của văn hóa nước sở tại thì trở thành người vong ân, trở thành người không có chỗ đứng.
Ngày nay, Cha Mẹ kỳ vọng con cái phát tài, giàu sang, không kỳ vọng con trở thành Thánh thành Hiền, không kỳ vọng con trở thành người hữu ích để cống hiến cho xã hội. Con mới ở tuổi mẫu giáo mà Bố Mẹ đã cho học đàn, học nhảy, học tiếng nước ngoài trong khi ngôn ngữ Mẹ đẻ còn chưa nói sõi. Có người khoe: “Con tôi giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt”. Đó là điều hết sức đáng buồn và đã có tác dụng phụ. Nhiều gia đình, khi Ông Bà nội ngoại sang sống với con cháu ở nước ngoài, các cháu toàn nói tiếng Anh khiến Ông Bà không hiểu gì cả. Tâm cảnh đó rất khổ tâm. Ông Bà lúc nào cũng hoài vọng cố hương, âm thầm chịu đựng đến lúc chết! Điều này quá đáng buồn! Có người khoe với Thầy: “Con cái của tôi bây giờ đã định cư ở nước ngoài, đã ở đó 18 năm rồi!”. Thầy thấy họ đã mất con mất cháu rồi, đâu có gì đáng tự hào mà còn ở đó mà khoe. Đáng nhẽ chúng ta được đứng trên Tổ quốc của mình để cống hiến, để tự hào. Khi họ sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài họ không xem trọng mình, thậm chí kỳ thị.
Hòa Thượng nói: “Cha Mẹ ngày nay không kỳ vọng con cháu của mình thành Thánh, thành Hiền, mà còn kỳ vọng chúng trở thành người nước ngoài”. Đây là điều đau đớn mà chúng ta không biết. Thời gian Thầy đi du học, Thầy thấy họ kỳ vọng, sùng bái cuộc sống ở nước ngoài. Họ còn đặt tên cho con bằng tên nước ngoài. Truyền thống văn hóa của dân tộc mình mà họ không hề biết, truyền thống văn hóa của nước ngoài nơi họ sinh sống họ cũng không hề biết. Vậy thì họ trở thành người gì?