CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 538
NGÀY NGÀY THÊM LỚN GIỚI ĐỊNH TUỆ
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 31/05/2021
******************************
Chúng ta đã biết qua căn bản tu hành của người học Phật là Giới – Định – Tuệ. Trước khi nhập niết bàn, Thích Ca Mâu Ni Phật dặn hàng đệ tử: “Lấy Giới làm Thầy, lấy Khổ làm Thầy”. Từ “Giới” sinh “Định”, từ “Định” sinh trí tuệ.
Người chân thật tu hành không để cho mình tùy tiện phạm một lỗi nhỏ, chứ đừng nói đến việc vi phạm lỗi lớn. Nói một lời xu nịnh để người khác dễ nghe cũng là việc không nên làm. Nếu không tăng trưởng trí tuệ thì chắc chắn tăng trưởng tham sân si. Nếu tăng trưởng tham sân si thì chắc chắn sẽ sinh tử luân hồi, uổng phí một đời. Nếu chúng ta ngày ngày tăng trưởng Giới – Định – Tuệ thì chúng ta mới không uổng phỉ một đời đến với thế gian này.
Hàng ngày, chúng ta phải luôn phản tỉnh bản thân để xem mình tăng trưởng Giới Định Tuệ hay tăng trưởng tham sân si. Chúng ta phải học tập chuyên cần mỗi ngày để được nhắc nhở thường xuyên. Có người bày tỏ niềm tin rất lớn đối với Phật nhưng hễ nói chuyện thì luôn nói lời quá sự thật, nói sai sự thật. Đó là vi phạm giới luật. Tập khí không dễ mà đối trị. Trong 3 nghiệp Thân – Khẩu – Ý thì nghiệp khẩu rất nặng. Nếu tu như vậy thì niệm Phật chỉ được phước báu. Phước báu có thể hưởng ở cõi Trời, cõi Người, cõi A Tu La, cõi súc sanh.
Hòa thượng nói: “Ngày ngày bạn không thêm lớn Giới – Định – Tuệ thì chắc chắn bạn đang thêm lớn tham sân si. Người chân chính tu hành thì ngày ngày phát hiện ra lỗi của mình, ngày ngày chân thật cải đổi. Đó chính là tu hành. Nếu chúng ta ngày ngày không phát hiện ra lỗi của mình thì ngày đó chúng ta không có tu hành”.
Chúng ta nghĩ rằng mình đang bình bình an an trải qua ngày tháng, tưởng rằng mình đang tu hành rất tốt, mình rất nghiêm túc. Người chân thật tu hành thì ngày ngày phải phát hiện ra lỗi của mình. Giáo huấn của người xưa không bao giờ sai. Phàm phu chúng ta đừng tin chính mình. Trong từng sát na, các ý niệm của chúng ta quay cuồng trong tập khí phiền não của chính mình. Một tháng trôi qua mà chúng ta không thấy mình có lỗi lầm thì một tháng đó chúng ta không có tu hành. Một năm trôi qua mà chúng ta không thấy mình có lỗi lầm thì một năm đó chúng ta không có tu hành.
Hòa thượng nói: “Chúng ta cư trú ở nơi đây, trong mọi hoàn cảnh chỗ nào cũng đều là duyên ác. Người để cho ba nghiệp phóng túng thì rất nhiều. người thúc liễm bản thân thì rất ít. Chúng ta ở gần người phóng phúng thì chúng ta dễ dàng tạo ác nghiệp. Ác duyên là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Nếu bạn không cưỡng lại được những điều này thì trong tâm bạn đầy ô nhiễm. Đó không phải là ác duyên sao! Vậy thì bạn ngày ngày đọa lạc, không thể tránh khỏi luân hồi, không thoát được ba đường”.
Nhân của thế giới Ta Bà này là tham sân si ba độc phiền não, cho nên chúng ta nhất định phải xả bỏ tham sân si. Hoàn cảnh bên ngoài xấu ác. Trong ta có tham sân si, nội tâm xấu ác, ô nhiễm. Hai thứ này cộng lại thì trở thành xấu ác. Vậy thì ngày ngày bạn đang đọa lạc.
Hòa thượng nói: “Hành môn (cửa tu hành) của chúng ta không có gì khác ngoài sám hối, cải lỗi, sửa đổi chính mình, ngày ngày chính mình sửa lỗi, tự làm mới mình. Một ngày không sửa lỗi mình thì chúng ta đang thêm lớn mê, tà, nhiễm”.
Chúng ta gần danh dính danh, gần lợi dính lợi. Có người nói: “Khi con tụng Kinh, niệm Phật thì vọng niệm ào ào. Con bị đổ nghiệp”. Họ trở nên không tin Kinh Phật, cho rằng vì tụng Kinh niệm Phật cho nên mới bị vọng niệm như vậy. Thậm chí họ còn sợ không dám tụng Kinh, niệm Phật. Thật ra vọng niệm của họ từ trước đó vốn dĩ là liên tục, bây giờ muốn ngăn dòng chảy của vọng niệm, vọng tưởng thì mới thấy mình có quá nhiều vọng niệm, vọng tưởng.
Đại đệ tử của Phật là Đại A La Hán, đã chứng đạo, đã chứng được Lậu Tận Thông rồi vậy mà khi nghe thấy tiếng nhạc còn uốn éo theo tiếng nhạc. Có vị thì vừa ngồi vừa nhép miệng nhai liên tục, vì trong đời quá khứ họ đã từng trải qua kiếp trâu bò.