197Thứ Hai, 06/09/2021, 20:01

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 556

CÁCH TA TU HỌC NHƯ THẾ NÀO?

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 19/06/2021.

******************************

Hàng ngày chúng ta dụng công tu học như thế nào? Muốn về Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tâm phải Thanh Tịnh. Tâm Tịnh tương ưng với cõi Tịnh. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào cũng phải hướng đến chỗ điều tâm, tâm phải Thanh Tịnh. Tâm mình càng lúc càng thanh tịnh thì chúng ta biết cách dụng tâm tu học của mình đang đúng hướng. Chúng ta tu hành mà thấy tâm mình càng ngày càng không tịnh, bao chao, dao động thì phải biết hướng đi của mình đã sai, mình đã tu sai. Bản thân mình không nhận ra, khi có người nhắc nhở thì mình phải mau mau sửa đổi. Chúng ta may mắn có thiện hữu tri thức nhắc nhở. Nếu không có người nhắc nhở thì chúng ta đã sai lại càng sai.

Ngày nay, khắp mọi nơi trên toàn thế giới, số lượng người tin Phật, quy y Phật rất đông. Nhưng người tiếp nhận sự dụng tâm, hiểu đúng và làm đúng theo giáo huấn của Phật thì chỉ có được mấy người! Hơn một nửa số người đã sai, bởi họ toàn cầu cúng van xin, cầu xin cứu giúp tai qua nạn khỏi, cầu xin mạnh giỏi bình an. Có người nghe Phật dạy “buông xả”, họ liền bỏ nhà, bỏ công việc, cuối cùng không có cơm ăn. Phật dạy “buông xả” là buông xả trên tâm, làm việc tốt mà không dính mắc. Nhưng chúng ta vẫn phải tận bổn phận, tận trách nhiệm, làm tròn mọi vai trò & bổn phận của mình trong các mối quan hệ ngũ luân. Bông hoa sen vượt khỏi bùn lầy, vươn lên khỏi ao tù nhưng vẫn thơm ngát, không dính mắc bởi sự hôi tanh của bùn lầy. Chúng ta trong đối nhân xử thế tiếp vật hàng ngày phải làm ra tấm gương tốt mà không dính mắc. Số người còn lại tin Phật thì được mấy người. Người ta nói chúng ta mê tín không phải là không có cơ sở. Họ có cơ sở ở chỗ chúng ta làm không đúng nguyên lý nguyên tắc, chỉ dựa vào vọng tưởng của mình.

Hòa Thượng nói: “Đối với đệ tử học Phật, hình tượng quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Mỗi hình tượng là một tấm gương. Số lượng người học Phật đông đến như vậy để họ thấy rằng người học Phật tốt thì họ sẽ tin theo, làm theo. Nhưng có quá nhiều hình tượng xấu đã khiến cho người ta mất niềm tin”.

Thầy đã từng nghe thấy họ nói: “Phật tử gì mà tham dữ vậy!”. Thầy nghe mà cảm thấy xấu hổ. Riêng việc ăn, vào ngày rằm ngày lễ họ vào chùa ăn như chưa từng được ăn. Ăn xong họ lại còn cho thức ăn vào túi mang về. Người học Phật, hình tượng là tấm gương để người ta học tập mà mình lại làm ra hình tượng xấu. Có mấy lần chúng ta tổ chức Đại lễ tri ân Cha Mẹ ở tòa nhà VCCI, Hà Nội. Hai năm đầu chúng ta tổ chức buffet rất chu đáo với nhiều món ăn ngon và đẹp mắt. Nhưng khi buổi lễ chưa kết thúc thì họ đã tranh thủ ăn, ăn không hết thì họ mang về, đồ ăn đổ tháo. Sau hai năm như vậy thì chúng ta không tổ chức ăn buffet vào các buổi Đại lễ tri ân nữa.

Hình tượng vô cùng quan trọng. Chúng ta phải làm ra hình tượng tốt để mọi người làm theo. Tu hành là điều phục tâm của mình chứ không phải là đi trên lửa, ngồi trên bàn chông, ăn phân, ăn máu mủ mà trong tâm đầy tham sân si, đầy tự tư tự lợi. Vì không có ai nhắc nhở nên họ tưởng mình có thành tựu, cống cao ngã mạn, không kính trọng mọi người, coi mọi người là phàm phu, còn mình đã chứng đắc.

Trước đây có một người tu hành, ăn cả phân, tưởng rằng mình đã phá chấp & đạt đến tâm Thanh Tịnh, cho rằng mình đã công phu, chứng đắc nhưng bây giờ đã trở thành khùng khùng điên điên. Tập khí phiền não thì rẫy đầy, cống cao ngã mạn ngày càng cao. Tu hành cần phải có bản lĩnh, cần phải có người nhắc nhở chúng ta. Nếu chúng ta cứ làm theo cách của mình thì cuối cùng uổng phí kiếp tu hành. Có người mong muốn được Thầy ấn chứng là mình đã thành tựu, đã đạt đến cảnh giới nào đó. Người này nói rằng chỉ có Thầy Vọng Tây mới ấn chứng được, nhưng khi Thầy gọi điện thì người này cãi Thầy từ đầu đến cuối. Thầy gọi điện cho người này qua Zalo và nói chuyện khoảng một tiếng. Thầy nói với người này: “Chào Bồ Tát! Tôi là phàm phu. Nếu Bồ Tát muốn tôi ấn chứng thì tôi sẽ ấn chứng người là phàm phu. Hãy xem lại mình đi! Mình đang vô minh, không có trí tuệ, sống trong vọng tưởng”. Người này nói rằng mình không có vọng tâm, không khởi niệm nhưng tâm tham sân si mạn nhiều hơn bình thường. Đó là ma công. Thật ra Thầy đã cảnh báo người này nhiều lần. Lần này Thầy gọi điện vì gia đình và những người xung quanh người này quá đau khổ, mong Thầy cứu giúp người này tỉnh ngộ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook