233Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 542

CHIÊU CẢM CỦA LÒNG CHÂN THÀNH

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 04/06/2021.

******************************

Người xưa nói: “Chí thành cảm thông”. Lòng chí thành sẽ cảm thông đến tất cả, trên là chư Phật, dưới là chúng sanh từ côn trùng nhỏ bé, cây cỏ, khoáng vật, chúng sanh vô tình và hữu tình. (Chúng sanh vô tình và hữu tình là theo phân biệt của thế gian). Tất cả những gì chúng ta làm với sự chân thành thì rất dễ dàng cảm thông với chúng sanh muôn loài. Chỉ có lòng chân thành mới gặp lòng chân thành. Chúng sanh vốn dĩ có tự tánh chân thành.

Mạnh Tử dạy: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Bất cứ việc gì mình làm chưa tốt thì phải quay lại phản tỉnh, xem lại vấn đề từ chính mình. “Chư kỷ” chính là tâm Thanh Tịnh của bản thân.

Có một vườn cây được chăm sóc và đặt hai biển chữ ở hai khu vực: “Nơi dành cho chúng sinh ăn” và “Nơi dành cho con người ăn”. Rau củ quả ở khu vực có biển chữ “Nơi dành cho chúng sinh ăn” có rất nhiều những con bọ, con côn trùng nhỏ bé bám trên đó. Rau củ quả ở khu vực có biển chữ “Nơi dành cho con người ăn” thì rất ít côn trùng, sâu bọ. Chúng sanh có linh tánh. Chúng ta không nên sát hại chúng. Khi chúng ta khởi tâm sát hại thì chúng ta phát ra từ trường báo động cho chúng biết.

Đối với trẻ nhỏ, chỉ cần Cô giáo không có tâm chân thành thì các con sẽ nhận ra ngay. Các Cô giáo đều có thể hội điều này. Ở “Trung tâm Nhân đạo Quê hương”, trước đây trẻ nhỏ chỉ bị ăn đòn roi. Khi chúng ta đến hỗ trợ, chúng nghi ngờ chúng ta. Chỉ sau một thời gian ngắn, các bé đã cảm nhận được sự chân thành của các Thầy Cô, liền thay đổi, mở tâm chia sẻ tâm sự & yêu quý các Thầy Cô hỗ trợ.

Trong một ngày, Thầy có thể chia sẻ vào các buổi sáng, chiều, tối mà vẫn làm việc được vì Thầy không dùng tâm ý thức mà dùng sóng tâm. Thầy nhìn mọi người, hiểu mọi người cần gì và tự nói ra những điều cần nói. Sau khi kết thúc buổi chia sẻ thì Thầy quên luôn nội dung, không nhớ nữa. Thầy không cố tình chứng minh cho mọi người thấy đẳng cấp của mình giống như người thế gian vẫn làm. Nếu như vậy thì đã sai lại càng sai. Nếu chúng ta có dụng tâm xử lý, đó là tâm ý thức. Nếu chúng ta phát tâm xử lý tức thì, đó là trí tuệ lưu xuất ra từ tâm Thanh Tịnh. Có trí tuệ, chúng ta ứng dụng trong công việc, trong cuộc sống thì mọi việc vừa đủ, không dư không thiếu. Chúng ta cứ để tâm mình rỗng không trước một sự việc nào đó. Nếu trước một sự việc, chúng ta khẩn trương, lo lắng, sợ tốt sợ xấu, sợ hơn sợ thua thì rất tệ.

Hòa thượng nói: “Người học Phật, điều quan trọng nhất là công đức. Công đức hình thành bởi tâm Thanh Tịnh. Tâm Thanh Tịnh không có bóng dáng của tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, năm dục sáu trần. Tâm Thanh Tịnh sinh trí tuệ. Khi có trí tuệ thì chúng ta giải quyết mọi việc rất hanh thông, có thể ứng dụng trí tuệ trong cuộc sống thường ngày, trong đối nhân xử thế tiếp vật. Điều này vừa vặn, thích hợp, không dư, không thiếu, đặc biệt là khế cơ”.

Tổ Ấn Quang nói: “Kiền thành tự khả chuyển phàm tâm”.

Ta làm mọi việc mà không lo xem nội tâm mình có chân thành hay không, lại cứ đi lo tốt lo xấu, lo được lo mất. Chúng ta gặp bất cứ ai đó, cứ nghĩ làm thế nào để họ có được sự lợi lạc nhất thì bảo đảm thành công. Họ muốn đố kị với chúng ta, muốn dụng tâm để hại chúng ta cũng không thể hại được. Đến côn trùng nhỏ bé, cây cỏ, khoáng vật, chúng sanh dù vô tình hay hữu tình mà còn cảm thông, thì khi có sự việc không thông, chúng ta phải phản tỉnh lại xem tâm chân thành của mình đã đủ hay chưa. Nếu trách thì phải trách chính mình chưa đủ tâm chân thành. Chúng ta học tập tâm chí thành của những người con trong 24 tấm gương hiếu thảo như “Mạnh Tông khóc măng”, “Suối phun cá chép nhảy”…

Trong giáo dục, nếu chúng ta không có tâm chân thành thì vô cùng khó làm. Hòa thượng nói:Tâm chí thành đến tột đỉnh thì không luận bất cứ người nào, mà chín pháp giới đều có thể cảm thông. Chúng sanh cũng có lòng cung kính. Chúng không đến quấy nhiễu những bậc đạo hạnh. Cô Dương Thục Phương còn thương lượng được với muỗi. Cô ấy nói với muỗi: “Các vị cứ lấy máu của tôi để ăn, đốt chân, đốt tay tôi đều được, nhưng đừng đốt trên mặt tôi và đừng để cho tôi ngứa vì tôi còn phải đi chia sẻ với mọi người”. Những con muỗi đã làm đúng y như vậy, không đốt lên mặt Cô và không làm cho Cô bị ngứa”. Chín pháp giới gồm: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Thiên, Nhân, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook