CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 540
NGHIỆP CHƯỚNG SÂU NẶNG KHÔNG THỂ KHAI NGỘ
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 02/06/2021.
******************************
“Nghiệp chướng sâu nặng” chính là tập khí cống cao ngã mạn của chúng ta. Chúng ta cứ nghĩ mình giỏi hơn người, không cần phải nghe, không cần phải tiếp nhận giáo huấn. Đó là sự chướng ngại vô cùng to lớn đối với người tu học. Khi nghe đến sự nhắc nhở này thì chúng ta liền phản tỉnh, biết bản thân mỗi chúng ta có nghiệp chướng rất sâu dày.
Trong mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền:
⮚ Nguyện thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”, lễ kính Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật tương lai. Phật tương lai là tất cả chúng sanh cho nên Ngài lễ kính tất cả chúng sanh.
⮚ Nguyện thứ hai là “Xưng tán Như Lai”. Nếu chúng sanh nào làm đúng như pháp thì Ngài vừa lễ kính, vừa tán thán. Nếu chúng sanh nào không làm đúng như pháp thì Ngài tán thán tánh đức của họ, tán thán tự tánh vốn dĩ là Phật của họ.
Bồ Tát Thường Bất Khinh dù bị người ta ném đá, bị đánh đến chảy máu miệng, nhưng Ngài vẫn nói đi nói lại: “Tôi kính trọng các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật”. Ngài biết rằng những sai lầm của họ chỉ là tập khí xấu đang khởi hiện hành, nhưng trong tập khí xấu vẫn có tự tánh Thanh Tịnh. Ngài chí thành cung kính đối với tự tánh Thanh Tịnh của họ.
Chúng sanh đều có tánh đức như nhau, nhưng nghiệp chướng sâu nặng. Chúng ta được giao một nhiệm vụ gì đó, được giao một vị trí nào đó thì cứ tưởng rằng mình hết sức quan trọng. Đó là ngạo mạn, đó là sai rồi. “Ta” vốn dĩ là giả thì “cái của ta” lại càng là giả. Trong “Kinh Kim Cang”, Phật nhắc nhở chúng ta: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng.
⮚ “Tăng thượng mạn”: Người thấy mình giỏi hơn người, nghĩ rằng mình không thua ai cả.
⮚ “Ti thượng mạn”: Người thấy mình kém cỏi thì không có thái độ khiêm cung mà nghĩ rằng “thôi, mình dở!”. Đây vẫn là “mạn” nhưng “ti” là thấp.
Hòa thượng nói: “Tập khí, tâm bệnh của mỗi người rất khó thay đổi. Trong những tập khí đó thì tập khí làm cho người khác ghét bỏ chính là ngạo mạn. Ngạo mạn là đại phiền não, tâm hiếu thắng, chỉ muốn hơn người, chỉ muốn vượt qua người khác. Loại ý niệm này rất không tốt, đây là nghiệp chướng rất nặng”.
Chúng ta thấy đây là tâm bệnh mà khi chúng ta được nhắc nhở, chúng ta quay lại quán chiếu bản thân thì thấy nghiệp chướng của mình rất nặng. Chúng ta phải nhớ một điều: Tự tánh Thanh Tịnh là Bình Đẳng, không có cao thấp. Cao thấp ở chỗ nghiệp chướng, tập khí phiền não ít đi thì trở về với tự tánh Thanh Tịnh, tự tánh Bình Đẳng. Tự tánh không có cống cao ngã mạn. Cái biết của sự học rất hạn chế, trộn lẫn rất nhiều phiền não, làm chướng ngại chúng ta. Ngạo mạn khiến mình hiếu thắng, cho rằng mình phải hơn người. Chính ý niệm này khiến chúng ta tạo ra quá nhiều nghiệp chướng.
Hòa thượng nói: “Người ngạo mạn luôn cảm thấy chính mình mạnh hơn người khác, tự cho mình là người có đủ tư cách, có đủ trách nhiệm để làm việc gì đó. Con người ta cứ mãi lo chứng minh bản thân mà không biết khi mình giỏi, khi mình có tài năng thì người khác sẽ đến phủ phục, thỉnh mời”.
Một người đứng trên diễn đàn nói những lời thừa thì người khác sẽ nhận ra ngay. Người học Phật, người học đạo đức văn hóa truyền thống đừng để những tập khí này khởi hiện hành. Nếu chúng ta không kiểm soát thì dễ dàng tạo nghiệp. Người đứng trước công chúng phải hết sức cẩn thận, phải khống chế được tập khí của mình, không để mình có những lời nói thừa, không cần thiết. Những lời nói thừa, không cần thiết chính là tập khí cống cao ngã mạn.
“Ngã kiến”, “ngã” là ta, “kiến” là thấy. Chúng ta tự cho rằng cái thấy của mình là chuẩn xác, hơn người, tự cho rằng người khác không bằng mình, mà không hề biết rằng tất cả pháp đều bình đẳng. Trong tự tánh bình đẳng không có cống cao ngã mạn. Cống cao ngã mạn là tập khí, là nghiệp chướng. Chúng sanh chúng ta còn phê bình Khổng Tử, phê bình Thích Ca Mâu Ni Phật. Khi tâm ngã mạn nổi lên thì mình đã mất đi tâm Bình đẳng. Nếu xa lìa tâm Bình Đẳng thì nhất định không thể trở về với tự tánh, không thể phá được nghiệp chướng. Khi chúng ta ngã mạn thì chính mình đã đóng tâm lại, không mở tâm để tiếp nhận, để sửa sai.