138Thứ Hai, 06/09/2021, 20:01

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 552

KINH SÁM CẦU SIÊU TỪ ĐÂU MÀ RA?

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Hai ngày 14/06/2021.

******************************

Chúng ta làm những Phật sự, Kinh sám cầu siêu cho người chết thì cần hiểu đạo lý: Muốn siêu thoát thì chính mình phải tu tập đúng như pháp. Một người cả đời không học tập mà lại muốn tốt nghiệp! Chỗ này nhiều người không hiểu. Ban đầu, xuất phát từ chỗ người chết cần có sự an ủi cho nên người ta vẽ vời ra rất nhiều Phật sự, Kinh sám nhưng làm sai pháp, không giống với tinh thần của nhà Phật.

Trong “Kinh Địa Tạng”, Phật nói: “Chỉ có hai hạng người đến địa ngục là Phật Bồ Tát và chúng sanh thọ báo”. Người ta làm lễ phá cửa địa ngục để vớt vong hồn lên. Họ tưởng rằng càng bỏ ra nhiều tiền thì người chết càng được nhiều công đức. Họ không biết rằng nếu dùng số tiền đó để làm việc thiện nguyện, giúp ích cho cộng đồng, quốc gia, xã hội thì công đức, phước báu rất to lớn. Họ tốn tiền vào những việc mơ mơ hồ hồ thì chỉ tốn tiền mà không có ích lợi gì. Ở những vùng thôn quê, có những việc họ không làm không được, nhất định phải làm. Họ không hiểu giáo huấn của Phật Bồ Tát. Việc nên làm thì họ không làm, việc không nên làm thì họ lại làm.

Phật dạy rất rõ:

Muốn có tiền tài thì bố thí tài.

Muốn thông minh trí tuệ thì bố thí pháp.

Muốn khỏe mạnh sống lâu thì bố thí vô úy, ăn chay, phóng sinh.

Muốn tu hành giải thoát thì chính mình phải dẹp bỏ đi tập khí phiền não của bản thân.

Hòa Thượng nói: “Năng lực siêu độ cao nhất của chúng ta là giúp họ về cõi Trời. Nếu họ muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì chính họ phải phát tâm tu hành, lúc lâm chung nhiếp tâm niệm Phật”.

Chúng ta niệm Phật hơn chục năm rồi mà niệm Phật vẫn có vọng tưởng, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy, tham sân si mạn, phiền não tập khí nhiều đời vẫn đầy đủ. Nếu lúc lâm chung có người khác niệm Phật giúp mà chúng ta vãng sanh được thì dễ quá, chúng ta đâu cần khổ cực tu hành! Buổi sáng, Thầy tỉnh dậy từ rất sớm, khoảng 3h sáng. Khi vừa có ý niệm ngủ thêm 5 phút thì Thầy liền cảnh tỉnh bản thân, không cho cơ thể có cơ hội giải đãi. Nhiều người quá chú trọng về Kinh sám Phật sự, phải làm lễ cầu siêu như thế này, như thế kia. Chúng ta phải hiểu rõ: Người làm Kinh sám Phật sự ít nhất phải là người chân chính tu hành, ít nhất phải là người đức độ khiến quỷ thần kính trọng thì khi tụng Kinh niệm Phật, người chết mới nhận được một chút thọ dụng. Có người đến làm lễ cho gia chủ mà còn ngà ngà say.

Hòa Thượng kể chuyện: Khi xưa có mấy người tám năm liền dụng công trì tụng “Kinh Lăng Nghiêm”. Họ tu hành có đức độ, có định lực. Một hôm, một vị đang ngủ trưa thì thấy có 2 con quỷ đến xin cầu siêu. Vị cư sĩ đó hỏi: “Làm thế nào để siêu độ cho 2 người?”. Con quỷ trả lời: “Chỉ cần ông chấp nhận là được”. Vị cư sĩ đó nói: “Tôi đồng ý!”. Hai con quỷ bước lên vai ông rồi siêu thoát.

Một vị hàng ngày trì tụng “Kinh Kim Cang” rất tinh tấn. Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy một vị binh sĩ đến xin cầu siêu độ. Hôm sau ông phát tâm tụng Kinh Kim Cang” nhưng đang tụng được khoảng nửa bộ Kinh thì người hầu phòng bước vào, mang theo ly nước. Ông phẩy tay nói: “Không dùng, không dùng!”. Đêm hôm đó, ông lại mơ thấy vị binh sĩ nói là chỉ nhận được nửa bộ Kinh cho nên chưa đủ để siêu thoát. Chỉ một ý niệm nhỏ xen tạp trong lúc trì tụng mà bị như vậy. Hôm sau ông dụng công trì tụng cả bộ Kinh với tâm chí thành cung kính. Người binh sĩ này liền được siêu thoát và báo mộng cảm ơn ông.

Có Phật tử nói với Hòa Thượng Hải Hiền: “Khi nào Hòa Thượng vãng sanh thì nói trước cho chúng con để chúng con đến hộ niệm cho Ngài”. Hòa Thượng trả lời một câu vô cùng sâu sắc: “Người ta hộ niệm cho mình thì không chắc”.

Nếu lúc lâm chung, quá nhiều người đến, tâm họ quá dao động, họ ồn ào, sóng tâm dao động khiến cho người mất càng thêm bất an. Khi gia đình sắp có người ra đi, tốt nhất là anh chị em, con cháu trong nhà ngồi nghiêm túc niệm Phật. Sau đó mọi người chia ca, có thể chia thành 3 ca thay phiên nhau liên tục niệm Phật. Mỗi ca khoảng nửa tiếng nhưng phải niệm nhất tâm, không xen tạp, không được khóc mếu máo. Nếu Cha Mẹ mất mà nghe được tiếng con cái niệm Phật thì cảm thấy an tâm. Chúng ta chỉ cần khai thị đơn giản, không cần nói dài dòng: “Cha ơi! Mẹ ơi! Cha Mẹ cứ yên tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc”. Tốt hơn nữa, nếu có đồng tu đạo hữu có tâm tốt, chuyên tâm niệm Phật thì chúng ta mời họ đến, cộng hưởng với người nhà cùng niệm Phật nhưng không cần quá đông người. Chúng ta không được giao phó hoàn toàn cho họ mà chính con cái phải cùng niệm Phật. Cứ đến ngày tuần thất, con cháu lại thay phiên nhau niệm Phật. Con cháu cúng cơm để tưởng niệm người đã mất, phóng sanh để chúc nguyện cho người đã mất.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook