CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 537
NGHE RỒI VẪN KHÔNG HIỂU THÌ KHÔNG CÓ ĐƯỢC THỌ DỤNG
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 30/05/2021.
******************************
Phật pháp là phải thực hành. Từ trong thực hành ta mới có sự thể hội, cảm nhận và thọ dụng. Nếu chúng ta chỉ nghe mà không thực hành, nếu chúng ta không thực tiễn vào cuộc sống, không thực tiễn trong đối nhân xử thế tiếp vật thì chúng ta không cảm nhận được sự thọ dụng. Khi cảm nhận được sự thọ dụng thì chúng ta càng có niềm tin mạnh mẽ.
Hòa thượng nói: “Chư Phật Như Lai đối với tất cả chúng sanh là Đại Từ Đại Bi. Các Ngài xuất phát từ tâm Thanh Tịnh, tâm Chân thành, tâm Bình Đẳng mà lưu xuất ra. Đó là “Vô Duyên Đại Từ” đối với tất cả chúng sanh”.
Chúng sanh “ái duyên từ bi”, lưu xuất ra từ nơi tình chấp. Chúng ta làm việc gì đó đều phân biệt và có dụng tâm khác nhau với các đối tượng khác nhau như: Người thân của ta, thân bằng quyến thuộc của ta…
Chúng ta uống một cốc nước và cảm thấy ngọt. Người không uống thì không cảm nhận được vị ngọt đó. Giống như người bước vào cảnh giới của Phật thì mới cảm nhận được tâm của Phật. Thầy ngồi suốt một giờ đồng hồ để cùng mọi người học tập một cách nghiêm túc, thậm chí có lúc quên cả uống nước. Trước khi vào học, Thầy đã lạy Phật khoảng nửa tiếng, tâm tự nhiên đã lắng xuống. Cảnh giới này gọi là được Phật gia trì, được Tam Bảo gia trì. Nếu chúng ta cầm một cuốn sách để đọc một mình thì sẽ bắt đầu ngả lưng, duỗi chân.
Mảng từ trường của Phật Bồ Tát ở một tầng không gian khác. Mọi lúc mọi nơi, trong mọi cảnh duyên, khi tâm của chúng ta quay lại được với tâm Thanh Tịnh, tâm Chân thành, tâm Bình Đẳng thì tự nhiên chúng ta hòa nhập được với mảng từ trường cùng tần số với Phật Bồ Tát. Ngay tức khắc, chúng ta cảm nhận được sự gia hộ của Phật. Rất nhiều người có được cảm thụ này.
Hòa thượng nói: “Tâm chúng ta có thể một niệm tâm Thanh Tịnh, tâm Từ Bi, tâm Bình Đẳng thì có thể cảm ứng tương thông với chư Phật Như Lai”.
Nhưng tâm của chúng ta thường xuyên thay đổi, lúc thì thanh tịnh, lúc thì phiền não. Chúng ta phiền não, phân biệt chấp trước, khởi tâm mong cầu đều là vọng tưởng. Nhiều người cũng thấy Phật Bồ Tát nhưng đó là ma cảnh bởi vì tâm của họ bao chao, mong cầu. Có người nói họ nhìn thấy Phật, Thầy hỏi họ: “Từ ngày nhìn thấy cảnh Phật, tâm của anh có thanh tịnh không?”. Họ nghe câu hỏi thì giật mỉnh tỉnh giác. Tâm chủng ta vẫn còn tập khí, vọng tưởng thì không tương thông với Phật.
Người chân thật tu hành cho dù nhìn thấy cảnh giới Phật nhưng vẫn kiểm soát tâm của mình, tự phản tỉnh xem mình có xa lìa danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần hay không. Họ nhìn thấy cảnh giới Phật nhưng họ không khoe khoang, không nói ra, bởi vì nếu nói ra là đã dính mắc vào danh vọng, thích được khen ngợi.
Chúng ta có tâm Thanh Tịnh, tâm Từ Bi, tâm Bình Đẳng thì có thể cảm ứng tương thông, có sự gia trì của Phật Bồ Tát. Đây không phải là may mắn mà là một sự cảm ứng đạo giao, tường tận, rõ ràng. Chúng ta làm một việc gì đó mà trong tâm mình hoàn toàn không có một chút ý niệm tự tư tự lợi thì chúng ta hòa nhập được với tần số của Phật, tiếp nhận được sự gia bị của Phật.
Có người nói: “May là nhờ phước của Thầy nên con rất khỏe!”. Thầy trả lời: “Tôi sắp chết đây, làm gì có phước ở đâu!”. Một đạo tràng tu tập tinh tấn thì người người phải hoan hỉ, gia đinh hạnh phúc, con cái ngoan hiền. Chúng ta còn bị vợ đánh, chồng đánh, con hư không nghe lời thì phải xem lại sự tu tập của bản thân.
Hòa thượng nói: “Các vị phải nên biết, Phật lực gia trì có một sức mạnh to lớn, không thể nghĩ bàn! Pháp sư trước khi giảng Kinh đều lạy Phật, niệm Phật cầu gia bị. Lúc niệm Phật thì tâm thu nhiếp lại, trở nên thanh tịnh. Người có tâm Thanh Tịnh, Bình Đẳng thì mới nhận được sự gia trì của Phật.” Hòa thượng giảng bất cứ một bài nào, dù đó là “Kinh Hoa Nghiêm”, trong bất kỳ một đĩa giảng nào của Ngài cũng có đạo lý tu hành, chứ không phải chúng ta phải nghe toàn tập thì mới thấy đạo lý tu hành.