446Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 543

NGƯỜI CÓ THÀNH TỰU NHẤT ĐỊNH KHÔNG CỐNG CAO NGÃ MẠN

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Bảy ngày 05/06/2021.

******************************

Người có thành tựu là người đã điều phục được những tập khí phiền não của mình, cho nên nhất định không cống cao ngã mạn. Người có thành tựu là người luôn luôn khiêm nhường, lễ kính đối với tất cả chúng sanh. Người chân thật học Phật thì càng học càng khiêm nhường, càng cung kính. Chúng ta thường hay nhắc đến cây lúa. Bông lúa càng nặng hạt, hạt to tròn thì cây lúa cúi đầu xuống càng thấp. Bông lúa có hạt lép thì đứng thẳng hiên ngang.

Người cống cao ngã mạn “tự dĩ vi thị”, tự nhận mình là đúng, hoang tưởng cho rằng mình ở một đẳng cấp nào đó. Họ vẫn bị không chế bởi thất tình (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục), ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Người thế gian càng học thì càng cống cao ngã mạn, xem thường người khác. Họ tự thấy mình có thành tựu cho nên xem thường người khác, không có tâm cung kính với mọi người, không tiếp nhận giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền.

Hòa thượng nói: “Người có thành tựu nhất định không cống cao ngã mạn. Người không có thành tựu thì cống cao ngã mạn”. “Thành tựu” ở đây là thành tựu trong Phật pháp. Đầu chúng ta luôn luôn vọng tưởng, tự đặt cho mình một vị trí nào đó. Chúng ta hoàn toàn mất kiểm soát. Cội gốc của phiền não, căn bản của sinh tử là tài sắc danh thực thùy, danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, tham sân si mạn. Chúng ta đã biết như vậy nhưng vẫn để cho những tập khí này dẫn dắt, làm chủ.

Hòa thượng nói: “Người có thành tựu có tâm Thanh Tịnh, tâm Bình Đẳng, tâm Chánh Giác, tâm Từ Bi”.

Người ta được lên chức Trưởng tràng, Phó tràng mà không biết rằng đó chỉ là hư danh. Điều giúp chúng ta hàng phục được nội tâm, điều phục được tất cả những tập khí xấu ác của mình mới là điều chúng ta cần phấn đấu nỗ lực để hướng đến. Chúng ta nên tìm về sự tĩnh lặng. Người nào cứ luôn muốn xuất hiện, hễ được gọi đến tên mình liền nói như cái máy thì phải biết rằng chính mình công phu rất thấp. Người kiểm soát được thì phải kiểm soát được bản thân ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta phải tự quán chiếu bản thân, hàng ngày những lúc đi đứng nằm ngồi, lúc ăn uống, kể cả lúc đi vào nhà tắm, chúng ta cũng phải luôn quán chiếu khởi tâm động niệm, quán chiếu năng lực đối người tiếp vật của mình.

Tu hành không chỉ là thức khuya dậy sớm, cứ đến đúng giờ thì tụng Kinh gõ mõ. “Kinh” là những lời Phật dạy để chính chúng ta tu trì, hành trì. Chúng ta tụng Kinh để chính mình tu trì, hành trì chứ không phải là đọc tụng cho Phật nghe rồi tính là mình đã có công đức, phước báu. Người có thành tựu là người luôn luôn kiểm soát khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của bản thân. Chúng ta luôn luôn quán chiếu bản thân để không nói thừa, không làm những thao tác thừa. Đó mới chính là công phu tu hành.

Trong lúc giảng, khi Thầy xoa mũi, gãi đầu, ho hoặc cầm ly uống nước thì Thầy không nói gì để người dựng phim có thể cắt bỏ đoạn đó. Như vậy thì bài giảng khi được dựng lên thành phim sẽ không có những đoạn thừa. Đó là kiểm soát hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi.

Trong một ngày, cư sĩ Lý Mộc Nguyên vô cùng bận rộn. Ngài bận rộn từ sáng đến tối để phục vụ đại chúng. Ngài bận rộn đến mức không có thời gian niệm Phật nhiều. Chúng ta niệm Phật nhiều nhưng niệm trong vọng tưởng, niệm trong khẩn trương. Như vậy thì không có lợi ích.

Hòa thượng nói: “Công phu chân thật của người tu hành là điều phục, kiểm soát được tập khí của mình, phá được cái “ta”, phá sự hoang tưởng tự cho mình là giỏi”.

Có đứa nhỏ bị bạn đánh te tua, về nhà ngồi nghĩ rằng sau này mình sẽ học võ để đánh cho nó một trận te tua. Đứa nhỏ đó ngồi hoang tưởng. Bệnh hoang tưởng, vọng tưởng chiếm hết bộ não của chúng ta. Người không có công phu, không có thành tựu thì cống cao ngã mạn, tự khen mình chê người, không thể điều phục được phiền não, không thể phá được cái “ta” (ta thấy, ta nghe, ta biết…). Họ tự cho rằng họ đang tu pháp môn thù thắng hơn người, cho rằng người khác đang tu pháp môn thấp hơn họ. Người học Phật nghiêm túc & có một chút công phu khi nghe họ tự nói lời khen mình, phỉ báng Phật Bồ Tát thì liền biết trong lòng họ đầy đố kị. Tâm ma đố kị, tâm kiêu ngạo đố kị.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook